Theo SCMP, Nga dự định xây dựng một hệ thống đường sắt mới kết nối các khu vực khai thác than đá lớn nhất thế giới, đã tồn tại gần 300 triệu năm, trải dài trên khắp cả vùng Viễn Đông và Siberia với cảng xuất khẩu ven biển gần biên giới Trung Quốc. Kế hoạch này đã “lọt vào mắt xanh” của ngành công nghiệp than của Bắc Kinh.
Theo thông báo của Moscow hồi tháng 10, tuyến đường sắt sẽ chạy đến Khabarovsk Krai trên bờ biển Viễn Đông, một trong những khu vực xuất khẩu than chính của nước này tiếp giáp trực tiếp với tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tuyến đường sắt này cũng sẽ vận chuyển than từ tổ hợp khai thác ELGA – một trong những mỏ than cốc lớn nhất, được sử dụng chủ yếu trong hoạt động sản xuất thép.
SCMP cho biết, lưu vực trầm tích Tunguska trải dài 1 triệu km2 trên khắp khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga và được cho là có trữ lượng than đạt 6,4 tỷ tấn. Ngoài ra, lưu vực này có các loại đá, khoáng sản và tài nguyên khác, trong khi được Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Than Trung Quốc ước tính có 2,2999 nghìn tỷ tấn trữ lượng than.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 của các nhà nghiên cứu Nga, Na Uy và Thuỵ Điển chỉ ra rằng các đợt khoan được thực hiện ở khu vực này đã để lộ mỏ đá từ thời kỳ Permian là 298,9 đến 251,9 triệu năm trước.
Mỏ than được tìm thấy ở khu vực này bao gồm cả than non, loại than có hàm lượng năng lượng thấp nhất và thường được sử dụng trong sản xuất điện, anthracite và than cốc chất lượng cao phù hợp với ngành sản xuất thép.
Tổ hợp khai thác ELGA ở CH Sakha có trữ lượng than cốc là 2,2 tỷ tấn, với công suất hàng năm theo kế hoạch là 11,7 tấn/năm và tuổi thọ dự kiến đạt 100 năm. Hồi tháng 10, chuyến tàu chở hàng đầu tiên chạy từ khu phức hợp này đến Port Elga ở Khabarovsk và dự kiến sẽ được vận hành thường xuyên cùng kết nối với tuyến đường sắt mới trong nửa đầu năm tới, theo truyền thông Nga.
Ngoài ra, truyền thông Nga cho biết, việc mở rộng tuyến đường sắt đã được lên kế hoạch trong 2 năm tới, bao gồm cả việc tăng tốc xây dựng dự án kết nối với lưu vực Tunguska.
Trong một bài báo gần đây, Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Than Trung Quốc cho biết, Nga dự định xây dựng một hệ thống đường sắt mới để vận chuyển than từ lưu vực trầm tích Tunguska rộng lớn. Đây là vùng có trữ lượng than lớn nhất trên trái đất từng được phát hiện. Lưu vực kể trên vẫn là nơi khó tiếp cận và có khí hậu khắc nghiệt song lại sở hữu tiềm năng khai thác than lớn.
Hiệp hội Nghiên cứu Kinh tế Than Trung Quốc lưu ý rằng, việc nâng cấp cảng Kharabarovsk cũng nằm trong dự án kể trên, nhằm tăng công suất các thiết bị đầu cuối với hoạt động khai thác than từ 30 đến 50 triệu tấn mỗi năm.
Trung Quốc tiếp tục loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và tăng công suất năng lượng tái tạo trong nước. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời dự kiến sẽ chiếm hơn 40 % tổng công suất phát điện được lắp đặt vào cuối năm, vượt qua than. Song, Trung Quốc cho đến nay vẫn là nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới và đã hợp tác với Nga để xây dựng đường ống dầu khí giữa 2 nước để đáp ứng nhu cầu về năng lượng.
Thanh Hoàn