Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Triển vọng từ chương trình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao ở Tiền Giang

ĐNA -

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chú trọng liên kết với nông dân để sản xuất gạo chất lượng cao và bước đầu đạt kết quả tích cực.

Mô hình liên kết trồng lúa của Công ty HK Green với nông dân huyện Gò Công.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 54.000 ha đất trồng lúa, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 130.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 800.000 tấn. Những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa có sự biến động theo chiều hướng giảm do người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác dễ thích nghi, để cho hiệu quả cao hơn. Mặc dù diện tích gieo trồng lúa có giảm, nhưng năng suất và chất lượng ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Trong đó, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã tập trung nâng cao giá trị sản xuất lúa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật trng sản xuất. Cụ thể là sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao; áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; sản xuất theo hướng an toàn, sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh vi rút trên lúa. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy lúa…

Nhiều chương trình, kế hoạch đề án, dự án phát triển lúa gạo cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Dự án xây dựng “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025”; Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến 2025”; Kế hoạch Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học – công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Hướng tới đây, tỉnh đang tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” do Bộ NN&PTNT chủ trì nhằm góp phần gia tăng giá trị hạt gạo…

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao đã được hình thành và đạt kết quả khả quan. Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong liên kết với hợp tác xã, nông dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao. Nổi bật là Công ty TNHH Thương mại HK triển khai các mô hình liên kết sản xuất lúa theo mô hình Cánh đồng lớn ở huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy… Ông Châu Minh Hải- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết, hiện doanh nghiệp đang triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa trên toàn tỉnh với diện tích từ 1.800- 2.300 ha (tùy theo vụ). Trong mô hình này, công ty sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân cải tạo đất, cách chăm sóc, bón phân hợp lý theo từng vùng. Việc đầu tư đầu vào được xác định từ đầu vụ để nông dân thấy chi phí sẽ giảm hơn so với sản xuất truyền thống. Điều quan trọng hơn chính là đảm bảo sức khỏe nông dân, tạo ra hạt lúa sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp còn giới thiệu và bao tiêu đầu ra cho các hợp tác xã. Hiện nay, doanh nghiệp đã liên kết xây dựng thành công mô hình canh tác lúa gạo hữu cơ VD20 Gò Công và gạo nhãn hiệu chú Kẹo, 2 sản phẩm gạo này đã được chứng nhận OCOP 4 sao.

Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Lợi (xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy) là đơn vị nhiều năm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Thương mại HK. Trong mô hình, thành viên hợp tác xã được hướng dẫn sử dụng giống xác nhận, giảm giống gieo sạ, giảm phân đạm, sử dụng thuốc an toàn sinh học… Qua thời gian thực hiện, lúa phát triển tốt, tăng năng suất và lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình.
Trường hợp khác là Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) đã chủ động liên kết doanh nghiệp và nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao. Theo đó, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp như Công ty VFC, Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ trong cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 525 ha. Hợp tác xã đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; sử dụng giống cấp xác nhận 1; chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất, chất lượng cho thành viên.

Đặc biệt, Hợp tác xã cùng Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo. Dự án có quy mô liên kết 100 ha với 90 hộ nông dân tham gia. Xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu lúa gạo. Hiện 2 sản phẩm gạo ST24, Nàng Hoa 9 của Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ liên kết với Hợp tác xã Mỹ Quới sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Tiền Giang, nhìn chung, việc sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và lợi nhuận sản xuất ngày càng tăng. Trong 5 năm gần đây, năng suất lúa tăng từ 1,2- 2,2 tạ/ha, kết hợp với giá bán lúa cao, lợi nhuận trong sản xuất tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với 5 năm trước. Thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo luôn được ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp hưởng ứng, nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt. Đến nay, tỉnh đã xây dựng 1 nhãn hiệu chứng nhận Gạo “Gò Công” với 4 giống lúa: VD 20, Nàng hoa 9, OM 4900, OM 5451 tại vùng sản xuất phía Đông.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề án, dự án phát triển lúa gạo được phê duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giống chất lượng, công nghệ mới, công nghệ thông minh trong sản xuất lúa gạo.

Sơn Nguyễn- Vũ Phú