Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổng giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị khởi tố vì bán trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm

ĐNA -

Ngày 20/10/2023, theo thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương – đơn vị khai thác mỏ đất hiếm tại tỉnh Yên Bái.

Trụ sở Công ty Thái Dương

Sau thời gian đấu tranh chuyên án để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương; ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các công ty có liên quan.

Ngày 19/10, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ra Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 6 đối tượng: Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Đặng Trần Chí, Giám đốc và Phạm Thị Hà, Kế toán Công ty Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Thị Hiền, Kế toán Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ 6 đối tượng, phong toả Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương để điều tra về dấu hiệu vi phạm pháp luật và đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.

Các bị can (từ trái qua phải): Đoàn Văn Huấn, Nguyễn Văn Chính. Ảnh: Bộ Công an.

Quá trình điều tra bước đầu xác định: Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.233.102 kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152.856.646 kg quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng; vi phạm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các khoản 3, 5, 7 Điều 2 và Điều 3 Giấy phép khai thác khoáng sản số 927/GP-BTNMT.

Ngoài ra, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính còn thỏa thuận với Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế; giúp Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỉ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước là trên 7,5 tỉ đồng.

Đây có lẽ là vụ án đầu tiên liên quan đến khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm ở Việt Nam. Bộ Công an cho biết, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Các bị can (từ trái qua phải): Đặng Trần Chí, Phạm Thị Hà, Lưu Anh Tuấn, Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Bộ Công an.

Thông tin chủ sở hữu mỏ đất hiếm – Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương thành lập tháng 9/2002 do Đoàn Văn Huấn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở chính đặt tại số 33 Kim Mã, Hà Nội.

Tháng 10/2021 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Thái Dương hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và mỏ xây dựng; sản xuất các sản phẩm từ khoáng chất phi kim loại khác…

Công ty Cổ phần Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6 năm 2013 với diện tích 6,24ha, mức sâu khai thác đến mức + 35m, thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác 1.894.617 tấn đất quặng (tương ứng 23.569 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3, 259.615 tấn tinh quặng sắt 60 %Fe).

Đất hiếm ở Yên Bái được đánh giá là khoáng sản quý có chứa nhiều nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất như Yttrium và Lanthanum.

Tháng 6/2016 Bộ TN&MT cấp quyền khai thác khoáng sản Mỏ quặng đất hiếm tại Khu vực Yên Phú cho công ty.

Tháng 7/2017 Công ty Cổ phần Thái Dương đã đem quyền tài sản phát sinh do ngân hàng tài trợ từ Dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng đất hiếm tại mỏ đất hiếm Yên Phú thế chấp tại Ngân hàng Quân đội MB.

Kèm theo đó là Toàn bộ hồ sơ Dự án, trong đó có Quyết định về việc phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản Mỏ quặng đất hiếm tại Khu vực Yên Phú…

Đoàn Văn Huấn ngoài là Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Thái Dương, còn là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Đất hiếm Yên Phú.

Công ty Cổ phần Đất hiếm Yên Phú thành lập tháng 3/2017 địa chỉ đặt tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kim loại màu và kim loại quý, chi tiết là chế biến khai thác quặng đất hiếm.

Công ty Cổ phần Đất hiếm Yên Phú có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Thái Dương nắm giữ 53% vốn điều lệ; Đoàn Văn Huấn góp 26%; Đào Duy Tùng góp 11% và Lưu Anh Tuấn góp 10%. Lưu Anh Tuấn hiện cũng là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hệ sinh thái quanh Đoàn Văn Huấn còn có Công ty cổ phần chế biến đất hiếm do Đoàn Văn Huấn làm Giám đốc, mới thành lập từ tháng 2/2023 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng.

Tập đoàn Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6 năm 2013.
Mỏ đất hiếm này nằm cách TP Yên Bái gần 60 km, cách trung tâm huyện Văn Yên gần 20 km

Đây chính là công việc khởi đầu cho việc tăng cường quản lý đất hiếm.
Đất hiếm là tài nguyên quý giá của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung quốc. Đất hiếm là tài nguyên chiến lược và vô cùng quan trọng đối với các ngành liên quan đến công nghệ bán dẫn, công nghệ Chip … Theo dự tính của Hoa Kỳ, nếu khai thác các mỏ đất hiếm của Việt Nam được quản lý tốt sẽ đem lại cho Việt Nam hàng ngàn tỷ USD trong thời gian tới!

Hiện nay, việc quản lý, khai thác, tiêu thụ đất hiếm ở Việt Nam là chưa tốt, tài nguyên đất hiếm ở các mỏ Lai Châu, Lào Cai và nhiều nơi khác hầu như bị buông lỏng, nạn khai thác tài nguyên quý giá của đất nước hầu như để tư nhân khai thác mang tính thủ công , đầu nậu thu gom và xuất chui.

Việc khởi tố và bắt tạm giam Chủ tịch, Tổng Giám đốc và Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương là bước đầu tiên trong việc tuyên chiến với nạn trộm cắp, khai thác lậu đất hiếm ở Việt Nam. Lâu nay có bắt nhưng mang tính nhỏ lẻ. Các đầu nậu đang khai thác tại các mỏ đất hiếm sắp tới cũng sẽ được kiểm tra, kiểm soát!

Chy Lê