Thành phố Đà Nẵng vừa chính thức khởi động, triển khai hợp phần của dự án“Kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, thu hồi rác thải tại Đà Nẵng”. Hợp phần này nằm trong khuôn khổ Chương trình Thành phố Sạch (Clean Cities), Đại dương Xanh (Blue Ocean; được gọi tắt là CCBO) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thông qua Công ty Tetra Tech ARD (ARD, INC).
Một cách tiếp cận tốt hơn cho chuỗi giá trị nhựa, tiếp cận bền vững hơn với thị trường
Tổng thể chương trình CCBO tại Đà Nẵng hướng đến thúc đẩy thực hành giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R); củng cố thị trường địa phương và khu vực cho hoạt động tái chế nhựa; đồng hành theo đó, thúc đẩy thay đổi hành vi xã hội đối với 3R, tiến tới quản lý chất thải rắn bền vững. Các mục tiêu quan trọng khác, được nhằm vào yêu cầu nâng cao năng lực và quản trị hiệu quả các hệ thống quản lý chất thải rắn một cách bền vững, hoạt động tái chế. Cuối cùng là hỗ trợ các diễn đàn quốc tế, hợp tác đối tác công tư (PPP) và các liên minh đa bên. Tổng giá trị đầu tư cho chương trình là 12.324.000.000đồng (tương đương 520.000 USD, đối tác tài trợ trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện).
Tổ chức Asia Society for social Improvement and Sustainable Transformation (tên gọi tắt là Assist) sẽ đảm nhận vai trò tư vấn kỹ thuật (với tên gọi hợp phần là “Hợp tác công – tư cho các đề án cải thiện, phục hồi tổng hợp và Kinh tế tuần hoàn” trong tổng thể chương trình CCBO). ASSIST là tổ chức phi chính phủ, được thành lập vào năm 2003, có trụ sở chính ở Manila, Phillipines. ASSIST đã và đang thực hiện nhiều dự án cộng đồng ở nhiều nước tại khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu đào tạo nghề, nâng cao năng lực, cải thiện xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, ASSIST là đơn vị tham vấn kỹ thuật, và đã chủ trì các dự án (xử lý, quản lý rác thải) tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hạ Long, hay thủ đô Hà Nội. Cùng với Ấn Độ, Việt Nam cũng là quốc gia mà ASSIST có mặt để đồng hành trong các chương trình kiểm soát tốt hơn rác thải nhựa và xây dựng, hoàn thiện chuỗi hệ thống xử lý tốt hơn loại rác thải này, xem chúng là nguồn rác tài nguyên hữu ích thực sự.
“Với quan điểm rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn, và yêu cầu khách quan này cũng góp phần tạo nguồn tài nguyên cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải mang đi chôn lấp; Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những quy định rất nghiêm ngặt về phân loại rác ngay tại nguồn. Và khi áp dụng phân loại ngay tại nguồn thì áp lực công việc lên các cơ quan cấp phường, xã hay quận, huyện là rất lớn.
Chính vì vậy, Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đã tham mưu để đưa hợp phần “Hợp tác công – tư cho các đề án cải thiện, phục hồi tổng hợp và Kinh tế tuần hoàn” về thực hiện trọn vẹn tại quận Liên Chiểu, để trợ giúp cả về quy trình kỹ thuật, trang thiết bị liên quan, xây dựng các mô hình điểm, cũng như sẽ kết nối các đơn vị thu gom, với những bên có liên quan, tạo mỗi liên kết về hậu cần, đi đến tiếp cận tốt hơn cho chuỗi giá trị nhựa, tiếp cận bền vững hơn với thị trường.
Từ mô hình tại Liên Chiểu, chúng ta sẽ có thể nghĩ đến và phát triển một mô hình tích hợp. Đà Nẵng đang đi từng bước của lộ trình dần dần quản lý tổng hợp các loại rác thải trên địa bàn thành phố. “Mỗi mô hình tốt sẽ cho những kinh nghiệm quý, và mô hình nào như thế, thì sẽ sớm nhân rộng cho cả thành phố cùng học tập, làm theo”, bà Nguyễn Thị Kim Hà – Chi cục phó, Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố, nhấn mạnh.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua hợp tác công – tư để giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa
Theo TS. Kiều Thị Kính – Quản lý dự án, hợp phần được triển khai (trọn vẹn) tại quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng), tập trung vào các hoạt động chính: Xây dựng cơ chế hợp tác công – tư trong cải thiện hệ thống thu gom, hướng tới một hệ thống thu gom (thí điểm), theo nhiều cách (phương án) tích hợp (từ cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) – Trạm trung chuyển (TS) đến bãi chôn lấp (LF). Tinh thần chung là nhiều thông tin của hệ thống sẽ minh bạch hóa, tạo cơ chế trao đổi cởi mở, gây dựng niềm tin giữa các bên liên quan, từ đó tạo nền tảng cho những hợp tác giữa người phát thải – người thu gom (chính thức và phi chính thức) – Đơn vị tái chế/xử lý.
Và hợp phần do ASSIST chịu trách nhiệm tham vấn kỹ thuật tại Liên Chiểu, cũng trở thành một trong những dự án đầu tiên, nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy hợp tác công – tư trong lĩnh vực rác thải tại Đà Nẵng. Trong xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, hợp tác công tư mang lại cơ hội tận dụng nguồn lực sẵn có của nhiều bên liên quan. Khu vực công (cơ quan quản lý nhà nước), ở đây bao hàm Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (cơ quan chủ quản), Sở Tài nguyên – Môi trường (với tư cách là cơ quan Chủ chương trình CCBO tại Đà Nẵng), Ủy ban nhân dân Quận Liên Chiểu, Chi cục Bảo vệ môi trường, … khu vực tư gồm có các cơ sở thu gom (dịch vụ công ích, với vai trò chủ công là Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội URENCO), tái chế rác thải, …. “Hợp tác công tư thể hiện những ưu điểm và tính bền vững trong nhiều lĩnh vực, nhất là dịch vụ công”, TS Kiều Thị Kính, nhấn mạnh.
Hoạt động tiếp theo là nâng cao năng lực thu gom và tái chế phù hợp nhu cầu thị trường. Trọng tâm là tiến hành đánh giá nhu cầu và quy trình hóa, biên soạn sổ tay vận hành, nghiệp vụ dành cho nhân viên, cho đơn vị thu gom xử lý chất thải. Cùng với sổ tay nghiệp vụ là chương trình đào tạo hay khóa tập huấn. Nội dung này đi từ thiết lập (cho được) các tiêu chuẩn và (cải thiện) điều kiện làm việc của chính người thu gom chất thải (lĩnh vực phi chính thức), qua đó, cải thiện cách thu gom và xử lý nguyên liệu (được thu gom) của họ. Trong đó, có cả các hỗ trợ về hậu cần (hạ tầng) hiện có, để thực hiện việc lấy rác nhựa tái chế thường xuyên từ điểm thu gom và từ người tập hợp (thu gom).
Nhóm công việc của hoạt động thứ ba, được ghi nhận là sự kỳ vọng của nhiều bên, có tính bền vững, đó là kết nối thị trường và dòng rác nhựa thông qua nền tảng số minh bạch và hậu cần.
“Tạo ra một nền tảng giao dịch, chúng tôi cố gắng thúc đẩy nhu cầu về nhựa có thể tái chế, thông qua thu hút các các nhà tái chế trong nước lẫn quốc tế. Bên cạnh đó là tăng cường thu gom vật liệu đã được tách và làm sạch, đáp ứng theo tiêu chuẩn, theo nhu cầu của bên tái chế, nâng cao dần và ổn định giá thành.
Vừa làm tăng khối lượng, gia tăng giá trị của rác thải nhựa tái chế trên thị trường, chúng tôi cũng từng bước thiết lập các giao dịch trực tiếp, tránh qua trung gian, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến nâng cao thu nhập, cải thiện thêm sinh kế cho nhóm lao động phi chính thức (ve chai và chủ vựa).
Do vậy, nội dung triển khai (của hợp phần) sẽ phát triển và tập huấn về nền tảng giao dịch số, kết nối các nhà (kinh doanh, sản xuất, dịch vụ) tổng hợp, thương nhân, nhà tái chế và các bên liên quan khác của chuỗi giá trị quản lý chất thải. Và đây cũng là kỳ vọng lớn về tính bền vững của chúng tôi cho hợp phần”, TS. Kiều Thị Kính bày tỏ.
Về nền tảng giao dịch số, qua phiên tham vấn ngày 30/3/2023, dự án sẽ thay đổi “ứng dụng điện thoại để thúc đẩy mua bán ve chai”, bằng một ứng dụng phù hợp hơn, cụ thể là sử dụng Qrcode, nhằm nhận diện tình trạng phân loại rác tại nguồn của các chủ nguồn thải.
Bên cạnh đó, được biết, mạng lưới các nhà kinh doanh và nhà tái chế tuân thủ quy định môi trường hiện có (Alba, PRO Vietnam, IKEA, Saitex), chính là các đối tác mà hợp phần này hướng đến thu hút, đồng hành. Ngoài ra, khi gia tăng được khối lượng rác thải nhựa nhựa (có khả năng tái chế), cũng giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương, mạnh dạn đầu tư phương tiện, chấm dứt cái vòng luẩn quẩn lâu nay (ở nhiều nơi trên cả nước, chứ không riêng Đà Nẵng).
“Bà con rất nhiệt tình tham gia phân loại, nhưng bà con than phiền rằng khi đơn vị thu gom đến, họ lại đổ chung mọi thứ đã phân loại vào một thùng vận chuyển chung. Vậy thì còn ý nghĩa gì ? Mong rằng, chúng ta có phương tiện chuyên dụng trong thu gom, vận chuyển. Bà con phân loại rồi phải có xe rác được phân thành ngăn đến tiếp nhận, vậy bà con mới động viên, lan tỏa cả cộng đồng cùng làm”, lãnh đạo phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, chia sẻ thực trạng và bày tỏ thêm mong đợi.
Được biết, trong tận thu tận dụng rác tài nguyên, ngoài đầu vào, đầu vào lẫn đầu ra của một số mô hình cũng đang gặp bế tắc. Đơn cử như phân compost từ rác hữu cơ. Từ mô hình điểm của địa bàn quận Liên Chiểu – Trạm MRF đầu tiên, đặt tại một chung cư phường Hoà Hiệp Nam – cho thấy, chất lượng phân compost, có mẻ chưa được tốt, bởi lẫn trong đó là ống hút, túi nilon, và cả đồ ăn thừa có tính a-xít cao. Phải chăng, do chất lượng như thế, nên đầu ra sản phẩm còn khá hẹp. Mới chỉ sử dụng cho chính những hộ tham gia ủ rác hữu cơ.
Trong khi đó, lượng phân ủ ngày càng nhiều, nếu kết nối tốt (với doanh nghiệp dịch vụ công ích, nhà nông, nhà vườn lân cận), sẽ được sử dụng trên diện rộng (bón cho nhiều cây xanh ven đường, dùng phân compost để cải tạo diện tích đất xấu, kém chất lượng và trồng rau xanh, …), phân phối rộng rãi hơn. Kỳ vọng rằng, hợp phần sẽ giới thiệu một cách thức kết nối cho đầu ra của sản phẩm từ rác tài nguyên.
Cuối cùng, hợp phần cũng hướng đến một mục tiêu có tính bao trùm (được chọn để đặt tên cho dự án), là đánh giá thử nghiệm hợp tác công tư (qua hợp phần), tài liệu hóa mô hình kinh doanh PPP và chia sẻ bài học kinh nghiệm.
Nhân rộng sáng kiến giảm rác thải nhựa, hoàn thiện và lan tỏa mô hình
Hợp phần của dự án“Kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, thu hồi rác thải tại Đà Nẵng”, được triển khai tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng tìm kiếm các chỉ tiêu (đánh giá hiệu quả/thành công) dựa trên lượng rác thải nhựa thu hồi được, không thất thoát ra môi trường; Lượng rác thải nhựa thu gom từ các trạm MRF; Các sáng kiến giảm rác thải nhựa; và Số lượng các đơn vị/cá nhân được hưởng lợi từ dự án. Tinh thần chung là nhiều thông tin được minh bạch hóa để tạo cơ chế trao đổi cởi mở, gây dựng niềm tin giữa các bên liên quan, từ đó tạo nền tảng cho những hợp tác giữa người phát thải – người thu gom (chính thức và phi chính thức) – Đơn vị tái chế/xử lý.
“Quận Liên Chiểu chúng tôi là địa bàn triển khai hợp phần, đặc thù có tính rất riêng biệt của địa bàn chúng tôi là có bãi rác (lớn, tập trung của cả thành phố). Khối lượng rác đưa về ngày một rất lớn, trong đó, có cả rác tài nguyên.
Mong rằng hợp phần sẽ chia sẻ cho chúng tôi mô hình và kinh nghiệm giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải, tận dụng được lượng rác tài nguyên như nhựa, làm gia tăng mức thu gom và hiệu quả sau thu gom chất thải nhựa. Đây cũng chính là điều kiện, là môi trường để Liên Chiểu chúng tôi tham gia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua hợp tác công – tư, tiến tới nhân rộng mô hình này ở nhiều địa bàn khác của Đà Nẵng“– ông Lê Thế Nhân, Phó Chủ tịch UBND Quận chia sẻ tầm nhìn.
Qua phiên tham vấn diễn ra ngày 30/3/2023 vừa qua, được biết, hợp phần dự án nhấn mạnh thêm “sứ mệnh” hỗ trợ quận Liên Chiểu xây dựng kế hoạch phân loại rác tại nguồn và hướng đến thực thi các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (từ năm 2023 đến 2025, tầm nhìn 2030). Dự án cũng chú trọng phần nội dung phát triển thay đổi nhận thức và hành vi tại các cộng đồng (social behavioral change) nơi lắp đặt 7 Trạm MRFs.
“Chúng tôi đã và đang mong muốn tạo ra một nền tảng chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến giữa các tổ chức để “cộng hưởng” trong công tác quản lý chất thải rắn cho thành phố.
Câu chuyện bắt đầu từ một câu nói của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mà tôi rất tâm đắc”. Trạm MRF đầu tiên đặt tại chung cư thuộc tổ 16 phường Hòa Hiệp Nam, với tổng chi phí toàn bộ (cho mô hình thử nghiệm) còn rất giới hạn. Nhưng Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) vẫn triển khai được với cộng đồng địa phương, ở một nơi có dân trí thấp, số hộ nghèo cao nhất của quận Liên Chiểu.
Điều này khẳng định sự vào cuộc của người dân, chủ thể chính trong quản lý rác thải là điều kiện tiên quyết. Với sự nhiệt tình của các cá nhân trong cộng đồng và sự vào cuộc tích cực của chính quyền phường Hòa Hiệp Nam, chúng tôi đã chia sẻ “câu chuyện cổ tích” này với nhiều bên liên quan và nhận được sự ủng hộ về tinh thần rất lớn. Chính vì vậy, nhận thức và hành vi của người dân thay đổi là yếu tố tiên quyết đảm bảo tính bền vững của bất kì dự án vì cộng đồng nào”, TS Kiều Thị Kính phân tích.
Liên quan đến phân loại rác thải (rác thải rắn, rác thải nhựa, …), thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều dự án, từ các nguồn tài trợ quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, điều lớn hơn hết, các dự án (hợp phần dự án) đều sẽ để lại những mô hình kinh nghiệm triển khai tại cộng đồng, thúc đẩy thói quen về hành vi giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế của người dân, tác động đến cả du khách, hay người đến học tập, làm việc tại Đà Nẵng. Trong các kịch bản xây dựng thành phố môi trường mà Đà Nẵng hướng đến, nội dung Đà Nẵng sẽ “để lại những mô hình kinh nghiệm” được khẳng định là “giá trị bền vững”./.
Trần Ngọc