Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tôi mặc áo dài



ĐNA -

Huế là cái nôi sinh ra áo dài, cũng là nơi gìn giữ tà áo dài ấy suốt mấy trăm năm qua, nhất là áo dài nữ. Nhưng áo dài nam thì không được may mắn như vậy, theo bước thăng trầm của lịch sử, áo dài nam dần vắng bóng trong cuộc sống thường nhật, sau năm 1975, hình ảnh chiếc áo dài nam vẫn còn thấy nhưng không nhiều.

Tác giả với bộ áo dài tấc Huế

Tôi vẫn nhớ, từ hàng chục năm trước đàn ông Huế mặc áo dài không phải là chuyện lạ, tuy nhiên hầu như họ chỉ mặc trong những dịp khá đặc biệt như cúng tế nơi đàn miếu, nhà thờ họ tộc hay trong các nghi lễ cưới, hỏi kiểu truyền thống. Mà áo dài hồi đó phần nhiều chỉ là loại áo dài đen may bằng vải thô hoặc áo thụng xanh may bằng vải giả gấm của tàu, giá rất rẻ, chỉ trong các phủ đệ và một số nhà sưu tầm cổ vật là còn giữ được những chiếc áo dài may bằng gấm, lụa sang trọng có từ xưa.

Tôi luôn mặc áo dài truyền thống trong các Hội nghị, Hội thảo khoa học

Tôi làm quen với áo dài cũng sớm, có thể nói là từ những năm đầu thập niên 1990, khi mới vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Hồi đó, những khi có dịp húy kị các vị Vua triều Nguyễn, tôi cũng có cơ hội mặc áo dài xanh giả gấm, phần nhiều là của mệ Bảo Hiền, hậu duệ của Đức vua Thành Thái đặt may, hoặc anh em trong cơ quan đặt mua ở đường Phan Đăng Lưu về để sẵn đó dùng khi có việc. Từ năm 2000 trở về sau, cơ hội mặc áo dài nhiều hơn vì trong các lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống gắn liền với các kỳ festival Huế, anh em chúng tôi vẫn hay mặc áo dài. Nhưng vẫn là loại áo dài vải giả gấm của tàu, mùa hè mặc rất bí và nóng. Có khi chỉ mặc một lúc, lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi, vậy nên trong suy nghĩ của rất nhiều người, mặc áo dài nam là một sự “chịu đựng” không mấy dễ chịu…

Người Huế mặc áo dàitrong những dịp khá đặc biệt như cúng tế nơi đàn miếu, nhà thờ họ tộc hay trong các nghi lễ Tết cổ truyền, cưới, hỏi kiểu truyền thống.

Tôi thường tham gia các hội nghị hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, mỗi năm ít nhất cũng dăm ba cuộc. Thường đi dự hội nghị hội thảo thì vẫn nghĩ trang phục trang trọng lịch lãm nhất là bộ âu phục veston sẫm màu. Tuy nhiên, có một kỷ niệm nhớ đời khiến tôi sau đó luôn phải mang theo một hai bộ áo dài trong hành trang của mình, nhất là khi tham gia các diễn đàn quốc tế. Đó là lần tôi dự một hội thảo quốc tế tại Thái Lan vào năm 2005, hôm tiệc chia tay tôi nhận được giấy mời của Ban tổ chức hội thảo trong đó ghi: “Đề nghị quý vị mặc trang phục dân tộc hoặc Quốc phục”. Do không để ý và cũng nghĩ đơn giản nên tối đó tôi vẫn diện bộ veston đến dự tiệc, không ngờ bị quê một trận không thể quên! Bởi tham dự buổi dạ tiệc ấy mỗi mình tôi là người Việt Nam lại mặc âu phục, trong khi bạn bè các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Lào… và chủ nhà Thái Lan đều mặc trang phục dân tộc, vừa đẹp vừa đầy bản sắc. Từ đó tôi bắt đầu trăn trở với câu hỏi, người Việt Nam có quốc phục hay không, áo dài có phải là quốc phục của người Việt hay không? Dẫu chưa chắc chắn nhưng tôi vẫn nghĩ áo dài là trang phục đặc trưng của người Việt, phụ nữ thì đương nhiên rồi, nam giới hẳn cũng vậy. Và kể từ đó, mỗi khi xuất ngoại tham dự các hội nghị hội thảo khoa học tôi lại mang theo áo dài và mặc áo dài trong các tiệc chia tay với bạn bè đồng nghiệp. Nhưng vẫn là bộ áo dài vải giả gấm tàu bí bách đó, hoặc là áo dài cách tân mà sau này tôi mới biết là được thiết kế theo kiểu áo Ấn Độ nhiều hơn là áo dài Việt…

Áo dài là trang phục đẹp và phù hợp nhất trong các dịp Lễ hội truyền thống.

Cho đến đầu năm 2017, khi Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm cố đô Huế tôi vẫn mặc chiếc áo dài vải giả gấm in chữ thọ màu xanh để đón tiếp và vẫn nghĩ là mình mặc chuẩn trang phục truyền thống Việt Nam nên rất phù hợp. Tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc đón tiếp Nhật hoàng và Hoàng hậu trước cửa Ngọ Môn được đăng tải ở nhiều báo ở Nhật Bản và báo chí trong nước, đồng thời cũng lan truyền ở mạng xã hội khá rộng rãi nên dư luận bàn tán cũng nhiều. Kể từ đó tôi mới thực sự quan tâm nghiên cứu về lịch sử chiếc áo dài, đặc biệt là áo dài nam của đàn ông Việt. Khảo cứu công phu của tác giả trẻ Trần Quang Đức trong công trình Ngàn năm áo mũ và những bài viết sâu sắc của nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều về chiếc áo ngũ thân, một sáng tạo độc đáo của cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến mở rộng không gian sống của người Việt gắn liền với vị thế vai trò của vùng đất Huế trong lịch sử dân tộc. Chiếc áo dài không chỉ là vật che thân mà còn là một biểu tượng về văn hóa, phản ánh đặc trưng văn hóa của vùng đất, thậm chí của cả một quốc gia, dân tộc. Có lẽ từ đó tôi mới thực sự gắn bó với chiếc áo dài ngũ thân…

Đầu năm 2019, tôi chuyển về công tác tại Sở Văn hóa & Thể thao nên càng có điều kiện để dành sự quan tâm nghiên cứu, suy nghĩ sâu hơn về vấn đề bản sắc văn hóa vùng đất, vấn đề bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống, nhất là Văn hóa Huế, Con người Huế. Và kể từ đó, Áo dài mới thực sự trở thành cái “nghiệp” của bản thân tôi…

Tôi dành sự quan tâm nghiên cứu, suy nghĩ sâu hơn về vấn đề bản sắc văn hóa vùng đất, vấn đề bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống, nhất là Văn hóa Huế, Con người Huế.

Sau một thời gian chuẩn bị khá chu đáo, tôi đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Huế- kinh đô áo dài Việt Nam” vào chiều ngày 8/7/2020. Có lẽ đây là cuộc hội thảo khoa học đầu tiên của một địa phương bàn về áo dài một cách toàn diện, bao gồm cả áo dài nam và áo dài nữ, đồng thời bàn kỹ về định hướng phục hồi và phát huy di sản quý báu này. Sau hội thảo, tôi đã đề nghị lãnh đạo tỉnh đồng ý để giao cho Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì việc xây dựng đề án “Huế -kinh đô áo dài Việt Nam” và bắt tay ngay vào việc xây dựng đề cương đề án và triển khai thử nghiệm việc phục hồi truyền thống mặc áo dài nam, trước hết bắt đầu từ ngành Văn hóa và Thể thao.

Đón Nhật Hoàng đến thăm Huế đầu năm 2017

Ngày 7/9/2020, toàn bộ nam cán bộ, công chức khối Văn phòng của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã mặc đồng phục áo dài ngũ thân cùng nữ cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống tham dự Lễ chào cờ đầu tháng. Đây là sự kiện gây chấn động đối với dư luận, báo chí. Trong vòng khoảng nửa tháng sau sự kiện này, ngoài hàng trăm bài báo bàn luận về vấn đề trên, tôi đã nhận được hàng nghìn tin nhắn cá nhân, số ủng hộ tán thưởng cũng có nhưng số phản đối, thậm chí chửi bới, miệt thị cũng không ít. Nhưng đã quen đương đầu với sóng gió và bản thân rất tin tưởng vào sự đúng đắn của con đường mình đã lựa chọn nên tôi không hề nao núng, vẫn vui vẻ động viên anh em kiên trì thực hiện mục tiêu của ngành. Và đúng như tôi dự đoán, chỉ sau khoảng hai tháng, phần lớn báo chí dư luận đã quay sang ủng hộ chúng tôi. Càng vui hơn nữa là sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp từ khắp miền đất nước, đặc biệt là từ các anh chị em thành viên của câu lạc bộ Đình Làng Việt và một số nhà nghiên cứu kỳ cựu từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó càng khiến anh em chúng tôi thêm tin tưởng vào điều mình đã làm. Và từ tháng 9 năm 2020 đến nay, Sở chúng tôi vẫn duy trì đều đặn việc mặc áo dài trong Lễ chào cờ vào thứ Hai đầu mỗi tháng…

Ngày 7/9/2020, toàn bộ nam cán bộ, công chức khối Văn phòng của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã mặc đồng phục áo dài ngũ thân cùng nữ cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống tham dự Lễ chào cờ đầu tháng.

Tôi có rất nhiều áo dài, hầu hết là loại áo ngũ thân truyền thống, bao gồm cả áo tay rộng (áo tấc), tay hẹp, áo ngắn (người Huế thường gọi là áo vạt hò) do nhiều nhà thiết kế, nhà may khác nhau. Ở Huế thì áo dài của Viết Bảo, Quang Hòa, Đoan Trang, Nguyên Trang, Hạnh SH… ít ra cũng có vài bộ mỗi một thương hiệu. Miền Bắc thì áo dài của nghệ nhân Đỗ Minh Tám, nghệ nhân Lê Đăng Toản; miền Nam thì áo dài của Trần Nguyễn Trung Hiếu và Năm Tuyền… dù là áo của ai may tôi cũng mặc với sự vui thích và lòng trân trọng. Tôi cũng thật may mắn vì có một người vợ tuyệt vời, người luôn ủng hộ tôi trong công việc và trong cuộc sống. Riêng với áo dài, nàng ấy không tiếc tiền để chọn vải đẹp, ưng ý để may áo cho tôi. Bởi vậy, tôi có cả một bộ sưu tập áo dài với đủ màu sắc, chất liệu, ít ra cũng khoảng 50 bộ. Nàng cũng luôn đồng hành với tôi trong các sự kiện liên quan đến áo dài và văn hóa truyền thống, khi thì đằm thắm trang nhã, khi thì xúng xính rực rỡ trong các bộ áo dài khác nhau tùy sự kiện.

Làm việc với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ở Huế.

Tôi cũng thật may mắn vì có những người bạn tâm giao chung chí hướng về phục hưng áo dài và văn hóa truyền thống. Ngoài các đồng nghiệp ở Sở thì các nhà thiết kế- nghệ nhân Quang Hòa, Viết Bảo, Đoan Trang, Hạnh SH ở Huế, nghệ nhân Đỗ Minh Tám ở Hà Nội, Nhà thiết kế-nghệ nhân Năm Tuyền ở miền Nam, anh em câu lạc bộ Đình Làng Việt ở khắp miền đất nước dưới vai trò dẫn dắt của Họa sỹ Nguyễn Đức Bình và cố vấn Trần Đoàn Lâm đã luôn chia sẻ, đồng hành, ủng hộ chúng tôi trong các hoạt động, sự kiện liên quan đến áo dài. Có lẽ chính vì vậy mà hình ảnh chiếc áo dài truyền thống- áo dài ngũ thân ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng không chỉ tại cố đô Huế mà còn ở khắp các địa phương trong nước và còn ra cả nước ngoài, những nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, làm việc như ở Hoa Kỳ, Úc, cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Có lẽ đó chính là điều khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc nhất!

Có một người tôi phải cảm ơn rất nhiều là Nhà thiết kế- nghệ nhân Năm Tuyền, người đã luôn hỗ trợ cá nhân tôi cũng như anh em ngành Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế trong rất nhiều hoạt động. Mỗi khi chúng tôi đặt may áo dài, anh đều hào hiệp miễn giảm tối đa đến mức có thể. Riêng tôi thì được anh ưu ái luôn giới thiệu các mẫu áo mới, chất liệu mới mà anh đã bỏ không ít công sức và tâm huyết để thiết kế, may thành. Anh cũng chưa từng vắng mặt buổi nào khi Huế mời tham dự các hoạt động liên quan đến áo dài. Có thể nói, cá nhân anh và thương hiệu Năm Tuyền chính là nguồn cảm hứng, là nguồn động lực không nhỏ đối với anh em ngành Văn hóa và Thể thao cố đô.

Tôi cũng thật may mắn vì có một người vợ tuyệt vời, người luôn ủng hộ tôi trong công việc và trong cuộc sống.

Hơn hai năm trước, lúc gần nửa đêm, tôi nhận được một cuộc gọi của GS.TS Bùi Duy Tâm từ nước Mỹ xã xôi. Vẫn là câu chuyện áo dài. GS Tâm chính là người đã gây chấn động cả học giới miền Nam từ cuối thập niên 1960 khi ông “bắt” tất cả các thầy giáo và sinh viên Y khoa phải mặc áo dài truyền thống trong Lễ tốt nghiệp, khi ấy ông là đương kim Trưởng khoa Y của Viện đại học Huế. Hơn 50 năm qua vị giáo sư đã bước qua tuổi 90 này vẫn giữ một tình yêu đặc biệt đối với tà áo dài. Từ cuộc điện thoại đầu tiên đầy bất ngờ đó đến nay ông vẫn thường xuyên trao đổi, động viên tôi tiếp tục sự nghiệp phục hưng áo dài và văn hóa truyền thống. Có thể nói, ông cũng là một nguồn cảm hứng đặc biệt đối với tôi, một người Việt Nam thật đáng trân trọng.

Tác giả chụp cùng GS.TS Bùi Duy Tâm, nhà văn Trần Thùy Mai (phu nhân của GS Tâm) và TS Trần Văn Dũng tại nghi lễ Ban sóc năm 2023.

Tôi có nhiều áo dài, nhưng trong các dịp đặc biệt vẫn thích mặc áo dài do Trần Nguyễn Trung Hiếu thiết kế và may. Hiếu là một trong những nghệ nhân áo dài trẻ nhất mà tôi từng biết, nhưng tay nghề thì rất đáng nể. Là người miền Nam nhưng áo Hiếu may lại “rất chi là Huế”, những chiếc áo dài được cắt may hoàn toàn thủ công, cẩn thận chi li từng mũi kim sợi chỉ nên chứa đựng thật nhiều tâm huyết, tình cảm. Mặc áo của Hiếu tôi như được tiếp thêm năng lượng và niềm tự hào là con dân nước Việt. Tôi là người may mắn vì được Trần Nguyễn Trung Hiếu tặng cho mấy chiếc áo dài, mà áo nào cũng đẹp, cũng ưng!*

Tôi có rất nhiều áo dài, hầu hết là loại áo ngũ thân truyền thống, bao gồm cả áo tay rộng (áo tấc), tay hẹp, áo ngắn (người Huế thường gọi là áo vạt hò).

Câu chuyện “Tôi mặc áo dài” đúng là lan man và rất dài. Kể ra thì cả chục trang giấy nữa vẫn chưa hết. Nhưng chắc phải tạm dừng tại đây. Hy vọng, câu chuyện này sẽ là một mảnh ghép nhỏ cho cuốn sách “Chiếc áo năm thân”mà Câu lạc bộ Đình Làng Việt đứng ra biên soạn và sẽ giới thiệu trong Tuần lễ Áo dài cộng đồng năm 2024 này.

TS. Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế