Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tỏa sáng bản sắc Việt: Lần đầu tiên Vovinam trở thành môn thi đấu chính thức tại ASEAN Schools Games XIII năm 2024

ĐNA -

(Đà Nẵng). Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN Schools Games) XIII năm 2024 sẽ chính thức bắt đầu với 2 nghi thức Lễ Thượng cờ (10 quốc gia tham dự) và Lễ khai mạc, vào ngày 1/6/2024 tại Cung Thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng. Trước đó, vào ngày 30/5/2024, Đoàn Việt Nam sẽ làm lễ xuất quân tham dự ASEAN Schools Games.

ASEAN Schools Games XIII năm 2024 thúc đẩy tình đoàn kết giới trẻ Đông Nam Á thông qua thể thao học đường. Hình ảnh trong bài: Fanpage chính thức của ASEAN Schools Games 2024 .

“Việc (các vận động viên) đua tranh thành tích ở Đại hội chỉ là một mục tiêu nhỏ. 3 mục tiêu chính hướng đến vẫn là: Thúc đẩy tình đoàn kết giới trẻ Đông Nam Á thông qua thể thao học đường; Tạo cơ hội để vận động viên là học sinh được thể hiện tài năng ở khu vực; Tạo cơ hội cho học sinh các quốc gia Đông Nam Á (Southeast Asia), được tương tác và tham gia trao đổi văn hoá”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Đề nhấn mạnh tại lễ công bố sự kiện (diễn ra vào chiều 22/5/2024 vừa qua tại Hà Nội)

Được tổ chức lần đầu tại Thailand (năm 2009), qua 12 kỳ, ASEAN Schools Games là Đại hội thể thao lớn nhất dành cho học sinh trung học trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Mục tiêu bao trùm của ASEAN Schools Games vẫn là thúc đẩy, tăng cường tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên trong ASEAN, thông qua hoạt động thể thao học đường.

Thông điệp của ASEAN Schools Games XIII là tinh thần “Kết nối cùng toả sáng – Connect to shine bright “, thể hiện rất rõ rằng, sự kiện sẽ mang lại cơ hội cho mọi vận động viên thi đấu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao thể chất và thể lực cho lứa tuổi học sinh, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thể thao học đường, qua đó, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng ASEAN.

Tại ASEAN Schools Games XIII, cùng với các nội dung thi đấu, còn có hoạt động trải nghiệm đa dạng . Trong đó, có các hội thảo tập trung thúc đẩy phong trào thể thao học đường, phát triển thể lực cho học sinh Đông Nam Á. Hoạt động này không nằm ngoài mục đích cụ thể hóa yêu cầu tăng cường bền vững tinh thần giao lưu, hội nhập, trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực. Hướng đến một cộng đồng ASEAN “phát triển nhanh, bền vững” bằng nội lực của mình, tăng sức chống chịu cho mỗi quốc gia thành viên, đúng với chủ đề Diễn đàn Tương lai ASEAN (diễn ra hôm 23/4/2024), tại Hà Nội, Việt Nam.

Hình ảnh linh vật (Voọc chà vá chân nâu) trở thành Mascot đại diện của 6 bộ môn thi đấu.

ASEAN School Games XIII sẽ thi đấu tổng cộng 6 môn, tranh 107 bộ huy chương, gồm: Bơi (36 bộ) ; Bóng rổ (2 bộ); Cầu lông (7 bộ); Điền kinh (36 bộ); Pencak Silat (16 bộ) và Vovinam: 10 bộ.

Điểm đặc biệt nhất trong nội dung thi đấu tại ASEAN School Games XIII, đó là lần đầu tiên Vovinam (Võ cổ truyền Việt Nam) chính thức có mặt. Như vậy sau Pencak silat (môn võ đến từ Indonesia, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2019. Tại hội nghị các trưởng đoàn (Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á XIII), Vovinam được công nhận sẽ là môn thi đấu chính thức. Ngoài nước chủ nhà Việt Nam, các quốc gia cam kết sẽ tranh tài môn võ thuật này gồm có Campuchia, Indonesia, Lào,Myanmar và Thái Lan.

Lần đầu tiên là bộ môn thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á, Vovinam được kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn mới về hình ảnh thượng võ Việt Nam, đưa môn võ thuật này khẳng định và phát triển mạnh hơn trong cộng đồng thể thao Đông Nam Á, và vươn tầm, ghi danh môn võ này vào bản đồ võ thuật châu lục quốc tế. Đến nay tại Đông Nam Á và châu Á, UNESCO đã công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đối với môn võ thuật Taekkyeon (Hàn Quốc, năm 2011) ; “nghệ thuật tự vệ và tấn công” Silat (Malaysia). Như vậy, kể từ 2024, Vovinam đã có đẳng cấp mới, có cơ hội lớn để tạo ảnh hưởng vượt khỏi không gian quốc gia đã khai sinh ra môn võ này. 13 năm trước, tại SEA Games 26 năm 2011, Vovinam lần đầu tiên chính thức được đưa vào chương trình thi đấu.

Vovinam lần đầu tiên chính thức được đưa vào chương trình thi đấu của ASEAN Schools Games XIII – 2024.

Bậc sáng tổ Vovinam là võ sư Nguyễn Lộc, năm 1938, Vovinam lần đầu được giới thiệu với công chúng. Một trong những người kế thừa và giữ gìn phát triển Vovinam sau này là Chưởng Môn Lê Sáng. Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), diễn ra vào tháng 10 năm 2007, khi Vovinam không chỉ được phổ biến ở nhiều vùng miền tại nơi đã khai sinh ra môn võ này, mà còn, phổ biến ra toàn thế giới.

Liên tiếp trong hai năm sau đó (2008 và 2009), Liên đoàn Vovinam Quốc tế rồi Liên đoàn Vovinam châu Á (AVF) lần lượt ra đời sau đại hội thành lập. Tháng 7 năm 2009, Giải vô địch Vovinam thế giới được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, giải Vovinam quốc tế, đã có 4 lần tổ chức. Giải Vovinam thế giới cũng được ghi nhận là giải đầu tiên do Liên đoàn Vovinam thế giới điều hành.

Ngày 16/10/2010, tại Paris (Cộng hòa Pháp), diễn ra Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu u (EVVF); 2 tháng sau, tại Campuchia, vào ngày 28/12/2010, diễn ra Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á (SEAVF). Ở châu Phi, ngày 11/1/2012, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Phi (AFVF) diễn ra tại Alger (Algeri).

Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam phát triển với quy mô rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 2 triệu võ sinh, trong đó có Algérie, Australia, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đài Loan – Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Iran, Italia, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Uzbekistan, …

Nối tiếp thành công ASEAN Schools Games V-2023, tận dụng cơ hội vàng, quảng bá giá trị và bản sắc đất nước
Phát biểu tại lễ công bố ASEAN Schools Games XIII, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định rằng: “Đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển giáo dục, thể dục thể thao, mà còn có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao và du lịch góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị; sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước ASEAN; góp phần quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của Việt Nam đến các quốc gia, hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”.

Đoàn Thể thao học Việt Nam (đại diện 6 bộ môn) tại lễ công bố sự kiện (diễn ra vào chiều 22/5/2024 vừa qua tại Hà Nội).

Trước ASEAN Schools Games XIII, Việt Nam từng là quốc gia chủ nhà của ASEAN Schools Games XIII lần V năm 2013. Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam tham dự có số lượng đông nhất với 248 cận động viên, có mặt tranh tài ở đầy đủ 9 môn. Với 50 Huy chương vàng; 27 Bạc và 23 Đồng, Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam đã giành thứ hạng cao nhất (giải toàn đoàn, căn cứ vào thành tích tổng huy chương có được). Và đây cũng thành tích cao nhất, lần đầu tiên Việt Nam xác lập sau 5 kỳ tham dự ASEAN Schools Games.

Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 5 năm 2013, cũng là nơi một tài năng hiếm của thể thao Việt Nam lộ diện. Đó là ngôi sao trên đường đua xanh: Nguyễn Thị Ánh Viên. Thành tích của Viên với tư cách là thành viên Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam (năm đó Viên vừa tròn 17 tuổi), là tham gia thi đấu 9 nội dung, giành 8 Huy chương vàng; 1 Đồng. Ánh Viên cũng trở thành nữ vận động viên giành nhiều thành tích đỉnh cao nhất của ASEAN Schools Games 2013.

2 năm sau, tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 (diễn ra tại Singapore), Ánh Viên được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất (thành tích của Viên gồm 8 Huy chương vàng; 1 Bạc và Đồng). Gần đây nhất, tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2019 (diễn ra ở Philippines), với 6 Huy chương vàng; 2 Bạc, một lần nữa, Kình ngư Ánh viên trở thành vận động viên xuất sắc nhất đại hội. Ánh Viên cũng là hiện tượng tỏa sáng đặc biệt kể từ Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á.

“Kình ngư 17 tuổi của Việt Nam tạo ra cơn địa chấn tại ASEAN Schools Game lần V-2013”: Nguyễn Thị Ánh Viên.

Báo chí nước ngoài, khi nói về Nguyễn Thị Ánh Viên, đã gọi “Kình ngư 17 tuổi của Việt Nam tạo ra cơn địa chấn tại ASEAN Schools Game lần V-2013”. Vận động viên thứ hai, sau Ánh Viên, được truyền thông nước ngoài ca ngợi tại ASEAN Schools Game lần V-2013, là Nguyễn Thị Oanh. Với thành tích 5 Huy chương vàng, Oanh (năm đó tròn 16 tuổi), được tặng danh hiệu “nữ siêu nhân đường chạy” của Điền kinh học sinh Việt Nam

Tính từ Đại hội lần II đến XI, Việt Nam đã có 209 Huy chương vàng; 149 Bạc và 141 Đồng.

Với lợi thế của quốc gia chủ nhà, Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam đang có cơ hội “tạo dấu ấn đậm nét” tại ASEAN Schools Games XIII năm 2024. Theo Hội đồng Thể thao học sinh Đông Nam Á, lần này, tổng số các môn thể thao tổ chức trong chương trình thi đấu là 6 môn, tranh 107 bộ huy chương. Trong đó, Bơi 36 bộ huy chương, Bóng rổ 2 bộ huy chương, Cầu lông 7 bộ huy chương, Điền kinh 36 bộ huy chương, Pencak Silat 16 bộ huy chương, Vovinam 10 bộ huy chương.

“Nữ siêu nhân đường chạy” của Điền kinh học sinh Việt Nam: Nguyễn Thị Oanh.

Chúc Đoàn Thể thao học sinh Việt Nam lập nên kỳ tích mới trong lần đầu tiên ASEAN Schools Games diễn ra tại một thành phố duyên hải xinh đẹp, thành phố của biển, của lễ hội pháo hoa./.
T.Ngọc