Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Trương Vĩnh Ký là người yêu nước hay bán nước, là nhân vật lịch sử hay là tội đồ của dân tộc?

ĐNA -

Gần đây, trên Chuyên mục Khát vọng non sông của VTV có phim ngắn hoạt hình “Tuổi thơ Trương Vĩnh Ký “, ca ngợi ông ta là người tuổi trẻ tài cao. Tôi (Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam) xin đăng lại bài viết trước đây để mọi người có cách nhìn nhận đúng đắn về kẻ suốt đời làm tôi tớ cho ngoại bang.

Chuyên mục Khát vọng non sông của VTV có phim ngắn hoạt hình “Tuổi thơ Trương Vĩnh Ký “

Trương Vĩnh Ký yêu nước hay bán nước, hiền tài hay ác tài?
Vừa qua Bảo tàng báo chí Việt Nam (trực thuộc Hội nhà Báo Việt Nam) đã tổ chức buổi Toạ đàm về “Nhà báo “ Trương Vĩnh Ký. Sau buổi Toạ đàm đó, rất nhiều báo chính thống của nước ta đã đưa tin, viết bài về buổi Tọa đàm, có nhiều báo giật tít: “Trương Vĩnh Ký yêu nước theo cách của mình” (Tuổi trẻ, Quảng Ninh), “người có công đầu với chữ quốc ngữ” (VOV5), “nhà báo Trương Vĩnh Ký và những di sản thời khởi thủy báo chí tiếng Việt” (Người lao động)… nội dung hầu hết các báo đều ít nhiều ca ngợi Trương Vĩnh Ký là người có công rất lớn trong buổi đầu hình thành báo chí ở nước ta, ông ta là người yêu nước. Yêu nước theo quan điểm của tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc “yêu nước thì ai cũng yêu nước, đừng ai đòi độc quyền yêu nước. Chỉ là chủ nghĩa yêu nước của mỗi người khác nhau, thậm chí xung đột nhau về lợi ích “…).

Cùng với việc đánh giá về Trương Vĩnh Ký một số báo ca ngợi ông ta là người uyên bác, biết nhiều ngoại ngữ, viết được nhiều sách, là nhà báo đầu tiên của VN, … từ đó kết luận Trương Vĩnh Ký là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Tóm lại, theo họ, Trương Vĩnh Ký là nhà yêu nước, một nhân tài đất Việt? Với cách đánh giá sai lầm này nên ở một số ít địa phương đã khôi phục lại tên đường, đặt lại tên trường, quyên góp dựng tượng đồng, và đặt ông ta ngang hàng với các nhà yêu nước như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Trương Định …

Gần đây, anh em bạn bè chiến đấu của tôi quê xã Hoà Châu đã thông tin rằng ở Đà Nẵng cũng đặt tên đường Trương Vĩnh Ký cho một con đường khá dài tại xã Hoà Châu với lý do Trương Vĩnh Ký là một nhân vật lịch sử của dân tộc. Khi phát hiện việc làm này, các đồng chí cựu chiến binh xã Hoà Châu đã phản ứng và kiến nghị với cấp thành phố cần xem xét lại việc này. Nhân dân ở địa phương nói rõ, xã Hoà Châu là xã anh hùng, có truyền thống yêu nước sâu sắc không chấp nhận lấy tên của kẻ phản quốc đặt tên đường ở địa phương mình. Tôi cũng được biết, không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn một số địa phương khác cũng đã đặt tên đường cho Trương Vĩnh Ký.

Vậy Trương Vĩnh Ký là người yêu nước hay bán nước, là hiền tài hay ác tài, là nhân vật lịch sử hay là tội đồ của dân tộc?
Để trả lời câu hỏi này, tôi đã mất một một thời gian tra cứu và suy ngẫm về những gì mà tư liệu trên báo chí, trên mạng nói về Trương Vĩnh Ký đặc biệt là các bài báo rất mới như bài: Không được đánh đồng công – tội đăng trên Tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 5/01/2016, bài Về con người Trương Vĩnh Ký đăng trên Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/10/2021 … Trước hết, tôi cần phải nói rõ : tôi sinh ra ở Quảng Nam, học cấp tiểu học dưới thời ngụy quyền Sài Gòn và thời đó Ngô Đình Diệm với tư tưởng đưa Thiên Chúa giáo lên thành quốc đạo, vẽ cho ông ta hình ảnh yêu nước và đã ra sức tuyên truyền về Trương Vĩnh Ký (mà theo tôi thấy nội dung ca ngợi Trương Vĩnh Ký của một số  nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà khoa học hiện nay viết rất giống những gì thời ngụy nói về Trương Vĩnh Ký). Thực tế đồng bào yêu nước ở miền Nam lúc đó đã không chấp nhận Trương Vĩnh Ký là nhà yêu nước cũng như không chấp nhận họ Ngô là nhà yêu nước.

Để làm rõ vấn này, theo tôi ta cũng cần nắm vững phương pháp luận Mác xít để đánh giá,  trước hết chúng ta cần khẳng định Trương Vĩnh Ký là kẻ có tài (nhân tài), ông sinh ra ở một miền quê thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cha là quan lại Triều đình Huế đã mất trong chuyến đi sứ thần sang Campuchia khi ông ta mới 8 tuổi (theo Tiểu dẫn – trang 12 của GS Phạm Thế Ngũ), Trương Vĩnh Ký đã được một linh mục Thiên chúa giáo đỡ đầu và cho học tập chữ quốc ngữ (như vậy Trương chỉ là người học chữ quốc ngữ), sau đó cho sang học ở  Campuchia, Malayxia. Tại các trường này của Thiên chúa giáo, Trương Vĩnh Ký được học chung với các học viên người Camphuchia, Lào, Mianma, Ấn độ, Nhật Bản, Malayxia… nên ông ta học được nhiều thứ tiếng mà sau này có tài liệu nói Trương biết 27 thứ tiếng, đây là tài năng rất đáng tự hào của ông ta, nó là cơ sở để Trương Vĩnh Ký hoàn thiện vốn liếng Quốc ngữ, viết báo, viết sách, làm phiên dịch (thông ngôn) và làm đại quan cho Thực dân Pháp. Với tất cả tài năng như vậy ít có người Việt Nam đương thời bấy giờ có được như ông ta (theo bài Những ngộ nhận về Trương Vĩnh Ký – Tuần báo Văn nghệ ngày 7/9/2015).

Tuy nhiên, tất cả tài năng của Trương Vĩnh Ký đã dụng sai chỗ, là một con chiên ngoạn đạo, ông đã đặt lợi ích của Giáo hội lên trên tất cả, ông không coi trọng lợi ích dân tộc, là con người cơ hội, ông cho rằng đây là thời cơ dựa vào Pháp để vươn đến đỉnh cao quyền lực nên ông đã bán rẽ lợi ích dân tộc. Ông tự nhận mình là “người bề tôi tận tâm và trung thành của nước Pháp“ đã kêu gọi quân đội Pháp “xin đừng chần chừ gì nữa, hãy mỡ rộng bàn tay giải phóng “ (thư gởi Trung tá hải quân Pháp Jean Bernard) và không chỉ bằng lời nói mà Trương Vĩnh Ký đã hăng hái hoạt động, lúc đầu là phiên dịch, sau là mật vụ và cuối cùng là Đại quan của thực dân Pháp bên cạnh Triều Nguyễn “tôi cũng đang lo tiếp xúc và cũng cấp cho ngài những tin tức chính trị hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án của ông Paul về công cuộc bình định thi hành bởi người bản xứ và ở đây tôi đang bám sát nhà Vua và Viện cơ mật …Tôi sẽ trấn áp tất cả các hãnh thần và bao vây nhà Vua , tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho Viện cơ mật …” (Báo cáo của Trương Vĩnh Ký gởi cho Paul Bert)  đồng thời ông ta cũng đề xuất với Paul cách tiêu diệt lực lường yêu nước Cần vương “… hãy nhanh chóng thành lập các đoàn lạp binh (thanh niên công giáo) và võ trang cho họ “…

Để bày tỏ lòng trung thành với nước Pháp, Trương Vĩnh Ký viết “lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp và những công việc nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp“, “Tôi càng tỏ ra biết ơn nước Cộng hòa Pháp không những công nhận tôi là đứa con nuôi lại cho tôi nhiều vinh dự, nhất là đã tin cẩn tôi lắm lắm … Nước Pháp mà tôi phụng sự và tôi hoàn toàn thuộc về nó “ (thư gởi toàn quyền Pháp). Vào cuối đời, ông ta cũng đã tự nhận ra suốt đời theo Pháp vì nước Pháp nhưng nước Mẹ Đại Pháp của ông vẫn chỉ coi ông là dân thuộc địa (con nuôi).

Chỉ nêu lên chừng đó để chúng ta xem Trương Vĩnh Ký yêu nước hay là bán nước, một kẻ cúc cung, tận tụy, cam tâm làm tay sai cho giặc thì sao có thể gọi là yêu nước, chỉ trừ những ai cố tình đảo ngược lịch sử đổi trắng thay đen. Còn ông ta là hiền tài hay ác tài, có thể khẳng định Trương Vĩnh Ký là người có tài nhưng cả cuộc đời của ông cúc cung làm tay sai cho giặc thì đích thị ông là một ác tài, một tội đồ. Ông cha ta thường nói, “hiền tài là nguyên khí quốc gia“ một kết luận đúng đắn vô cùng, thế nhưng ngày nay người ta lại hiểu sai thành nhân tài là nguyên khí quốc gia, nhân tài có cả ác tài và hiền tài, hiền tài là người tài năng, đức độ yêu nước thương dân, cống hiến sức mình cho dân tộc mới là nguyên khí của quốc gia, còn người tài mà đem tài năng hại người, hại xã hội, hại đất nước đó là ác tài và Trương Vĩnh Ký là loại người tài như vậy, cũng giống như Hít Le, ai nói hắn không có tài nhưng ác tài như hắn chỉ để lại tai họa khủng khiếp cho loài người.

Vậy Trương Vĩnh Ký là người yêu nước hay bán nước, là hiền tài hay ác tài, là nhân vật lịch sử hay là tội đồ của dân tộc?

Cũng có người nói, ông là nhà khoa học đã có nhiều sách biên soạn bằng chữ quốc ngữ góp phần để dân ta có chữ viết như ngày hôm nay nên ca tụng ông là nhà văn hoá lớn của dân tộc. Vậy trước hết các nhà truyền giáo thực dân đẻ ra chữ Việt theo mẫu tự la tinh với mục đích của họ để làm gì? là để xóa đi nền văn hoá của dân tộc, đây là thứ vũ khí văn hoá độc hại nhất để diệt chủng; song đã được dân tộc ta xử dụng để chống lại giặc ngoại xâm và chúng ta đã chiến thắng, đây là truyền thống lấy vũ khí giặc để đánh giặc của dân tộc ta.  Rất tiếc, núp dưới danh nghĩa Toạ đàm, Hội thảo khoa học, một số người đã lợi dụng xét lại lịch sử, đánh đồng công – tội, từ đó nâng công, xoá tội bôi đen lịch sử, thế nhưng Cơ quan quản lý vẫn im lặng, để truyền thông bồi bút tuyên truyền và để những kẻ xét lại lịch sử nâng công lên thành danh nhân đất Việt, đặt tên đường, tên trường, thật đáng lên án, thật đáng đau lòng.

Thử hỏi các nghĩa binh Cần vương, thử hỏi cụ Đồ Chiểu, cụ Nguyễn Trung Trực, Trương Định … còn sống lại họ có thể ngồi chung một hàng với Phan Thanh Giản, Hoàng Cao Khải, Trương Vĩnh Ký … hay không? Một câu hỏi mong rằng các Cơ quan hữu trách hãy nhanh chóng làm rõ để lòng dân, lòng cán bộ, đảng viên được yên. Đừng để dân đau lòng thốt lên “xã chúng tôi là xã anh hùng không thể lấy tên của kẻ phản quốc đặt tên đường trên địa bàn xã “. Dân yên thì nước thuận, vận nước đi lên còn ngược lại cần phải nhanh chóng xử lý.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng không bao giờ có cái gọi là yêu nước riêng của mỗi người lại mâu thuẫn với cái yêu nước chung của toàn dân tộc, yêu nước của thời kỳ này là chung tay chống ngoại xâm giành lại độc lập cho đất nước. Với mục tiêu đó có thể lúc đầu nhiều nhà yêu nước tìm chọn con đường, phương pháp khác nhau, song muốn giành thắng lợi thì chỉ có một con đường đoàn kết toàn dân chung một chí hướng tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn mà Đảng ta đã làm được việc đó.

Còn nếu ai cũng cho mình cái quyền đi ngược lại cái chung, con đường chung là đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập tự do cho đất nước thì làm sao cả nước một lòng toàn dân đánh giặc để làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc là đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Ngày nay yêu nước là phải phấn đấu giữ cho đất nước được độc lập, hoà bình, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu có ai yêu nước đi khác mục tiêu đó làm sao cả nước đoàn kết đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu, bốn biển. Không và không bao giờ có cái yêu nước mâu thuẫn lợi ích và mục tiêu với nhau theo kiểu lập luận đó là cổ suý cho sự phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá đất nước ta. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh loại bỏ.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn/ nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam