Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng có Hiệu trưởng mới

ĐNA -

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – nguyên Phó Hiệu trưởng – vừa chính thức được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025. “Đây là cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt của một Đại học giữ vai trò quyết định đến sự phát triển của Đại học Đà Nẵng. Sự kiện bổ nhiệm Hiệu trưởng mới hôm nay cũng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển trong tương lai của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng (thứ hai, từ phải sang) ; TS.Pham Minh Đức – Chủ tịch Hội đồng Đại học vùng – Đại học Đà Nẵng (bên trái ảnh) và PGS.TS Nguyễn Đình Lâm (bên phải ảnh) – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu vừa nhận quyết định giữ chức Hiệu trưởng. Ảnh trong tin: T.N.

Sáng nay 3/1/2023, Ban Tổ chức cán bộ Đại học Đà Nẵng đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, chính thức giữ chức Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025 thay cho PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Nguyên Hiệu trưởng nhà trường vừa đến tuổi nghỉ hưu cuối năm 2022.

“Từ đáy lòng mình, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn đến PGS.TS. Đoàn Quang Vinh – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Người Thầy mẫu mực, đầy tâm tâm huyết, đã dìu dắt tôi suốt nhiệm kỳ qua; người đã thực hiện những bước đổi mới căn bản các mặt hoạt động, đặt nhà trường “vào đường ray tự chủ” để chúng ta tiếp tục phát triển vững chắc trong những năm sắp tới”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu bày tỏ.

PGS.TS. Đoàn Quang Vinh – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng – đánh trống khai trường lần cuối tại Lễ khai giảng năm học 2022-2023. Ông vừa nhận quyết định nghỉ hưu cuối năm 2022. “PGS.TS. Đoàn Quang Vinh là lãnh đạo luôn nỗ lực, tận tụy trách nhiệm cao và đã giành trọn tâm huyết cho sự ngiệp xây dựng, phát triển trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu (sinh ngày 9/1/1981), là một trong những PGS trẻ nhất nước; ông tốt nghiệp chuyên ngành rộng (Ingénieur généraliste) tại Trường Đại học Trung Tâm Lyon – Pháp (Ecole Centrale de Lyon). Từ tháng 10/2005 đến tháng 11/2008 là Nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu Điện Grenoble (G2ELab), Trường Đại học Joseph Fourier, Grenoble, Pháp; từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2010, tiếp tục nghiên cứu sau Tiến Sĩ (Postdoc) tại Trung tâm nghiên cứu Điện Grenoble, Trường Đại học Joseph Fourier, Grenoble, Pháp.

Sau khi tốt nghiệp, về công tác tại trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, ông lần lượt là” Trợ giảng tại Bộ môn Hệ thống điện, Khoa Điện (từ tháng 7/2010 đến 6/2011); Giảng viên tại Bộ môn Hệ thống điện, Khoa Điện (7/2010 -11/2011); Phó Trưởng Khoa Điện (11/2011 – 4/2014); Trưởng Khoa Điện (5/2014 – 9/2018) và là Phó Hiệu trưởng (từ 9/2018 đến 31 tháng 12 năm 2022). Ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ tại Đại học Joseph Fourier, Grenoble, Pháp, năm: 2008; và được phong Học hàm Phó Giáo sư (PGS) năm 2018.

“PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu là Cán bộ trẻ, hiện là Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Đại học Đà Nẵng; từng là Trưởng bộ môn, sau đó là Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa rồi được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trường, nên có rất nhiều kinh nghiệm. PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu luôn được đánh giá có tinh thần hợp tác cao trong công việc, nhân cách đạo đức tốt, rất hòa đồng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biếtn nhận.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định: Tôi ý thức được trách nhiệm lớn lao, được tập thể nhà trường tín nhiệm giao phó và quyết tâm thực hiện trọng trách của mình một cách tốt nhất. Và trọng tâm của kế hoạch hành động là nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Quy luật cạnh tranh nghiệt ngã của thời kỳ hội nhập không cho phép chúng ta lơ là về chất lượng. Chất lượng là yếu tố sống còn của trường Đại học, là yếu tố căn bản tạo nên uy tín và nâng cao sức cạnh tranh của sinh viên chúng ta trên thị trường lao động.

Thế nhưng, chất lượng đào tạo không thể tự nó hình thành. Nó là kết quả của quá trình đổi mới liên tục để nâng cao hiệu quả tất cả các mặt hoạt động của nhà trường, bao gồm: Hệ thống quản trị của trường phải đổi mới để các bộ phận phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, phát huy hết tiềm năng và công suất; Cơ sở vật chất phải được bố trí tối ưu để đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên, sinh viên; Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường ngày càng được nâng cao về chuyên môn (giảng dạy – nghiên cứu khoa học) và nghiệp vụ để đáp ứng các đòi hỏi của nhiệm vụ đổi mới. Và cuối cùng, cuộc sống và môi trường sư phạm phải được cải thiện để giảng viên yên tâm công tác, cống hiến hết sức mình vì sự phát triển của nhà trường.

“Chất lượng là yếu tố sống còn của trường Đại học, là yếu tố căn bản tạo nên uy tín và nâng cao sức cạnh tranh của sinh viên chúng ta trên thị trường lao động” – PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Tân Hiệu trưởng trường Đại học bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường ngày càng quyết liệt trong điều kiện nguồn tuyển ngày càng hạn hẹp. Sự cạnh tranh đó không phải chỉ diễn ra đối với hệ thống đại học trong nước mà còn liên thông đối với hệ thống đại học khu vực và thế giới.

Do đó, để tuyển sinh tốt, chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ chất lượng đào tạo của nhà trường để thu hút sinh viên giỏi đến học. Mà thành tích trong hoạt động nghề nghiệp sau này của mỗi sinh viên sẽ là phương thức quảng bá nhà trường hiệu quả nhất. Sự thành công của công tác tuyển sinh hằng năm, kể cả tuyển sinh đại học và sau đại học, sẽ quyết định đến tầm vóc của nhà trường trong điều kiện thực hiện tự chủ.

Những khó khăn thách thức đó không thể được xử lý bằng những biện pháp ngắn hạn mà phải có chiến lược dài hạn, trong đó củng cố chất lượng đào tạo mang yếu tố sống còn.

Với nhiệm vụ mới được giao, tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng trường và tập thể lãnh đạo nhà trường nhận diện những khó khăn thách thức chính trong từng giai đoạn để tập trung nguồn lực nhằm hiện thực hóa khát vọng được nêu trong tầm nhìn của nhà trường: đến năm 2035, trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng là trường đại học nghiên cứu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chủ động hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội trong nước và thế giới./.
T.Ngọc