Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Triển khai 3 khâu đột phá, tạo xung lực phát triển kinh tế biển Việt Nam



ĐNA -

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, cần tập trung vào 03 khâu đột phá nêu trong Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam gồm: Thể chế; khoa học – công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng để tạo xung lực cho kinh tế biển Việt Nam.

Sáng 12/1/2022, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam năm 2022.

Dự buổi lễ có: Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, với chiều dài bờ biển hơn 3.200km, 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng hơn 2.500 đảo lớn nhỏ, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong bối cảnh gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, luôn dược Đảng ta quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, ngày càng mở rộng về số lượng và chất lượng.

Đến nay, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

“Có thể nói, kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, thì vai trò, vị trí của kinh tế biển ngày càng quan trọng”, Bí Thư tỉnh ủy Phú Yên cho biết.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Diễn đàn.

Đề xuất những giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển, tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng cho hay: Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước hiện đóng góp khoảng 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển.

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu.

“Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, đề xuất các Ban, Bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào 03 khâu đột phá nêu trong Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, (thể chế; khoa học – công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng) tạo xung lực cho kinh tế biển Việt Nam”, Thứ trưởng nêu rõ.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, tiến tới phát triển bền vững kinh tế biển, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị, cần kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới: như điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ; tăng cường điều tra cơ bản tập trung thăm dò, tìm kiếm các loại khoáng sản, kim loại chiến lược.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia biển với hơn gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh/thành ven biển, kinh tế biển đóng góp gần 60% tổng GDP của Việt Nam… Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của các địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, những yếu kém xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan đã được nhận diện như nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và đặc biệt là khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí và cân đối phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Diễn đàn cần tập trung thảo luận một số khía cạnh chủ yếu: Đánh giá, phân tích, làm rõ việc tuyên truyền, quán triệt, ban hành các chương trình/kế hoạch thực hiện Nghị quyết; Đánh giá, làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu nhất là các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế biển; Đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển…

Tại Diễn đàn nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng thảo luận và đánh giá tiềm năng, hướng phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất nhiệm vụ, xây dựng các cơ chế chính sách, định hướng, giải pháp thực hiện phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PV nguồn ĐCSVN