Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

TP.Hồ Chí Minh: Đề xuất xếp hạng di tích lịch sử cách mạng Biệt động Sài Gòn

ĐNA -

Ngày 20/12/2022, Sở Văn hoá – Thể thao (VH-TT) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Toạ đàm khoa học về di tích lịch sử căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (Phường 13, Quận 10) – nơi từng được gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn”, để làm cơ sở trình UBND TP Hồ Chí Minh xem xét việc quyết định xếp hạng di tích. Tọa đàm nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu, các vị lão thành cách mạng và các nhân chứng lịch sử để xác định rõ về tên gọi di tích, qua đó tiếp tục tập hợp tư liệu, các ý kiến nhận xét, đánh giá liên quan đến di tích, làm rõ thêm quá trình hình thành di tích, sự kiện lịch sử, ý nghĩa và giá trị của di tích, đề xuất phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích làm cơ sở lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích.

Garage Tự Lực ở số 499/20 Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10. Trước kia, nơi đây được biết đến với tên gọi khác là “Garage Biệt động Sài Gòn”.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ về cơ sở cách mạng đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định xây dựng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; tình hình quản lý, sử dụng cơ sở Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10 và những đóng góp của di tích đối với hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và cả nước; một số đề xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám

Ông Dương Bửu Chánh (con trai ông Dương Văn Đức), phó giáo sư – tiến sĩ Phan Xuân Biên, ông Nguyễn Quốc Độ – phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, phó giáo sư – tiến sĩ Hà Minh Hồng, bà Lê Tú Cẩm – chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM – lần lượt trình bày các bài tham luận khẳng định ý nghĩa lịch sử của Garage 499/20 trong hoạt động cách mạng, phục vụ chiến đấu cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Theo tư liệu của CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, trong kháng chiến chống Mỹ, cơ sở cách mạng tại căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám là nơi các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú.

Đồng thời, nơi đây cũng là cơ sở sửa chữa ô tô được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung.

Theo phát biểu của bà Nguyễn Thị Thúy Hường – phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám trước là tiệm sửa xe ô tô của ông Dương Văn Đức, còn được dân địa phương gọi với tên là Garage Hai Diện, Garage Tự Lực…. Cơ sở được xây dựng từ những năm 1950. Cũng tại căn nhà này, chiến sỹ biệt động Trần Văn Lai – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã thường xuyên gửi 2 chiếc xe ôtô mang số hiệu NCE-345 và EC-6045 cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để sử dụng phục vụ công tác đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn. 2 chiếc xe trên cũng được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào Dinh Độc Lập trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Ngoài ra, ông Đức còn làm phòng bí mật trên mái garage để các cán bộ ẩn nấp, cũng như giúp cán bộ trốn thoát ra phía nghĩa trang sau garage khi bị truy xét.

Phó giáo sư – tiến sĩ Phan Xuân Biên cho rằng: “Tên di tích đầu tiên phải mang tính lịch sử. Nếu nói đây là Garage Tự Lực thì phải có di tích Garage Tự Lực hay di tích Garage Hai Diện. Thứ hai, chức năng và công lao của di tích là đối với Biệt động Sài Gòn, cho nên nó là Garage Biệt động Sài Gòn.

Phó giáo sư – tiến sĩ Phan Xuân Biên trình bày bài tham luận

Theo tôi, chúng ta có thể lấy tên Garage Tự Lực – Garage Biệt động Sài Gòn, vì như thế vừa phản ánh lịch sử vừa phục vụ cho Biệt động Sài Gòn, nằm trong chuỗi di tích của Biệt động Sài Gòn. Việc nằm trong chuỗi di tích phục vụ cho du lịch, giáo dục cho truyền thống cách mạng”.

Trong bài viết “Di sản văn hóa ghi dấu chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” Thiếu tướng, TS Đào Ngọc Dinh- Viện trưởng Viện Chiến lược Công an đã nhắc lại những những chiến công vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Lực lượng Biệt động Sài Gòn. Những chiến công xuất sắc, sự hi sinh lớn lao và những bài học kinh nghiệm trong chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn sẽ còn mãi với thời gian và đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng như một lẽ tự nhiên. Những trận đánh, những địa điểm tập kết vũ khí, hậu cần, nơi ém quân, cơ sở cách mạng trung kiên… kể trên ghi dấu ấn đậm nét chiến công ngời sáng của lực lượng Biệt động Thành và đã trở thành di tích lịch sử cách mạng – di sản văn hóa vô giá, được kết tinh bằng xương máu, bằng ý chí quyết tâm, bằng trí thông minh và bằng sự quả cảm… của các chiến sĩ Biệt động Thành và đồng bào trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh nhấn mạnh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để tiến hành lập hồ sơ di tích, xây dựng bia ghi dấu chiến công, bia tưởng niệm những địa điểm liên quan đến sự kiện tiến công địch trong Mậu Thân 1968; sưu tầm các tài liệu hiện vật liên quan nhằm tôn vinh và tri ân sự hi sinh và công trạng của cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, các lực lượng vũ trang và đồng bào đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Chủ tọa buổi tọa đàm

Đến cuối năm 2017, có 13 di tích liên quan đến hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 12 kho vũ khí của lực lượng Biệt động xây dựng cho Tổng tiến công đã được nhân dân ghi nhận tôn vinh, trong đó có 3 kho được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Ngoài ra, di sản văn hóa liên quan đến lực lượng Biệt động còn nhiều tài liệu, hiện vật khác, như: phim, ảnh, tài liệu, phương tiện chiến đấu, phương tiện phục vụ chiến đấu, đồ dùng cá nhân, phương tiện ngụy trang, hóa trang… được lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước và trong nhân dân.

13 di tích liên quan đến hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong lòng Thành phố, tiêu biểu như: Hầm chứa vũ khí đánh Dinh Độc Lập; Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968; Hầm chứa vũ khí thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cơ sở cách mạng tại căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám…

Các di tích lịch sử này đã trực tiếp góp phần giới thiệu những chiến công, những tấm gương ngời sáng, lịch sử truyền thống hào hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn và của đồng bào cho công chúng trong và ngoài nước. Qua đó góp phần giáo dục lịch sử truyền thống thống yêu nước, ý chí độc lập tự chủ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng… cho các tầng lớn nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Cafe Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn nằm trên con hẻm của đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 là một trong những di tích biệt động Sài Gòn, hấp dẫn du khách quốc tế.

Trước đó, Sở VHTT TP.HCM cũng đã tiếp nhận đơn đề nghị xếp hạng di tích của ông Dương Bửu Chánh và ông Trần Trọng Nghĩa về đề nghị xếp hạng di tích đối với “Garage Biệt động Sài Gòn” tại địa chỉ nêu trên; Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng có Công văn số 7610-CV/VPTU về quan tâm chỉ đạo giải quyết vấn đề hỗ trợ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử cách mạng của Biệt động Sài Gòn; UBND Quận 10 có Công văn số 3961/UBND-VX về việc đề xuất công nhận di tích tại địa chỉ 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10. Ông Lâm Thiếu Kỳ – giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, cho biết Sở Văn hóa – Thể thao và Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM sẽ ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhân chứng lịch sử, đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND quận 10 để hoàn thiện hồ sơ khoa học, trình Hội đồng Xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa thành phố công nhận di tích nhà số 499/20.

The Cuong