Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trung tâm Cấp cứu 115 cứu sống nhiều bệnh nhân bằng giải pháp “Hồi sinh tim phổi qua điện thoại”

ĐNA -

Ngày 20/8/2024, bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM), cho biết, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM đã triển khai giải pháp “Hồi sinh tim phổi qua điện thoại”, cứu sống được nhiều người bệnh ngưng tim, ngưng thở.

Điều phối viên tiến hành điều xe cấp cứu gần nhất đến hiện trường.

Nạn nhân bị mắc nghẹn (dị vật đường thở) dẫn đến ngưng tim.
Chiều 19/8, một người bệnh là phụ nữ 60 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM vừa được điều phối viên tổng đài 115 tiếp nhận, điều phối và kịp thời hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại. Khi gọi Trung tâm Cấp cứu 115 (gọi tắt 115), con gái của người phụ nữ này mất bình tĩnh, hoảng hốt vì mẹ đột nhiên tím tái khi đang ăn.

Sau khi trấn an, hỏi bệnh sử, điều phối viên 115 xác định ngay nạn nhân bị dị vật đường thở nghi là do bánh tét, đồng thời bằng nghiệp vụ đã khai thác và phát hiện người bệnh có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lập tức,qua điện thoại, điều phối viên đã tiến hành hướng dẫn người nhà bệnh nhâ ép tim, đồng thời điều phối ê kíp cấp cứu đến hiện trường. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được kết nối, hướng dẫn ép tim liên tục. Nhờ được sơ cứu kịp thời, đúng cách, sau 6 phút nạn nhân đã nôn dị vật ra, tỉnh lại, hồng hào.

Theo bác sĩ Long, mỗi tháng Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh ngưng tim ngưng thở ngoài hiện trường. Với tình huống nguy kịch như vậy, người bệnh cần được ép tim hiệu quả ngay lập tức nhằm duy trì tuần hoàn, thực hiện bởi người chứng kiến đầu tiên trước khi ê kíp cấp cứu chuyên nghiệp đến.

Còn sau 4 phút mà người bệnh ngưng tim, ngưng thở không được sơ cứu đúng cách, tế bào não sẽ bị tổn thương, khả năng cấp cứu khó thành công, ngay cả khi cấp cứu được cũng để lại di chứng, tàn tật.

Biến người gọi điện cấp cứu thành người sơ cứu ban đầu
Theo bác sĩ Duy Long, từ nhu cầu đáp ứng hiệu quả hơn trong hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện Trung tâm Cấp cứu 115 đã triển khai quy trình T-CPR (còn gọi là hồi sinh tim phổi qua thiết bị viễn thông) cho lực lượng điều phối viên cấp cứu.

Với quy trình này, hệ thống tiếp nhận và điều phối cấp cứu qua tổng đài 115 đảm nhận thêm nhiệm vụ duy trì kết nối với người bệnh, kịp thời tư vấn, hướng dẫn những việc nên làm và không nên làm, thực hiện sơ cứu qua phương tiện telemedicin trong một số trường hợp để nâng cao khả năng thành công của công tác cấp cứu.

Chương trình này giúp điều phối viên biến người gọi điện cấp cứu thành người sơ cứu ban đầu. Người gọi điện sẽ trực tiếp tham gia, thực hiện các kỹ thuật sơ cứu cơ bản dưới sự hướng dẫn của điều phối viên, đặc biệt có ý nghĩa trong hoàn cảnh người bệnh ngưng tim ngưng thở, dị vật…

Trong thời gian qua, rất nhiều người bệnh ngưng tim, ngưng thở ngoài cộng đồng được thực hiện T-CPR bởi điều phối viên, giúp kíp cấp cứu 115 đến thực hiện cấp cứu thành công và chuyển vào bệnh viện an toàn.

Đại diện Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II tính toán sẽ triển khai trạm cấp cứu đường thủy tư nhân đầu tiên tại TP.HCM

TP.HCM có thêm một trạm cấp cứu vệ tinh 115, tổng cộng 40 trạm
Trước đây, ngày 16/12/2023, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM ra mắt Trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 40 của TP đặt tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II (quận 12).

Việc ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh 115 mới trên địa bàn quận 12 có ý nghĩa đặc biệt với người dân trên địa bàn này và các khu vực lân cận, giúp mở rộng và củng cố mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM.

Xây dựng phương án triển khai trạm cấp cứu đường thủy tư nhân đầu tiên tại TP.HCM
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II và Trung tâm Cấp cứu 115 thống nhất xem xét đánh giá tính khả thi của phương án triển khai trạm cấp cứu đường thủy tư nhân đầu tiên tại TP.HCM.

Việc triển khai này giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực tiếp cận của mạng lưới cấp cứu ngoại viện, đúng với tinh thần xây dựng TP.HCM theo hướng văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo.

Bên cạnh có thêm một trạm cấp cứu 115 vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II (quận 12), đại diện Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II tính toán sẽ triển khai trạm cấp cứu đường thủy tư nhân đầu tiên tại TP.HCM – Ảnh: CTV

Về phát triển cấp cứu đường thủy, đây là cũng là một trong các đề xuất của Trung tâm Cấp cứu 115 về định hướng phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến đến năm 2030.

“Việc Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức II, đơn vị có bến thủy nội địa trên sông Sài Gòn, chủ động nghiên cứu phương án phối hợp triển khai trạm cấp cứu đường thủy là phù hợp với định hướng chung, giúp đa dạng hóa nguồn lực và phương án triển khai”, ông Long kết luận.

Thời gian qua, Trung tâm cấp cứu 115 gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, hệ thống tổng đài, nhân lực, phương tiện vận chuyển và năng lực dự phòng, cũng như khả năng chống chịu trước các tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Trong đề án “Nâng cao năng lực Trung tâm cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo” của Sở Y tế TP.HCM nêu rõ ngành y tế sẽ phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM theo 3 cụm y tế chuyên sâu, và mở thêm 2 trạm cấp cứu đường thủy và đường hàng không.

Đinh Hoàng Anh