Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trừng phạt Nga, Châu Âu rơi vào vòng xoáy suy thoái



ĐNA -

Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng lớn do giá xăng dầu tăng, giữa bối cảnh Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung, các nhà kinh tế học cảnh báo.

Châu Âu điêu đứng vì lệnh trừng phạt Nga

Ảnh minh họa: Reuters

Nền kinh tế châu Âu đã chịu tác tác động bởi một loạt nhân tố, trong đó có nhu cầu đang giảm dần ở Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Âu; cuộc chiến ở Ukraine cùng với giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, Nomura – một ngân hàng đầu tư của Nhật Bản đánh giá.

Nomura cũng dự đoán nền kinh tế châu Âu sẽ bắt đầu thu hẹp trong nửa sau năm 2022 và suy thoái sẽ tiếp diễn cho tới mùa hè năm 2023, sụt giảm 1,7% GDP.

Giá năng lượng đã tăng cao trong nửa sau năm 2021 khi các nền kinh tế hàng đầu dỡ bỏ lệnh cấm vận vì Covid-19 nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến khó khăn ngày càng gia tăng khi EU, Mỹ và Anh tìm cách cô lập Nga về kinh tế. Châu Âu vẫn phụ thuộc lớn vào Nga về nguồn cung năng lượng và Tổng thống Vladimir Putin đã phản ứng với các lệnh trừng phạt bằng cách cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Nga đã cắt nguồn cung khí đốt qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 tới Đức và đường ống TurkStream tới Bulgaria, cũng như cắt nguồn cung tới Ba Lan qua đường ống Yamal.

Châu Âu đang đối mặt với “những điều kiện mang tính toàn cầu về bản chất (giá năng lượng và lạm phát tăng, nguy cơ địa chính trị và bất ổn tăng) khiến chúng tôi tin rằng các nền kinh tế châu Âu sẽ cùng chịu chung số phận với Mỹ – đó là suy thoái”, George Buckley, một nhà kinh tế học của Nomara nhận định. Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chạm ngưỡng 8,6% vào tháng 6 – mức cao nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.

Phương Tây “đánh” đâu, Nga “đáp” đó

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Mỹ JP Morgan Chase tuần trước cho biết Nga có thể khiến giá dầu tăng “rất cao” nếu nước này cắt xuất khẩu để đáp trả những nỗ lực nhằm áp giá trần của G7. Các nhà phân tích, trong đó có nhà phân tích Natasha Kaneva nhận định, giá dầu có thể tăng gấp 3 lần lên 380 USD/thùng nếu Nga cắt giảm 5 triệu thùng dầu/ngày.

“Chính phủ Nga có thể sẽ đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng để gây ra tổn thất kinh tế cho phương Tây. Quyết định thắt chặt thị trường dầu toàn cầu nằm ở Nga”.

Các nhà kinh tế học Kay Neufeld và Jonas Keck thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế nhận định, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra một “cuộc khủng hoảng thực sự trên toàn châu Âu”, đồng thời cho biết có ít nhất 2 trong 5 khả năng châu Âu rơi vào suy thoái.

Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt dễ tổn thương bởi Nga kiểm soát đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Đường ống này dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong 10 ngày, bắt đầu từ 11/7 để bảo trì hàng năm theo kế hoạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết tuần trước rằng chính phủ nước này lo ngại Nga sẽ từ chối mở lại đường ống – một động thái có thể gây ra thiếu hụt năng lượng vào mùa đông.

Đức và các nước châu Âu phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga

“Rõ ràng, trong trường hợp châu Âu thiếu khí đốt, một cuộc suy thoái nghiêm trọng sẽ ở ngay trước mắt. Đó là bởi các nước châu Âu có liên hệ chặt chẽ với nhau không chỉ qua mối quan hệ về năng lượng mà còn qua chuỗi cung ứng có sự liên kết cao”, các nhà phân tích Neufeld và Keck nhận định.

“Việc thắt chặt nguồn cung khí đốt sẽ dẫn đến giá năng lượng tăng đối với người tiêu dùng, gia tăng sức ép lạm phát và gánh nặng cho từng hộ gia đình. Đó đều là những rủi ro dẫn tới lạm phát”.

Các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt Nga đang chạy đua để tìm các nguồn cung thay thế. Chính phủ Đức hy vọng rằng 2 trạm khí đốt nổi, có khả năng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng sẽ đi vào vận hành trong mùa đông này.

PV (nguồn báo Nga)