Thứ Sáu, Tháng 7 11, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng – Dấu xưa vang vọng”



ĐNA -

(Đà Nẵng). Triển lãm chuyên đề “Đà Nẵng – Dấu xưa vang vọng” là triển lãm lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng, với sự tham gia của các nhà sưu tập ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều hiện vật đặc sắcdi sản văn hóa quý sẽ ra mắt công chúng.

Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2025) và khuôn khổ các hoạt động hướng ứng Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF) 2025.

Triển lãm chuyên đề Đà Nẵng – Dấu xưa vang vọngsẽ khai mạc vào chiều mai  (15h30 ngày 11/7/2025 (thứ Sáu) và kéo dài đến 12/9/2025. Không gian giới thiệu cổ vật tập trung tại Phòng trưng bày cổ vật – Bảo tàng Đà Nẵng

Phòng trưng bày cổ vật – Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

“Nhằm thúc đẩy phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là phát huy giá trị nhiều cổ vật, đang được bảo tồn gìn giữ tại thành phố Đà Nẵng, cũng như các tỉnh thành khác ở 3 miền đất nước; Bảo tàng Đà Nẵng đã phối hợp với một số tổ chức và nhà sưu tập tư nhân, tổ chức triển lãm này.

Triển lãm tiết lộ nhiều đến thú vui cổ ngoạn thanh tao, thi vị là sưu tầm-sưu tập cổ vật, đã xuất hiện từ lâu đời ở Việt Nam, một lĩnh vực chứa đựng cả yếu tố tinh thần, tri thức lẫn vật chất”, ông Trần Văn Chuẩn – Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết.

Tuy là lần đầu tiên, triển lãm nhận được sự đồng thuận sẵn lòng tham gia của 14 nhà sưu tập ba miền, thuộc các Hội cổ vật: Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội; Hội Cổ vật xứ Đông, Hải Dương; Câu lạc bộ Cổ Ngoạn Phố Hiến, Hưng Yên ; Hội Cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

 Triển lãm giới thiệu hơn 200 cổ vật gồm nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, có niên đại từ thế kỷ 15 đến thời nhà Nguyễn, làm nên hành trình tìm về  quá khứ, tôn vinh giá trị đặc biệt mà cổ vật đang mang trong mình, phản ánh quá trình phát triển của xã hội theo dòng chảy lịch sử.

Bộ sưu tập của Nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành (Hải Dương, nay là Thành phố Hải Phòng). Ảnh: T.Ngọc.

Thông qua triển lãm, Bảo tàng Đà Nẵng nói riêng, hệ thống Bảo tàng cả nước nói chung, cũng gửi thông điệp khuyến khích tổ chức, cá nhân, đang là chủ sở hữu hiện vật, mở lòng đóng góp hiện vật để trưng bày-triển lãm, phát huy giá trị quý của di sản văn hóa, thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn “đồ cổ”, đồ cung đình”, giúp công chúng tận mắt thấy được vẻ đẹp của cổ vật, thay vì chỉ nghe miêu tả, hay đọc trên sách báo, xem qua phim, ảnh.

Qua đó, góp phần cổ súy và phát triển chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ và quảng bá cổ vật Việt Nam.

Các bộ sưu tập cổ vật được trưng bày, triển lãm gồm: Bộ sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng, đồ khảm trai thời nhà Nguyễn; Bộ sưu tập gốm Chu Đậu thế kỷ 15 – 16 ; Bộ sưu tập gốm sứ ký kiểu từ thời Lê – Trịnh đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ 17 – 20) ; Bộ sưu tập đồ đồng tráng men (pháp lam) thời nhà Nguyễn ; Bộ sưu tập trang phục cung đình và tranh thêu chỉ vàng thời Nguyễn và Bộ sưu tập gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 18 – 19.

 Trong đó, có bộ sưu tập bình vôi của nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành (Hải Dương, nay là Thành phố Hải Phòng). Sưu tập gốm sứ ký kiểu của nhà sưu tập Ngô Thị Thương (Mười Thương, Thành phố Hồ Chí Minh). Đồ gỗ sơn son thếp vàng của nhà sưu tập Hoàng Văn Kim (Thủ đô Hà Nội), đặc biệt nhất là hộp đựng trầu bằng gỗ thếp vàng (TK 19).

Nhà sưu tập Hoàng Văn Kim (Thủ đô Hà Nội), đặt hiện vật đặc biệt nhất: Hộp đựng trầu bằng gỗ thếp vàng (TK XIX) vào vị trí triển lãm. Ảnh: T.Ngọc.

“Rất xúc động khi 14 nhà sưu tập tư nhân có mặt tại triển lãm đặc biệt này, quyết định hiến tặng 79 cổ vật, đa dạng loại hình từ đồ gốm thời Lý – Trần, gốm Chu Đậu, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, đồ pháp lam, đồ thờ và đồ dùng sinh hoạt của người Việt xưa,…

Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp nhận những hiện vật quý này và có kế hoạch trưng bày, làm phong phú nội dung của Bảo tàng, giúp công chúng, nhất là khách từ xa, tăng thêm nhiều trải nghiệm khi đến với Bảo tàng Đà Nẵng”, ông Trần Văn Chuẩn – Trưởng phòng Sưu tầm, Trưng bày và Bảo quản, chia sẻ thêm.

Sưu tập gốm sứ ký kiểu của nhà sưu tập Ngô Thị Thương (Mười Thương, Thành phố Hồ Chí Minh).Ảnh: T.Ngọc.

“Đà Nẵng – Dấu xưa vang vọng” cũng là triển lãm đầu tiên của Bảo tàng Đà Nẵng sau khi sáp nhập (tỉnh Quảng Nam), mở đầu cho hành trình mới trong phục vụ công chúng, của hệ thống Bảo tàng thành phố Đà Nẵng mới, với một không gian địa lý, điểm đến, di tích mới ./.

Trần Ngọc