Thứ ba, Tháng Một 7, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Transnistria vùng ly khai Moldova ‘từ chối khí đốt từ châu Âu’ dù mất nguồn cung từ Nga



ĐNA -

Theo bức thư đề ngày 2/1/2024 từ Tiraspoltransgaz, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất ở Transnistria, vùng ly khai Moldova mà Politico xem được, đã từ chối lời đề nghị từ tập đoàn năng lượng Moldovagaz của Moldova về hỗ trợ mua khí đốt có nguồn gốc từ châu Âu để đáp ứng nhu cầu địa phương dù đang lâm vào khủng hoảng vì mất nguồn cung từ Nga.

Hệ thống van tại giàn khai thác thuộc mỏ khí đốt Bovanenkovo, Nga tháng 5/2019. Ảnh: Reuters

Trong thư, Giám đốc Tiraspoltransgaz Igor Lisachenko cho rằng việc chuyển sang khí đốt không phải của Nga “thực chất đồng nghĩa chuyển từ nguồn cung ổn định sang mua theo các điều khoản đầu cơ với mức giá cao hơn nhiều và không ổn định”.

Transnistria, vùng ly khai ở phía đông Moldova, trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt Nga được chuyển theo đường ống đi qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, từ ngày 1/1, hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga tới châu Âu qua Ukraine hết hạn và Transnistria lâm vào khủng hoảng năng lượng vì mất nguồn cung.

Trong khi đó, Moldova không chịu ảnh hưởng quá lớn, do đã nhập khẩu hầu hết khí đốt từ thị trường châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga.

Hiện Transnistria không nhận được khí đốt từ Nga hay Moldova. Quan chức chính phủ Moldova cho biết các lãnh đạo khu vực ly khai cũng từ chối những đề nghị về cung cấp viện trợ nhân đạo, trong đó có máy phát điện.

Một nguồn tin từ chính phủ Moldova xác nhận việc Tiraspoltransgaz từ chối khí đốt châu Âu, đồng thời cho rằng Nga đứng sau quyết định này.

Transnistria sử dụng khí đốt Nga để sản xuất điện và bán lại cho các khu vực do chính phủ Moldova kiểm soát. Nhà máy điện lớn nhất Moldova là Kuciurgan nằm ở vùng ly khai này.

Việc bị cắt nguồn khí đốt Nga khiến vùng ly khai Transnistria không thể tiếp tục sản xuất điện. Hiện người dân ở Transnistria bị cắt nguồn khí sưởi, nước nóng và phải hạn chế tiêu thụ điện giữa mùa đông lạnh giá.

Transnistria nằm kẹp giữa bờ đông sông Dniester ở Moldova và biên giới Ukraine, với hơn 465.000 người sinh sống, phần lớn nói tiếng Nga. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Transnistria tuyên bố ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột với quân đội nước này vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7 năm đó. Nga là thành viên duy nhất của Liên Hợp Quốc công nhận Transnistria là thực thể độc lập và triển khai 1.500 lính gìn giữ hòa bình tới đây từ năm 1993. Trước ngày 1/1/2025, Nga cung cấp khí đốt miễn phí cho Transnistria để hỗ trợ chính quyền ly khai.

Thực tế, Gazprom vốn đã cảnh báo chính quyền Moldova về việc dừng nguồn cung từ ngày 1/1. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vào năm 2021, sau khi Tổng thống Maia Sandu, người giữ lập trường thân phương Tây, đắc cử, Gazprom cáo buộc Chisinau nợ gần 700 triệu USD tiền mua khí đốt trước đây. Chính phủ Moldova bác bỏ, khẳng định số nợ là 9 triệu USD và đã được thanh toán gần hết.

Cố vấn an ninh quốc gia Moldova, Stanislav Secrieru, cáo buộc Nga đang “vũ khí hóa” dòng khí đốt để gieo rắc khủng hoảng ở Transnistria và can thiệp cuộc bầu cử quốc hội ở Moldova năm tới, nơi các đảng thân Nga đang tìm cách nắm quyền lãnh đạo quốc gia ứng viên Liên minh châu Âu này.

Nga vẫn có thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho vùng ly khai Transistria bằng đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phương án này có chi phí cao hơn rất nhiều. Tình hình nhân đạo ở Transnistria xấu đi sẽ gia tăng áp lực lên Chisinau.