Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

ĐNA -

Ngày 31/8/2022, HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tiếp xúc và đối thoại doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh năm 2022. Với phương châm “lắng nghe và hành động”, tại Hội nghị lãnh đạo TP đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, trong đó nhiều vấn đề nóng mà TP đang nỗ lực giải quyết..

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

240 doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tham gia hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đã bày tỏ mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm khôi phục kinh doanh. Với phương châm “lắng nghe và hành động”, HĐND TP đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp gửi đến chương trình. Trong đó, tập trung những vấn đề nóng mà TP đang nỗ lực giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng tốc sản xuất.

Các doanh nghiệp ghi nhận sự quan tâm, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Theo các doanh nghiệp, đến nay doanh nghiệp đã chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của TP trong những tháng qua.
Doanh nghiệp thẳng thắn nêu những khó khăn, bất cập còn tồn đọng

Các doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhận xét, thời gian qua, lãnh đạo TP đã có những hỗ trợ mạnh mẽ với doanh nghiệp như: Cải cách TTHC; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, khu vực; gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều cho rằng, thực tế doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện TTHC; hay chậm trễ trong cấp giấy phép đầu tư; những thông tin về việc thay đổi chính sách của cơ quan Nhà nước đến doanh nghiệp còn chậm; các ý kiến, thắc mắc của doanh nghiệp đến lãnh đạo TP còn chậm truyền tải, chưa được xử lý theo đúng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn: TP cần siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị tạo hành lang thông thoáng, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận những nguồn lực từ các gói hỗ trợ khôi phục, phát triển sản xuất.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gặp gỡ các doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng

TP và các sở, ngành cần có một bộ phận tiếp nhận được ngay các ý kiến của các Hiệp hội khi phát sinh vấn đề; đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề; qua đó trực tiếp lắng nghe và rà soát những quy trình thủ tục bất cập gây phiền hà cho doanh nghiệp; lãnh đạo các sở, ngành cung cấp thêm dịch vụ điều tra nghiên cứu và thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, theo dõi kịp thời tình hình và nghiên cứu các chính sách thương mại của các nước, từ đó đưa ra những dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm nhằm định hướng và đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể – bà Chi nêu ý kiến.

Cũng theo bà Chi, cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu và để hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng GĐ Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận chia sẻ: Sau dịch bệnh COVID-19, sức bật của doanh nghiệp là rõ rệt. Cộng đồng doanh nghiệp đã có sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Hiện doanh nghiệp đã triển khai thực hiện chuyển đổi số, tuy nhiên doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình triển khai. Vì vậy, bà Dung cho rằng, TP cần mở các lớp nâng cao chuyên môn trong chuyển đổi số, để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; có sân chơi cho doanh nghiệp thi đua trong lĩnh vực này.

Nêu một loạt những bất cập tại Khu Công nghệ cao, bà Hồ Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam chia sẻ: Hiện vấn đề thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập, doanh nghiệp đang phải qua nhiều cơ quan, nhiều giai đoạn trong thực hiện TTHC, dẫn đến mất thời gian, tăng chi phí… của doanh nghiệp. Hay việc yêu cầu những thông tin quá chi tiết về cột mốc thời gian xin phê duyệt quy hoạch, bản vẽ, xây dựng… là không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải trình trong nội bộ, làm phức tạp hóa thủ tục đầu tư; thông tin về chính sách ưu đãi mà Khu Công nghệ cao chia sẻ trên website thì dường như rất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế thì các loại phí mà Ban quản lý Khu Công nghệ cao đang thu như phí duy tu hạ tầng, phí an ninh trật tự, bảo vệ đều có xu hướng tăng…

Ông Aoyama, Tổng Giám đốc công ty Furukawa Automotive Parts (Vietnam) chia sẻ: Sau thời gian khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì công ty đã khôi phục sản xuất và dự kiến gia tăng sản xuất đến Tết, do đó dự kiến tuyển dụng nhiều đợt lao động cho đến tháng 12. Tuy nhiên tới thời điểm tháng 8 thì số lượng ứng tuyển chưa bằng một nửa so với các năm trước. Ông Aoyama bày tỏ mong muốn TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các ngày hội tuyển dụng để hỗ trợ cho các công ty tìm kiếm lao động dễ dàng hơn. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng trong thời gian bị dịch bệnh dù có chủ trương của TP từ lâu nhưng đến nay công nhân của Công ty chưa nhận được.

TP luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh đã trả lời, giải đáp những vấn đề doanh nghiệp nêu. Liên quan đến nguồn lao động, chính sách cho người lao động, đại diện lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thông tin từ đầu năm đến nay, ngành Lao động TP đã có nhiều chương trình, các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm để giúp doanh nghiệp tuyển dụng. Bên cạnh đó, TP đã ban hành quyết định đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động của doanh nghiệp.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Hằng năm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động thì cần chủ động liên hệ với các đơn vị đào tạo, kết nối để sớm có kế hoạch kết nối thông tin, chuẩn bị nguồn lực để đảm bảo nguồn lao động.

Liên quan đến những vấn đề doanh nghiệp nêu, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thừa nhận và ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về việc còn chậm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn chậm, thiếu đồng bộ. Đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP cam kết sẽ ban bạc với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh và hiệu quả trong thời gian tới.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp, những chia sẻ và các kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị, từ những ý kiến trả lời của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thay mặt lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Mãi tiếp thu và khẳng định trước ngày 10/9, UBND TP sẽ có trả lời bằng văn bản các ý kiến của các đại biểu, doanh nghiệp tại Hội nghị.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: HM

“Những ý kiến của doanh nghiệp là những nội dung chính đáng, là những đòi hỏi của doanh nghiệp để cùng đồng hành với sự phát triển của TP. Vì vậy, UBND TP tiếp thu, ghi nhận và sẽ xử lý những nội dung nằm trong thẩm quyền. Với một số nội dung liên quan đến Trung ương, UBND TP sẽ xem xét và gửi ý kiến để sớm có hướng giải quyết”. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã giải đáp một số thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp ở từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để phát triển, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhận định, TP đã có những nỗ lực, tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp thì TP và các cơ quan, đơn vị cần phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó, cần minh bạch hồ sơ, thủ tục và giám sát theo quy trình nhận hồ sơ, thủ tục; đồng thời minh bạch trách nhiệm.

“Hàng tháng TP sẽ thực hiện tổng hợp theo tháng với từng sở, ngành và cuối năm sẽ có tổng kết và đánh giá trách nhiệm của từng đơn vị” – đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.

Về việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh của doanh nghiệp, TP đã cung cấp nền tảng số, tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP, nền tảng này chưa thực sự ghi nhận đầy đủ các ý kiến của doanh nghiệp. Và ngay trong tháng 9, UBND TP sẽ xem xét, cải thiện nền tảng này để có thể ghi nhận, lắng nghe ý kiến của nhiều doanh nghiệp; tăng cường giải quyết thủ tục dịch vụ công mức độ 3, 4 trên nền tảng số; đẩy mạnh xử lý, thực hiện dứt điểm các TTHC trong ngày…

Liên quan đến vấn đề lao động, theo đồng chí Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh tập trung có chính sách để thu hút nhân lực cao cho thành phố.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: HM)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm và những kiến nghị được nêu tại Hội nghị.

Qua lắng nghe các ý kiến trao đổi từ doanh nghiệp và TP, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nêu rõ: “Có mấy câu hỏi đặt ra, đó là: Nguyên nhân nào liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp? Những vấn đề cụ thể và các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp rất xác đáng, vậy trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị và có trách nhiệm của doanh nghiệp liên quan như thế nào? Những khó khăn, vướng mắc tồn đọng không phải là vấn đề mới, nhưng tại sao những tồn đọng này đến nay vẫn còn?… là những câu hỏi chung để chúng ta cần suy nghĩ, để xem xét và có hướng giải quyết trong thời gian tới”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ảnh: HM

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý những vấn đề tồn đọng từ trước đến giờ của TP liên quan đến doanh nghiệp và người dân; TP thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Trung ương… Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của TP, cùng tham gia với chính quyền TP quyết tâm thực hiện, tạo chuyển biến thực sự, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Về vai trò của việc tập trung triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị: “UBND TP đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cần có sự phân công, phân cấp rạch ròi, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ những ý kiến và các kiến nghị của doanh nghiệp; tạo môi trường minh bạch trong xử lý, giải quyết công việc; tạo cơ chế để cán bộ, công chức dám nói, dám làm, vì lợi ích chung của TP. HĐND, Ủy ban MTTQ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đổi mới hình thức giám sát; các hiệp hội, chi hội doanh nghiệp làm tốt chức năng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp với cơ quan chính quyền, với tinh thần mỗi cấp, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức phải làm tốt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên từng lĩnh vực cụ thể.”
Minh Trung-Đình Lâm