Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến Nam Phi dự thượng đỉnh BRICS

ĐNA -

Ngày 29/7/2023, khi được hỏi về quyết định không đến Nam Phi vào tháng 8, Tổng thống Putin cho rằng đến Nam Phi không quan trọng bằng ông hiện diện ở Nga và xác nhận sẽ dự thượng đỉnh BRICS dưới hình thức trực tuyến. “Tôi không nghĩ việc đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS quan trọng hơn sự hiện diện của tôi ở Nga lúc này”, Tổng thống Vladimir Putin trả lời.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg ngày 29/7. Ảnh: AFP

Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi với 4 thành viên còn lại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Johannesburg ngày 22-24/8. Pretoria ngày 19/7 thông báo ông Putin sẽ không đến dự sự kiện và Điện Kremlin đã xác nhận thông tin.

Tổng thống Putin cho biết Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tại Johannesburg. “Tôi chắc chắn sẽ tham gia bằng hình thức trực tuyến”, ông Putin bổ sung.

Ông chủ Điện Kremlin cũng chưa quyết định có đến Ấn Độ để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 hay không. “Tôi chưa biết chắc. Tôi chưa nghĩ đến việc đó. Chúng ta hãy chờ xem”, ông nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brasília, Brazil, năm 2019. Ảnh: AP

Không dự BRICS, ông Putin gỡ thế khó cho Nam Phi
Việc ông Putin quyết định không dự hội nghị BRICS đã giúp Nam Phi thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan với câu hỏi có bắt Tổng thống Nga theo lệnh ICC hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng tới ở Johannesburg “theo thỏa thuận chung” giữa lãnh đạo hai nước, chính quyền Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 19/7 thông báo. Đây được xem là động thái “trút gánh nặng” với Nam Phi, quốc gia trong vài tháng qua đã vô cùng bối rối với lệnh bắt mà Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát ra với ông Putin.

Nam Phi đang là nước chủ tịch BRICS, khối các nền kinh tế mới nổi với 4 thành viên còn lại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Quốc gia này hồi đầu năm đã mời lãnh đạo các nước thành viên dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg từ ngày 22 đến 24/8.

Trước đây, ICC, trụ sở tại The Hague, Hà Lan, hồi tháng ba phát lệnh bắt Tổng thống Putin với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine. Đây cũng là lúc Nam Phi bắt đầu đối mặt với rắc rối, dù Nga tuyên bố lệnh bắt của ICC là “vô nghĩa” và không có hiệu lực.

Theo Quy chế Rome, với tư cách thành viên ICC, Nam Phi có nghĩa vụ bắt Tổng thống Putin khi ông đến nước này và bàn giao cho tòa án ở The Hague để xét xử. Các quan chức chính phủ Nam Phi từng xem xét phương án cấp quy chế miễn trừ cho ông Putin, nhưng vấp phải sự phản đối của phe đối lập và rào cản pháp lý trong nước.

Không chỉ ký kết Quy chế Rome, Nam Phi còn đưa quy chế này vào luật pháp đất nước. Bất kỳ động thái nào nhằm tránh thực hiện lệnh bắt của ICC bằng cách thay đổi hoặc bãi bỏ luật sẽ phải được quốc hội thông qua và có thể bị Tòa án Hiến pháp của nước này hủy bỏ.

Năm 2015, Nam Phi đã từ chối thực hiện lệnh bắt của ICC đối với tổng thống Sudan khi đó là Omar al-Bashir, người bị ICC phát lệnh bắt với cáo buộc gây tội ác chiến tranh và diệt chủng.

Tòa án Tối cao Nam Phi khi đó ra phán quyết rằng hành động của chính phủ là bất hợp pháp và ICC khẳng định Nam Phi đã không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình. Động thái này khiến Nam Phi bị cộng đồng quốc tế lên án.

Thực tế này đẩy Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vào thế tiến thoái lưỡng nan, vì không bắt lãnh đạo Nga đồng nghĩa với vi phạm luật pháp đất nước. Phe đối lập thậm chí tuyên bố sẽ tự ra tay bắt ông Putin theo quy định của pháp luật, điều có thể gây ra bất ổn nghiêm trọng cho quốc gia.

Trước nguy cơ lịch sử lặp lại, theo nhà phân tích chính trị William Gumede từ Trường Quản trị thuộc Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, kế hoạch dự BRICS của Tổng thống Putin khiến ngay cả những người ôn hòa nhất trong chính phủ Nam Phi cũng cảm thấy bất an.

Tình huống khó xử thậm chí đã khiến một số quan chức Nam Phi đề xuất rút khỏi ICC. Nước này cũng đưa ra một số phương án khác, như chuyển địa điểm tổ chức hội nghị tới Trung Quốc, hay tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến, nhưng tất cả đều không đạt được đồng thuận trong khối BRICS.

Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile gần đây tuyên bố chính phủ của ông hy vọng Tổng thống Putin sẽ không tham dự hội nghị. Mashatile cho hay Nam Phi không muốn bắt lãnh đạo Nga. “Đó là lý do, đối với chúng tôi, việc Tổng thống Putin không đến là giải pháp tốt nhất”, ông nói.

Tổng thống Ramaphosa đã cảnh báo trong một bản khai của tòa án được công bố hôm 18/7 về việc Nam Phi có thể phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu bắt Tổng thống Putin. Ông cho hay phía Nga “đã nói rõ ràng” rằng hành động đó “sẽ là một lời tuyên chiến”.

Nga phủ nhận việc đe dọa trực tiếp Nam Phi, nhưng vào ngày 19/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trước các phóng viên rằng “tất cả mọi người đều hoàn toàn hiểu một nỗ lực xâm phạm lãnh đạo Nga có nghĩa là gì”.

Các quan chức Nam Phi những tháng gần đây nói rằng tranh cãi liên quan đến việc Tổng thống Putin tham dự hội nghị BRICS sẽ làm lu mờ chương trình nghị sự của sự kiện.

Giới phân tích nhận định việc đạt được thỏa thuận cuối cùng với Điện Kremlin về việc ông Putin sẽ không tới Johannesburg đã giúp gỡ thế khó ngoại giao cho Nam Phi và đảm bảo hội nghị BRICS vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Quyết định này xóa bỏ áp lực cho chính quyền Tổng thống Ramaphosa, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng đến vị thế của lãnh đạo Nga trên trường quốc tế.

Dự hội nghị BRICS được coi là sự kiện quan trọng trong lịch trình ngoại giao của Tổng thống Putin trong năm 2023 nhằm thể hiện ông như một lãnh đạo toàn cầu mạnh mẽ, có nhiều đồng minh, đang tham gia vào nỗ lực định hình trật tự thế giới đa cực mới thách thức Mỹ. Các khối như BRICS là chìa khóa cho tầm nhìn này.

Tổng thống Putin nhiều tháng qua tuyên bố sẽ tới Johannesburg dự hội nghị của BRICS, nhưng ông dường như đã bớt kiên quyết hơn sau cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hồi tháng trước, theo một quan chức chính phủ Nam Phi giấu tên am hiểu vấn đề.

Tổng thống Putin “trở nên dễ thuyết phục hơn bởi những vấn đề trong nước gần đây”, quan chức này nói.

Vincent Magwenya, phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi, cho hay ông không biết liệu cuộc nổi loạn của Wagner có ảnh hưởng đến quyết định của Tổng thống Putin hay không, nhưng đó là kết quả từ những cuộc thảo luận kéo dài giữa hai bên.

Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Tổng thống Ramaphosa đã hoan nghênh quyết định cuối cùng từ Tổng thống Nga. Nó sẽ “giúp hội nghị thượng đỉnh BRICS tập trung vào các vấn đề cấp bách trong tình hình địa chính trị hiện nay”, Mahlengi Bhengu, phát ngôn viên của ANC cho biết trong một cuộc họp báo ngày 19/7/2023.

Tuy nhiên, Andre Thomashausen, giáo sư danh dự về luật quốc tế tại Đại học Nam Phi, đánh giá việc Tổng thống Putin vắng mặt có thể khiến hội nghị thượng đỉnh BRICS không thể tạo ra những đột phá như nhiều người mong đợi.

Một số quốc gia BRICS coi hội nghị sắp tới là cơ hội để tìm ra một loại tiền tệ có thể cạnh tranh với đồng USD, nhưng Thomashausen cho rằng điều này khó thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay.Phản ứng với việc Tổng thống Putin không dự hội nghị BRICS đã thu hút phản ứng trái chiều ở Nam Phi.

Lunga Tshabalala, cư dân thành phố Johannesburg, cho hay đó là điều tốt khi Nam Phi có thể tránh được những rắc rối không cần thiết. Những người khác, như Mahlatse Makgoba, không tán thành. Cô tin rằng mối quan hệ chặt chẽ với Nga có thể giúp ích rất nhiều cho Nam Phi về mặt kinh tế.

Chy Lê/theo AP