Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

 Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

ĐNA -

Theo thông tin VPCP, chiều 21/10/2022, tại Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức Hội nghị người đại diện vốn tại doanh nghiệp (DN) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 DN

Phó Tổng Giám đốc SCIC Lê Thanh Tuấn báo cáo tại Hội nghị – Ảnh: VGP

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc SCIC Lê Thanh Tuấn cho biết, từ khi chính thức đi vào hoạt động (tháng 8/2006) đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.079 DN với tổng giá trị vốn Nhà nước (theo vốn điều lệ) là 30.798 tỷ đồng. Trong đó, có 24 tập đoàn, tổng công ty đã cổ phần hoá.

Tổng số vốn do SCIC làm chủ sở hữu chiếm khoảng gần 2% tổng số vốn Nhà nước tại các DN, đã bán vốn tại 1.040 DN (trong đó, bán hết vốn tại 936 DN, bán một phần vốn tại 104 DN và bán quyền mua tại 19 DN).

Đến ngày 30/9, danh mục đầu tư của SCIC (còn lại sau khi bán vốn và chuyển giao lại vốn DN công ích cho địa phương) bao gồm 126 DN, với tổng số vốn theo giá trị sổ sách là 47.344 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 158.111 tỷ đồng, bao gồm 121 công ty cổ phần, 1 công ty TNHH 2 thành viên, 4 công ty TNHH MTV.

Hiện tại SCIC nắm giữ trên 50% vốn tại nhiều Tập đoàn và Tổng công ty như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Điện tử tin học Việt Nam (Viettronics)…

Theo ông Lê Thanh Tuấn, SCIC luôn xác định người đại diện có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả quản lý vốn đầu tư của SCIC tại DN, vì vậy, sau khi tiếp nhận quản lý phần vốn Nhà nước, SCIC đã từng bước kiện toàn hệ thống người đại diện.

Đến ngày 30/9, tổng số người đại diện là 203 người, trong đó có 139 người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành DN (chiếm 59,15%); 1 người đại diện là công chức (chiếm 0,43%), đối với một số DN quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, khó khăn, SCIC trực tiếp cử cán bộ của SCIC làm người đại diện và tham gia quản lý doanh nghiệp (chiếm 40,42%).

Như vậy, so với thời điểm 10 năm về trước (năm 2012), tỉ lệ người đại diện là cán bộ doanh nghiệp giảm 25,2%, người đại diện là cán bộ của SCIC tăng 31,88%, đặc biệt tỉ lệ người đại diện là công chức giảm 6,68%.

Kết quả kiện toàn hệ thống người đại diện của SCIC đã thay thế dần người đại diện là cán bộ các cơ quan nhà nước, tăng cường cử cán bộ của SCIC, cán bộ lãnh đạo DN làm đại diện vốn tại các DN quan trọng, có quy mô lớn hoặc tại các DN phát sinh những vấn đề phức tạp.Nâng cao hiệu quả công tác người đại diện

SCIC tiếp tục hoàn thiện các quy định về công tác người đại diện; tiếp tục kiện toàn nhân sự và tăng cường các biện pháp hỗ trợ trong công tác người đại diện; thực hiện tái cấu trúc, nâng cao năng lực và cổ phần hoá các Công ty TNHH MTV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC từng bước phối hợp trong việc đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, tăng cường tổ chức các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản trị DN tại nước ngoài đối với người đại diện tại các DN tiêu biểu.

Tại một số DN có vốn góp chi phối, SCIC sẽ tăng cường cử cán bộ tham gia kiêm nhiệm hoặc biệt phái làm việc chuyên trách để phối hợp với người đại diện tại DN.

Đối với các DN thuộc diện bán vốn, SCIC có thông tin sớm đến người đại diện và ban lãnh đạo nhằm giúp DN chủ động chuẩn bị cho việc thay đổi cơ cấu cổ đông sau khi SCIC thoái vốn.

Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho người đại diện là lãnh đạo của DN, SCIC sẽ tiếp tục phối hợp để kiện toàn đội ngũ lãnh đạo thông qua việc sắp xếp lại, bổ sung mới và cử biệt phái cán bộ SCIC nếu cần thiết.

Phó Tổng Giám đốc SCIC Lê Thanh Tuấn báo cáo tại Hội nghị – Ảnh: VGP

Điều hoà các cổ đông, bảo đảm mục tiêu phát triển
Bà Đào Thị Thúy Hà, thành viên hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Traphaco cho rằng, SCIC giữ vai trò chủ động kết nối và tìm các giải pháp phối hợp với các cổ đông lớn, hài hòa lợi ích các cổ đông để đặt ra mục tiêu bảo đảm cho DN phát triển ổn định lâu dài, có những bước đột phá trong lương lai.

Trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo SCIC luôn giữ mối quan hệ hợp tác với nhiều cổ đông tổ chức, hài hòa lợi ích để đạt mục tiêu của các bên cũng như thống nhất mục tiêu giúp DN phát triển tốt nhất.

Đại diện Tổng công ty Sông Đà đánh giá, sau khi nhận bàn giao vốn, SCIC đã kịp thời rà soát tình hình hoạt động, nhận diện các vấn đề tồn tại trong hoạt động của Tổng công ty từ đó định hướng, chỉ đạo các mặt hoạt động chính. SCIC đã thuê tư vấn độc lập để rà soát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

SCIC đã chỉ đạo người đại diện vốn tại Tổng công ty Sông Đà phối hợp với Hội đồng quản trị và Ban điều hành hoàn thành hồ sơ quyết toán, bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần trình Bộ Xây dựng. Đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn tổ hợp Sông Đà, trong đó tập trung tiếp thị, đấu thầu xây lắp là lĩnh vực hoạt động chính của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
Minh Hoa-Tiến Chí