Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cần có các giải pháp, nhiệm vụ để đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy

ĐNA -

Sáng 6/7/2023, tại phiên họp thẩm định Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, môn học quốc phòng và an ninh là một bộ phận quan trọng trong chương trình giáo dục quốc dân. Giáo dục quốc phòng, an ninh không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… giúp nâng cao hiệu quả dạy và học.

Phiên họp thẩm định Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: VGP

Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch) không chỉ đơn thuần về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà còn có ý nghĩa chuyên môn đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh từ sớm, từ xa; góp phần thực hiện các quan điểm, mục tiêu về quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Không dừng ở phạm vi xây dựng cơ sở hạ tầng
Với tính chất, tầm quan trọng của hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh thuộc các bộ ngành, địa phương, Quy hoạch phải có sự đánh giá, phản ánh, thể hiện đầy đủ trong bối cảnh, tình hình mới phát sinh, xu thế mới đang hình thành, quan điểm, nhiệm vụ mới; bảo đảm mục tiêu giáo dục cho đối tượng học tập về tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nội dung chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh cần có sự đổi mới, cập nhật, phù hợp với các đối tượng khác nhau, trên cơ sở kết hợp truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và bối cảnh, tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định, nhằm bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

“Quy hoạch không chỉ xác định hệ thống cơ sở, vật chất, mà phải lồng ghép, tích hợp hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh một cách thực chất, cập nhật thường xuyên. Đây là quy hoạch về hình thức tổ chức, cơ chế phối hợp, lồng ghép hoạt động giữa các đơn vị, trung tâm đang đảm nhận nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng “Quy hoạch cần có các giải pháp, nhiệm vụ để đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp”.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm rõ một số nội dung của Quy hoạch – Ảnh: VGP

100% sinh viên rèn luyện theo nếp sống quân sự
Theo báo cáo của Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng), mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch là xây dựng, phát triển Hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (Hệ thống trung tâm) theo hướng đồng bộ, hiện đại, toàn diện, nhằm nâng cao chất lượng dạy, học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Dự kiến, đến năm 2030, ngoài 38 trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hiện có, sẽ thành lập thêm 8 trung tâm mới, bảo đảm 100% sinh viên các trường cao đẳng, đại học được học tập, ăn, ở, sinh hoạt tập trung để rèn luyện theo nếp sống quân sự, môi trường quân đội.

Đáng chú ý, Quy hoạch đặt mục tiêu nâng cao chất lượng chuẩn hoá trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cán bộ quản lý trình độ đại học trở lên, trong đó có 30% trình độ thạc sĩ, 5% trình độ tiến sĩ; 100% giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó 35% có trình độ thạc sĩ, 5% có trình độ tiến sĩ chuyên ngành.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hệ thống trung tâm được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh; tiếp tục nâng cấp hoặc bổ sung quy hoạch thành lập trung tâm mới đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Hệ thống trung tâm được quy hoạch trên định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng cũng như quy mô sinh viên. Mục tiêu của Quy hoạch là phổ cập kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân, trọng tâm là đối tượng sinh viên trên cơ sở Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh.

Có bộ tiêu chí đánh giá trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh
Tại cuộc họp, các uỷ viên phản biện, thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến chính xác nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng Quy hoạch.

Cụ thể, Quy hoạch cần bổ sung, thống kê các trung tâm chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; đánh giá thực trạng đào tạo giáo dục quốc phòng, an ninh của những cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Đổi mới hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với chuyển đổi số, xây dựng thông tin liên kết đào tạo tại các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh.

Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn cho rằng, cần đánh giá lại sự liên kết, hỗ trợ giữa các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh; thực hiện sắp xếp, giải thể những trung tâm hoạt động kém hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ mới…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị bổ sung các trung tâm của các trường đại học tự chủ vào Quy hoạch; xây dựng tiêu chí về chất lượng (cơ sở vật chất, hạ tầng, cán bộ quản lý, giảng viên, tính hiện đại) cho các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh.

Trong đó, đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch cần bổ sung phân tích, đánh giá, dự báo số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tham gia học tập an ninh, quốc phòng trong thời gian tới; dự báo nhu cầu sử dụng đất phát triển Hệ thống trung tâm phù hợp với từng vùng kinh tế-xã hội; có phương án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cần có các giải pháp, nhiệm vụ để đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy – Ảnh: VGP

Giải quyết ‘bài toán’ tập trung và phân tán
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng để cụ thể hoá việc thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, các chiến lược liên quan đến quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo để bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ động bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có sự phối hợp, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch, và tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tiếp thu đầy đủ, “đúng nơi, đúng chỗ” các ý kiến tại cuộc họp.

Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo Quy hoạch phải thu thập, đánh giá đầy đủ hiện trạng của các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh (các trường quân đội, đại học, cao đẳng nghề nghiệp) hiện nay về cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động, chất lượng giảng dạy so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Các quan điểm trong Quy hoạch phải bám sát, đáp ứng yêu cầu trong Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, phù hợp với điều kiện, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, sự phát triển khoa học công nghệ. Từ đó, đổi mới toàn diện, đồng bộ, thực chất hoạt động giáo dục quốc phòng, an ninh, cùng với tận dụng thành tựu công nghệ hiện đại, chuyển đổi số.

Hoạt động triển khai Quy hoạch phải dựa vào hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, giải quyết “bài toán” tập trung và phân tán giữa các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh của quân đội và của các trường đại học, cao đẳng.

“Các trung tâm của trường đại học, cao đẳng sẽ đảm nhận giảng dạy phần kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh, trong khi các cơ sở của quân đội đảm nhận truyền đạt kiến thức chuyên sâu, thực hành quân sự, kết hợp tổ chức các buổi học trực tuyến do những chuyên gia, giảng viên quân sự có kinh nghiệm giảng dạy. Quy hoạch phải gắn với giáo dục đại học, xây dựng cơ sở vật chất của các trường đại học, phát triển đội ngũ giảng viên”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Ngoài ra, Quy hoạch cần có định hướng về chương trình, nội dung, phương pháp, giáo trình, mục tiêu cần đạt được của các trung tâm, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của khâu tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch phải đề ra hướng tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật; hình thành cơ chế phối hợp giữa các trung tâm của quân đội và các trường đại học, cao đẳng; khẩn trương xây dựng chương trình khung về giáo dục quốc phòng, an ninh thiết thực, phù hợp với các đối tượng khác nhau theo Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; có bộ tiêu chí cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ quản lý, giảng viên của các trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh…

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ môn học GDQP&AN

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh
Trước đó, ngày 13/4/2023,  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 379/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Thành viên Hội đồng gồm đại diện các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Nội vụ; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo; Lao động – Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an; Giao thông vận tải; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông. Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Quốc phòng.

Các ủy viên phản biện gồm: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Hanh – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia; Tiến sỹ Đỗ Trần Tín – Phó Trưởng khoa quy hoạch Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sinh viên Lớp Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia sinh hoạt văn nghệ tối ngày 6/6 tại Hưng Yên

Kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2023
Kế hoạch nhằm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Trong đó, cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP&AN Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với lãnh đạo bộ, ngành nâng cao chất lượng thực hiện quản lý nhà nước về công tác GDQP&AN theo thẩm quyền.

Kịp thời củng cố, kiện toàn Hội đồng GDQP&AN các cấp đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần theo quy định; duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP&AN các cấp.

Các ban, bộ, ngành trung ương và Hội đồng GDQP&AN các cấp rà soát, nắm số lượng, phân loại đối tượng phải BDKTQP&AN để xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh tổ chức các lớp BDKTQP&AN cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; thực hiện việc cập nhật BDKTQP&AN cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý 2 nhiệm kỳ liên tiếp không thay đổi chức danh hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Kim Anh/Lớp QTNL 20B Học viện Hành chính Quốc gia.