Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trung Quốc: Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 với chủ đề: “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức”

ĐNA -

Ngày 30/3/2023, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2023 với chủ đề: “Một thế giới không chắc chắn: Đoàn kết và hợp tác để phát triển giữa những thách thức” đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 đã chính thức khai mạc ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: boaoforum.org)

Lễ khai mạc có sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu từ các Chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và truyền thông từ hơn 50 quốc gia và khu vực trên thế giới. Hội nghị BFA năm nay đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Lý Cường tham dự sự kiện trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc.

Đây là hội nghị quốc tế quy mô lớn đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung Quốc, kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Mặc dù khai mạc vào ngày 30/3, nhưng một loạt các cuộc hội thảo nhóm trong khuôn khổ Hội nghị BFA 2023 đã được tổ chức từ ngày 28/3.

Tại diễn đàn, các khách mời sẽ tập trung thảo luận 4 vấn đề chính, bao gồm “Phát triển bao trùm”, “Quản trị và an ninh”, “Khu vực và toàn cầu”, và “Hiện tại và tương lai” nhằm tìm ra con đường hướng phát triển cho thế giới trong thời kỳ hậu COVID-19, đồng thời thúc đẩy đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Các chuyên gia và quan chức khu vực cũng kêu gọi nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, cho rằng điều này rất quan trọng đối với châu Á cũng như hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu trong bối cảnh thế giới có nhiều căng thẳng và bất ổn hiện nay.

Trong khuôn khổ của hội nghị, hàng loạt diễn đàn sẽ được tổ chức, như “Bố cục mới của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng”; “Chia sẻ cơ hội phát triển từ Vành đai và Con đường”; “Cạnh tranh và hợp tác về khoa học – công nghệ”; “Cơ hội và thách thức mới trong hợp tác khu vực châu Á”; “Khó khăn và đột phá trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon”; “Trí tuệ nhân tạo mang lại cuộc sống tốt đẹp”; “Thúc đẩy kinh tế số”; “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”…

Theo lời mời của diễn đàn, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Côte d’Ivoire Patrick Achi và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng sẽ tham dự hội nghị thường niên BFA năm nay.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao do Trung Quốc và 25 quốc gia khác trong khu vực thành lập năm 2000, nhằm hướng tới một diễn đàn châu Á ngang tầm với Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Hiện nay, có 29 quốc gia là thành viên của diễn đàn uy tín này. Diễn đàn là kênh hiệu quả để trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế đáng quan tâm nhất trong suốt 2 thập kỷ qua.

Sự kiện năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 28 – 31/3. Trước đó, sáng 28/3, hai báo cáo hàng đầu của BFA 2023, được công bố đã đưa ra các phân tích về các vấn đề đang được bàn luận sôi nổi, bao gồm khả năng phục hồi của châu Á trước các cú sốc bên ngoài; triển vọng kinh tế và hội nhập cũng như cơ hội phát triển bền vững của châu lục.

Theo báo cáo, nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2023 so với mức 4,2% vào năm 2022, trở thành một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Mặc dù có triển vọng tích cực đối với nền kinh tế châu Á, báo cáo của BFA cũng lưu ý đến những rủi ro bên ngoài mà các nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt, cho rằng điều quan trọng là phải giải quyết mức nợ gia tăng kéo dài ở các thị trường mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển và các nước có thu nhập thấp.

BFA tin rằng “sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc có thể cung cấp cho các nền kinh tế châu Á một tấm đệm chống lại các tác động bên ngoài”. Cũng theo báo cáo, các vấn đề quan trọng khác đáng được quan tâm bao gồm, tái cấu trúc chuỗi công nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các hiệp định thương mại khu vực.

Ông Lý Bảo Đông, Tổng thư ký BFA 2023 cho biết tại cuộc họp báo hôm 28/3 rằng, châu Á là động lực đáng tin cậy đằng sau tăng trưởng toàn cầu và là lực lượng hỗ trợ quan trọng của chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, bên trong khu vực, các cuộc khủng hoảng lương thực, vệ sinh, năng lượng và khí hậu đang đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng khó khăn sâu sắc. “Giải pháp cho những vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn cả ở châu Á và trên toàn thế giới”, ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh./.

Tô Đình Trung/Theo China Daily,