Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổng Bí thư Tô Lâm điểm tên hai bệnh viện được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nam



ĐNA -

Chiều 26/10/2024, trong buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến hai bệnh viện được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nam. Đã 10 năm từ ngày khởi công xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại TP.Phủ Lý (Hà Nam) vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động. Hai bệnh viện được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng hoang phế, cỏ mọc um tùm.

Tổng Bí thư Tô Lâm điểm tên hai bệnh viện được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nam.

“Hai bệnh viện tại Hà Nam, dân không có bệnh viện để khám chữa, Nhà nước bỏ tiền ra xây rồi, nhưng hàng chục năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nếu của tư nhân, họ đã thu hồi xong vốn, vốn đó được hoàn trả rồi. Nhưng Nhà nước vẫn để không thế, không ai chịu trách nhiệm à? Đó là lãng phí! Làm sao lại để được như vậy”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bệnh viện Bạch Mai thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Lãng phí ngang với tham nhũng
Khi Tổng Bí thư Tô Lâm đặt câu hỏi “Hay của Nhà nước thì chả là của ai!?”, ông đã chạm đến một căn bệnh trầm kha trong xã hội Việt Nam – tư duy “cha chung không ai khóc” trong quản lý và sử dụng tài sản công.

Điển hình như dự án chống ngập 10.000 tỷ ở TP.HCM. Khi người dân vẫn phải bì bõm lội nước sau mỗi cơn mưa, câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm? Hay như hai bệnh viện tại Hà Nam bỏ hoang trong khi người dân thiếu nơi khám chữa bệnh – nếu là dự án tư nhân, chắc chắn đã không thể tồn tại tình trạng này. Bởi với tư nhân, mỗi đồng vốn đều phải tính toán hiệu quả, mỗi ngày trì hoãn đều đồng nghĩa với thiệt hại.

Những con số thiệt hại từ các dự án treo, đất vàng bỏ hoang hay công trình dở dang không chỉ đơn thuần là vấn đề quản lý yếu kém. Sâu xa hơn, đó là hệ quả của một tư duy đã ăn sâu hàng chục năm: tài sản công không phải của ai, nên không ai thực sự đau đáu, trăn trở để bảo vệ, phát triển nó.

Thực tế cho thấy, tư duy “cha chung không ai khóc” đã tạo ra một vòng luẩn quẩn trong cơ chế quản lý. Khi có vướng mắc, không ai dám quyết, không ai dám làm – vì sợ trách nhiệm. Nhưng khi để dự án treo, đất hoang – cũng không ai phải chịu trách nhiệm. Đây chính là nghịch lý cần được phá vỡ.

Chỉ sau vài ngày từ phát biểu này, Bộ Chính trị đã có động thái mạnh mẽ khi ban hành Quy định 191 và Quyết định 192, chính thức bổ sung nhiệm vụ chống lãng phí vào Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây không đơn thuần là việc thêm một từ vào tên gọi, mà là sự nâng tầm của cuộc chiến chống lãng phí lên ngang hàng với chống tham nhũng – một quyết định thể hiện rõ quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng.

Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức thành phố Phủ Lý, Hà Nam

Điều đặc biệt là tốc độ từ nhận diện vấn đề đến hành động của người đứng đầu Đảng. Lời nói đanh thép và hành động quyết liệt của Tổng Bí thư đã mở ra một hướng đi mới. Nhưng để thực sự phá vỡ tư duy “cha chung không ai khóc”, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát chặt chẽ của người dân và đặc biệt là một cơ chế trách nhiệm đủ mạnh để răn đe, đủ rõ để thực thi. Bởi như chính Tổng Bí thư đã nói, không thể để tình trạng này tiếp diễn – “Làm sao lại để được như vậy!”

Phải có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ủng hộ Tổng Bí thư Tô Lâm xử lý quyết liệt, dứt điểm tình trạng lãng phí.

Lê Huy