Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Triều Tiên phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1

ĐNA -

(Triều Tiên), theo Guardian, ngày 22/11/2023, triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 và sẽ thực hiện thêm nhiều vụ phóng trong tương lai gần nhằm chống lại “các cuộc tập trận nguy hiểm của kẻ thù”.

Tên lửa đẩy mang vệ tinh của Triều Tiên được phóng từ bãi phóng ở Tongchang-ri, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan ngày 21/11. Ảnh: KCNA

“Việc phóng vệ tinh trinh sát là quyền hợp pháp của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tự vệ”, hãng thông tấn quốc gia KCNA cho biết.

Triều Tiên thông báo, vệ tinh của họ đã chụp ảnh căn cứ không quân Anderson, cảng Apra và các căn cứ quân sự lớn khác của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Giới phân tích cho rằng việc phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo và tiến hành các hoạt động trinh sát từ vũ trụ đã giúp nâng tầm vị thế quân sự cho Triều Tiên.

“Vệ tinh do thám khi đi vào hoạt động sẽ cải thiện khả năng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tình báo hoặc giám sát của quân đội Triều Tiên. Nó cũng sẽ cải thiện khả năng điều phối lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra”, Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói.

Ankit Panda, nhà nghiên cứu về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington, nói rằng vệ tinh mang tới cho Triều Tiên khả năng nhắm mục tiêu quân sự và đánh giá tổn thất sau các hoạt động tác chiến, điều mà họ thiếu hụt trước đây.

Chuyên gia này thêm rằng những bài học rút ra từ vụ phóng ngày 21/11 sẽ được Triều Tiên sử dụng để phát triển các vệ tinh tương lai.

“Họ sẽ tận dụng những gì học được từ lần phóng thành công này và áp dụng cho các lần sau. Họ sẽ tìm cách để có một nhóm vệ tinh giám sát hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Điều đó sẽ tạo ra thay đổi lớn về khả năng đánh giá tình huống chiến lược tổng thể của Triều Tiên”, ông nói.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác đánh giá thận trọng về những gì Bình Nhưỡng có được sau vụ phóng vệ tinh ngày 21/11. Họ cho rằng Triều Tiên có thể mất nhiều hơn được, khi Hàn Quốc phản ứng với vụ phóng bằng cách nối lại hoạt động thu thập thông tin tình báo dọc biên giới.

“Đội máy bay trinh sát không người lái của Hàn Quốc có thể sớm bắt đầu hoạt động dọc theo khu vực phi quân sự (DMZ), cung cấp nhiều thông tin tình báo hữu ích hơn so với chương trình vệ tinh mới của Triều Tiên”, Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cuối tuần qua tin rằng Triều Tiên gần như giải quyết được các vấn đề về động cơ tên lửa “với sự giúp sức của Nga”.

Vào tháng 9/2023, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin tại sân bay vũ trụ Vostochny Cosmodrome. Trong cuộc gặp đó, ông Putin báo hiệu sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển chương trình vệ tinh và không gian.

Một số chuyên gia cho rằng vụ phóng vệ tinh, dù có thể không có đủ công nghệ tiên tiến để thực hiện nhiệm vụ trinh sát quân sự, vẫn cho thấy khả năng của Bình Nhưỡng trong việc vượt qua những biện pháp trừng phạt của LHQ nhắm vào chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

“Việc sở hữu tên lửa có thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy Triều Tiên cũng có khả năng chế tạo tên lửa mang đầu đạn với kích thước tương đương vệ tinh”, Justin McCurry, nhà phân tích của Guardian, nhận xét.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuần trước thừa nhận điều đáng lo ngại này, khi nói rằng việc phóng thành công vệ tinh trinh sát sẽ cho thấy “khả năng về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã được nâng lên tầm cao mới”.

Giới quan sát tin rằng vụ phóng thành công cũng mang lại danh tiếng cho ông Kim Jong-un sau hai lần phóng thử thất bại trước đây. Phát triển vệ tinh giám sát là phần quan trọng trong sứ mệnh cải thiện năng lực của Triều Tiên nhằm chống lại những gì ông Kim coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Mỹ và Hàn Quốc trong khu vực.

Ngoài ra, vệ tinh Malligyong-1 còn là dấu hiệu khác cho thấy triển vọng đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa Bình Nhưỡng và Washington ngày càng mờ nhạt, sau hội nghị thượng đỉnh thất bại dưới thời cựu tổng thống Donald Trump năm 2019.

“Đây là một phần chiến lược của Triều Tiên nhằm ưu tiên phát triển năng lực quân sự hơn kinh tế, tăng cường hợp tác với Nga và Trung Quốc thay vì theo đuổi nỗ lực hòa giải với Hàn Quốc”, giáo sư Easley nói.

Chy Lê