Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổng Bí thư với yêu cầu phải ‘cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy’

ĐNA -

Ngày 31/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ khi phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào? Đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn”,. “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết Trung ương đã nêu, nhưng phải thấm tới từng chi bộ, từng đảng viên
Yêu cầu cấp bách trong việc tinh gọn bộ máy là một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận cũng như bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 8, đặc biệt là sau những bài phát biểu cũng như bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập thực trạng: “Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước”. Theo Tổng Bí thư, những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đề cập đến tình trạng bộ máy cồng kềnh khi Quốc hội thảo luận ở tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những ví dụ cụ thể về “một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính”, gây bức xúc trong nhân dân. “Một tờ giấy khai sinh thôi, 5-6 cơ quan phải tham gia vào. Dân mất cả tuần đến 10 ngày, có khi người ta cũng chán, chả đi làm, chả vấn đề gì. Nhưng không được, đã là thủ tục phải làm và phải cải cách”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư nêu ví dụ, một bà mẹ sinh con, giấy chứng sinh trạm y tế cấp, rồi mang giấy đó sang công an lấy số định danh, rồi sang tư pháp lấy giấy khai sinh. Có giấy khai sinh lại quay trở về công an làm hộ khẩu, rồi sang y tế làm bảo hiểm… Tổng Bí thư đặt vấn đề: Tại sao không để ở ngay trạm y tế đó, cho phép người mẹ 1 – 2 ngày hoàn thành tất cả các thủ tục? Tại sao lại phải sang tư pháp, khi đương nhiên người ta có cái đó rồi mà phải đi trình bày, làm những chuyện khổ như thế?

Từ đó, Tổng Bí thư lưu ý rà soát lại, xem cách gì để phục vụ nhân dân tốt hơn, cách gì để giảm công sức vào những việc không cần thiết. Rất nhiều việc, đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt bộ máy…

“Đây là một cuộc cách mạng. Nghị quyết Trung ương đã nói, nhưng phải thấm tới từng chi bộ, từng đảng viên, chứ không phải việc giảm biên chế là của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hay các cơ quan “, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cát, đá, sỏi: 5-6 bộ cùng nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì
Cũng tại phiên họp tổ Quốc hội, Tổng Bí thư dẫn chứng vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi. Việc này 5-6 bộ cùng tập trung nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải nói sông này nếu khơi thông luồng lạch cho giao thông thì bộ có trách nhiệm và nếu doanh nghiệp nào làm khai thác lòng sông sẽ được trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại nói không được, vì đây là kho tài nguyên của tôi, ai muốn khai thác phải trả tiền. Bộ Xây dựng lại nói đây là nguyên vật liệu xây dựng…

“Một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp bàn lên bàn xuống, nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính về cát, sỏi, lòng sông thì chả biết ai. Bộ máy cứ như thế làm sao chịu được, không thể chịu được những cái cồng kềnh”, Tổng Bí thư nói và cho rằng với địa phương cũng lại Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng quản lý.

Dẫn chứng câu chuyện này, Tổng Bí thư cho rằng, doanh nghiệp cũng khổ sở, muốn làm gì về cát, đá, sỏi hỏi đủ các ý kiến, rồi UBND tỉnh quyết định, huyện chịu trách nhiệm quản lý, mà lại vẫn tiêu cực.

“Quản lý như vậy đâu có phải hay. Cát, đá, sỏi lòng sông là khe hở, người dân có được thụ hưởng đâu. Cát cấp cho doanh nghiệp khai thác lên, giá bán, giá mua đã lằng nhằng, doanh nghiệp lời như thế, khai thác chui… rất tiêu cực. Thậm chí tội phạm cũng xen vào, từ vận chuyển, khai thác đến đổ vào các khu công nghiệp, công trình công… có bóng dáng tội phạm lợi dụng cơ chế. Chủ tịch địa phương rất nhức đầu, thậm chí, khống chế lại cả chính quyền, “nếu cho ông kia làm, không cho tôi làm thì chết với tôi”, đe dọa như thế. Như vậy, hiệu lực quản lý đến đâu? Đây là vấn đề cần xem xét”, Tổng Bí thư, nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ ngày 31/10.

Cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy
Nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết quan trọng về “Tinh – gọn – mạnh, hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”, trong đó yêu cầu thực hiện quyết liệt nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển

“Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào? Đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ khi phát biểu tại Quốc hội trong phiên thảo luận ở tổ, ngày 31/10. “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”, Tổng Bí thư lưu ý.Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sau 7 năm thực hiện nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Việt Nam đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, một số bộ ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”…

Tổng Bí thư lưu ý, thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần khẩn trương thực hiện “cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy” của hệ thống chính trị.

Trong đó, cần xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng thời, tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Từ đó đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ khác được Tổng Bí thư nhấn mạnh là cần tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, cải cách tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định, phải gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.

“Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Lê Huy