Thứ Sáu, Tháng Năm 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tổ chức đánh giá, kiểm định lần II theo chuẩn châu Âu  HCERES

ĐNA -

(Đà Nẵng). Đoàn chuyên gia HCERES – tổ chức kiểm định uy tín, được Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu – ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education) công nhận, chính thức bắt đầu triển khai các hoạt động đánh giá ngoài tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, từ hôm nay (30/11/2023).

Đoàn Chuyên gia chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, Ban Giám hiệu – Hội đồng trường và Trưởng các Khoa, Phòng, Trung tâm trường Đại học Bách khoa (sáng 30/11/2023). Ảnh trong bài T.Ngọc.

Nguồn nhân lực được đào tạo có đủ năng lực tham gia thị trường lao động cạnh tranh cao tại Việt Nam, trong cộng đồng kinh tế ASEAN và trên toàn cầu.

Đoàn gồm các thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục đại học cùng 1 giám sát của Tổ chức HCERES. Đoàn đến Đà Nẵng từ ngày 29/11/2023 và sẽ làm việc liên tục đến 2/12/2023.

Chủ tịch hội đồng kiểm định đánh giá lần này là TS.Christophe Haunold – Giám đốc văn phòng hợp tác, chuyển giao kiến thức và công nghệ, Đại học Luxembourg. Tham gia đoàn với tư cách thành viên là các Giáo sư chính thức, Nhà nghiên cứu, giới chức quản lý các hoạt động đại học, trong đó có cả Chuyên gia về công tác sinh viên, đến từ  Đại học Fédérale de Toulouse; Đại học Strasbourg; Đại học Paris Saclay; ENSTA Paris (thành viên sáng lập Viện Bách khoa Paris); INSA Strasbourg (thành viên Hệ thống đào tạo kỹ thuật lớn nhất ở Pháp), …

“Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã và đang được nỗ lực đổi mới toàn diện. Trường cố gắng tái cấu trúc từ phương pháp sư phạm, khung chương trình, đến nội dung giảng dạy, và cả yêu cầu thực hành, sao cho kết quả đầu ra của người học phải phản ánh được kết quả học tập tốt nhất, chứ không chỉ tích lũy đủ tín chỉ khóa học.

 Với phương pháp dạy học theo dự án, ngoài kiến thức học thuật và chuyên môn, sinh viên chúng tôi được trang bị năng lực ngôn ngữ và các kỹ năng cần thiết như kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, đổi mới và khởi nghiệp, nâng cao khả năng tìm việc làm và khởi nghiệp của chính các em. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, các em có đủ năng lực tham gia vào các thị trường lao động có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam, trong cộng đồng kinh tế ASEAN và trên toàn thế giới.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng: Nhà trường coi trọng xây dựng một môi trường nhân văn, góp phần đào tạo các thế hệ sinh viên phát triển toàn diện.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng không chỉ tạo ra môi trường học thuật tiên tiến, bảo đảm nền tảng thành công cùng năng lực theo đuổi quá trình học tập suốt đời cho người học mà còn nuôi dưỡng và phát triển tài năng. Chúng tôi thúc đẩy tinh thần khai phá, xây dựng được các giải pháp, cũng như chuyển giao được kiến thức và ứng dụng cho cộng đồng.

Chúng tôi cũng xây dựng một môi trường nhân văn, góp phần đào tạo các thế hệ sinh viên phát triển toàn diện hơn, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn giàu lòng nhân ái, sự sẻ chia, giúp đỡ và tinh thần trách nhiệm, có lối sống lành mạnh đầy tính nhân văn. và tình người giữa con người”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ cùng đoàn chuyên gia.

HCERES là chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế cấp Trường rất quan trọng đối với các đại học Việt Nam. Đây là đợt đánh giá ngoài lần thứ hai, theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES), đối với trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Trước đó, đoàn Chuyên gia HCERES đã đến làm việc và tiến hành quy trình kiểm định, đánh giá đợt 1 trong tháng 2/ 2017 tại nhà trường. Vào ngày 17/10/ năm 2017 tại Hà Nội, cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, đã đón nhận “Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục tiêu chuẩn Châu Âu HCERES” (lần đầu tiên). Buổi lễ trao chứng nhận được tổ chức trang trọng với sự có mặt ông Eric Molay – Đại diện Sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và GS. TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việt Nam. Chủ tịch HCERES – Ông Michel Cosnard – đã trực tiếp sang Việt Nam và trao chứng nhận đạt chất lượng kiểm định HCERES cho lãnh đạo của 4 trường.

Bộ tiêu chuẩn của HCERES được sử dụng đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).

“Chương trình kiểm định chất lượng quốc tế cấp Trường rất quan trọng đối với các đại học Việt Nam. Đây là một trong các nhóm giải pháp đổi mới toàn diện căn bản chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam, và nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Kết quả này khẳng định uy tín của 4 trường, không chỉ trong nước mà thế giới biết đến. Từ đó các trường có thêm điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài đến học, tạo điều kiện quốc tế hóa chương trình đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ở các trường này có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động”, GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nhấn mạnh.

Được biết tại Việt Nam, tính từ 2017 đến nay, HCERES đã đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục tại 6 cơ sở giáo dục đại học. Năm 2023, HCERES thực hiện đợt đánh giá ngoài chu kỳ 2 đối với 4 trường đại học: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bộ tiêu chuẩn của HCERES, phiên bản mới 2022, dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 3 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí:  Quản trị và điều hành; Chính sách nghiên cứu Khoa học, Đổi mới sáng tạo; Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập.

Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ. Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn thực hiện đánh giá và kiểm định quốc tế đối với các trường đại học nước ngoài, các tổ chức giáo dục của Pháp ở nước ngoài, các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp quốc tế; và tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA).

Được đánh giá, kiểm định bởi các tổ chức nước ngoài như HCERES, ASIIN, AUN-QA, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu cũng được đánh giá cả về mức độ sẵn sàng hội nhập quốc tế của tổ chức mình.

TS.Christophe Haunold – Giám đốc văn phòng hợp tác, chuyển giao kiến thức và công nghệ, Đại học Luxembourg, là Chủ tịch hội đồng kiểm định đánh giá lần này.

Xây dựng học hiệu DUT hướng tới hệ sinh thái giáo dục nhân văn, đổi mới, sáng tạo
Được biết, đoàn đánh giá sẽ thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất của trường; thực hiện phỏng vấn trực tiếp Ban Giám hiệu và Chủ tịch Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, lãnh đạo Khoa/Phòng/Trung tâm, Giảng viên, Nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, lãnh đạo các trung tâm nghiên cứu (vườn ươm, nền tảng kỹ thuật, sở hữu trí tuệ,..), Cựu sinh viên, Nhà tuyển dụng, Đối tác nghiên cứu và học thuật trong nước, Các đối tác học thuật quốc tế và sinh viên di chuyển trong và ngoài nước, sinh viên đang học tại trường, cán bộ chuyên viên… Tổng cộng có 22 phiên phỏng vấn, khảo sát,…

 Theo quy trình, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (DUT) cũng đã hoàn thành và gửi báo cáo tự đánh giá; từ báo này, tổ chức HCERES xem xét và đồng ý thành lập đoàn chuyên gia để thực hiện các hoạt động đánh giá tại trường.

“Đánh giá của HCERES với tính khách quan, khoa học, thể hiện Nhà trường chúng tôi luôn chấp hành nghiêm, thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục Đại học. Đánh giá chu kỳ 2 lần này, ngoài ý nghĩa khẳng định một lần nữa chất lượng của Nhà trường, cũng nhằm nhìn nhận, đánh giá đúng kết quả của những điều chỉnh, cải tiến của Nhà trường , sau 1 chu kỳ đánh giá (2018-2023). Chúng tôi sẽ sử dụng những ý kiến kết luận của  lần đánh giá chu kỳ 2, để xây dựng lộ trình và nội dung sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng trong những năm tiếp theo.

Tích cực trong chuẩn bị và sẵn sàng tham gia đánh giá ngoài chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn HCERES, khẳng định Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng luôn đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, luôn nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập và phát triển, vươn xa trong khu vực và trên thế giới”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo nhấn mạnh.

 PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cũng cho biết, trong 5 năm qua (2018-2023), Trường đã thực hiện rà soát, cải tiến tất cả các chương trình đào tạo ở cả 3 trình độ (đại học, cao học và Tiến sỹ), phù hợp Luật giáo dục đại học sửa đổi, phù hợp khung trình độ quốc gia Việt Nam và tính hội nhập quốc tế. Và các chương trình đào tạo của Trường đều được các tổ chức quốc tế kiểm định đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể: 3 chương trình đạt chất lượng theo tiêu chuẩn CTI (chuẩn của Ủy ban Bằng kỹ sư Cộng hòa Pháp – Commission des Titres d’Ingénieurs), 18 chương trình đạt chuẩn AUN –QA (ASEAN University Network – Quality Assurance) của Mạng lưới các trường đại học ASEAN. Trường cũng thực hiện kiểm định 11 chương trình theo chuẩn ASSIN (Đức), trong đó 4 đã được công nhận, 7 đang chờ kết quả.

Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa và Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng tại phiên khai mạc đợt kiểm định, đánh giá ngoài lần II theo chuẩn châu Âu  HCERES. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngồi hàng đầu, bìa trái ảnh.

Trong 5 năm 2018-2023, Trường mở mới 11 chương trình đào tạo trình độ đại học, 1 trình độ thạc sĩ, 3 trình độ Tiến sỹ. Dự kiến cuối năm nay, Trường hoàn thành đề án mở mới thêm 1 chương trình Thạc sỹ ngành Quản lý công nghiệp và 1 chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Vi điện tử-Thiết kế vi mạch, ngành này dự kiến tuyển sinh vào năm 2024.

“Năm 2022, trên cơ sở tham khảo các kế hoạch phát triển chiến lược quốc gia về giáo dục đại học và kế hoạch phát triển chiến lược của thành phố Đà Nẵng, Hội đồng trường chúng tôi đã điều chỉnh tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và đã xác định rõ vị thế của trường trong bối cảnh địa phương, quốc gia và quốc tế: “Trường Đại học Bách Khoa Đại học Đà Nẵng là trường đại học kỹ thuật công lập, định hướng nghiên cứu, hướng tới hệ sinh thái giáo dục nhân văn, đổi mới, sáng tạo, tạo cơ hội cho mọi người phát triển giá trị bản thân và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Chiến lược của nhà trường là đẩy mạnh thực hiện các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các trung tâm, các khoa, các nhóm nghiên cứu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thực hiện các thỏa thuận quốc tế với các chương trình đào tạo quốc tế và phát triển các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế. Cùng với các công bố quốc tế, các công trình nghiên cứu của chúng tôi sẽ hướng tới lộ trình ứng dụng thực tiễn, biến nhà trường trở thành một cơ sở giáo dục đại học thông minh. Đây chắc chắn sẽ là bước đệm cho nỗ lực xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố Thông minh”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định.

T.Ngọc