(Đà Nẵng). Đây là chia sẻ của bạn Huỳnh Nguyên Khánh, lớp 24GIT, sinh viên năm thứ nhất, khoa Khoa học Máy tính, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng với Đông Nam Á Online (ASEAN News), tại hội thảo chuyên đề “Ứng dụng AI trong giảng dạy kết hợp (blended learning) đối với các chương trình đào tạo UK-TNE (Dự án phát triển mạng lưới đào tạo xuyên quốc gia được Hội đồng Anh – British Council – tài trợ), diễn ra chiều ngày 28/2/2025, tại VKU.
Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng AI trong giảng dạy kết hợp đối với các chương trình đào tạo UK-TNE” do VKU chủ trì với sự phối hợp của các Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF), Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), Trường Đại học Phenikaa (PKU) trong khuôn khổ dự án “UK-TNE Development”. Hội thảo được kết nối trực tuyến đến nhiều điểm cầu trong và ngoài nước.
![]() |
![]() |
Hội thảo nhận được sự quan tâm của thầy, cô và các bạn sinh viên VKU. Ảnh: T.Ngọc.
Giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp trong kỷ nguyên số
Trước đó, trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện kỷ niệm 5 năm ngày thành lập VKU (3/1/2020 – 3/1/2025): Hành trình 22 năm hình thành và phát triển”, VKU (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức Hội thảo “Mở rộng mạng lưới giáo dục toàn cầu- Workshop on Global Education Network: Strengthening Partnerships for Transnational Programs”, với sự đồng hành của Hội đồng Anh (một hoạt động nằm trong dự án UK-TNE Development).
Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi và thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học quốc tế và các đối tác trong hệ thống giáo dục xuyên quốc gia, đồng thời tăng cường hiểu biết về hệ thống giáo dục Vương quốc Anh, mở rộng khả năng tiếp cận cho sinh viên quốc tế.
“VKU là một trong những trường tiên phong chuyển đổi số và ứng dụng AI vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Ứng dụng AI không chỉ giúp cá nhân hóa việc học, nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn mở ra cơ hội để sinh viên tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp trong kỷ nguyên số. Chúng tôi liên tục nỗ lực và sẽ không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng xu hướng, xu thế chung của giáo dục toàn cầu”, TS. Huỳnh Ngọc Thọ – Phó Hiệu trưởng VKU nhấn mạnh.

Được biết, VKU đã và đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo tích hợp công nghệ, đặc biệt là các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, nhằm giúp sinh viên nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. 100% sinh viên VKU có khả năng thực hiện khóa luận và bảo vệ tốt nghiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây không chỉ là thực hành cam kết của nhà trường với người học về chất lượng đào tạo, mà còn tạo môi trường, động lực, thúc đẩy sinh viên phát triển tư duy và tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động ASEAN cũng như quốc tế.
Góp phần tìm ra giải pháp hiệu quả, tích hợp AI vào giảng dạy
Hội thảo ứng dụng AI trong giảng dạy kết hợp, đối với các chương trình trong mạng lưới đào tạo xuyên quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và tiềm năng của AI trong giảng dạy kết hợp tại Việt Nam, đặc biệt trong các chương trình đào tạo UK-TNE.
Qua đó cung cấp kiến thức và kỹ năng thực tiễn cho giảng viên trong thiết kế các bài giảng tích hợp AI, hỗ trợ hiệu quả quá trình giảng dạy và đánh giá sinh viên. Đồng thời tạo cơ hội kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa giảng viên các trường đại học trong nước và quốc tế, thúc đẩy hợp tác và ứng dụng công nghệ vào giáo dục đại học.

Với tinh thần hợp tác chặt chẽ cùng các trường đại học, tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước, VKU kỳ vọng hội thảo lần này góp phần tìm ra giải pháp hiệu quả, tích hợp thành công AI vào giảng dạy kết hợp, đóng góp cho những hướng đi mới của giáo dục đại học tại Việt Nam.
Chuyên gia hàng đầu của các trường đại học Vương quốc Anh (TS. Mehmet Aydin (University of the West of England Bristol – UWE Bristol ) và Đại học Đà Nẵng, đã có những chia sẻ và kinh nghiệm ứng dụng AI, trong giảng dạy kết hợp.
Diễn giả, TS. Nguyễn Thị Anh Thư – Phó viện trưởng, Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT (Đại học Đà Nẵng) đã giới thiệu tổng quan về ứng dụng AI trong các trường đại học Việt Nam; Công cụ AI đang được sử dụng tại các trường đại học Việt Nam trong các chương trình UK-TNE. Đặc biệt, với các ví dụ cụ thể từ môn học và chương trình đào tạo; cách thức tích hợp AI vào các bài giảng, cũng như đánh giá qua mô hình blended learning.
Hội thảo đã dành thời gian để các Thầy cô là giảng viên VKU thực hành thiết kế bài giảng có ứng dụng AI tại chỗ; hoặc thiết kế một hoạt động học tập có ứng dụng AI (bài tập tự động hóa, trò chơi học tập, chatbot hỗ trợ sinh viên tra cứu, tìm hiểu sâu, củng cố kiến thức,…).. Mỗi nhóm giảng viên cùng nhau thảo luận và thiết kế một tiết dạy có ứng dụng AI. Các nhóm chọn một môn học hoặc học phần (đang giảng dạy) và xác định các công cụ AI có thể áp dụng. Sau đó, hoàn thiện bài giảng và thuyết trình về tiết dạy ứng dụng AI. Đặc biệt, đưa ra các công cụ AI sử dụng và giải thích cách công cụ hỗ trợ mục tiêu truyền đạt (của người Thầy) học tập (của sinh viên).
Mỗi nhóm được cung cấp tài liệu tham khảo, như các công cụ AI phổ biến (chatbot, LMS tích hợp AI, phân tích dữ liệu học tập, công cụ đánh giá tự động…).

TS. Huỳnh Ngọc Thọ- Phó Hiệu trưởng VKU, nhấn mạnh rằng: Ứng dụng AI trong giảng dạy kết hợp là hoạt động truyền đạt/tiếp nhận kiến thức tích cực tất yếu của giáo dục nói chung – giáo dục đại học nói riêng trong kỷ nguyên số. Giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng hội nhập quốc tế. Hội thảo lần này của VKU và các trường bạn, sẽ cùng đồng hành, cùng chung tay định hình tương lai giáo dục đại học tại Việt Nam, hướng đến một nền giáo dục hiện đại, thông minh và sáng tạo vì người học của mình.

Trí tuệ nhân tạo không lấy đi của chúng ta bất cứ cái gì
Bạn Huỳnh Nguyên Khánh, , lớp 24GIT, khoa Khoa học Máy tính (VKU) cho biết, dù là sinh viên năm thứ nhất, ngay năm học đầu tiên bản thân đã rất quan tâm đến AI, bởi AI ngày càng xuất hiện ở đều khắp các lĩnh vực của đời sống và công nghệ.
“Em sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu AI bởi một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các bạn trẻ sống khép kín với cộng đồng thực, nhưng lại quan tâm và tương tác nhiều hơn với thế giới ảo. Không ít bạn thu mình lại, hờ hững với những gì đang diễn ra chung quanh mình, dần dà trở nên trầm cảm và tự kỷ.

Em muốn sử dụng AI và công cụ này sẽ trở thành một chuyên gia tư vấn, hay bác sỹ tâm lý, làm người bạn tốt cho các bạn trẻ trầm cảm và tự kỷ. Theo em, AI không hề có nhược điểm theo cách nghĩ tiêu cực là nó sẽ lấy của chúng ta việc làm, thu nhập. Thực ra, nó không lấy đi của chúng ta bất cứ cái gì.
Trí tuệ nhân tạo do con người sinh ra, và là công cụ, người bạn đồng hành, một trợ lý tốt giúp mỗi chúng ta hoàn thành kịp thời, chất lượng hơn hẳn, một công việc, đáp ứng một yêu cầu. Vấn đề là chúng ta phải luôn biết làm cho AI mỗi ngày một thông minh hơn”./.
Trần Ngọc