Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 54 bị can. Dư luận “giật mình”, ngỡ ngàng trước số tiền, số lần nhận hối lộ, cũng như có tới 54 bị can từ thứ trưởng đến phó chủ tịch tỉnh, thành phố, thư ký, trợ lý, cán bộ các bộ.
Từ một chủ trương đầy nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước
Theo kết luận của cơ quan ANĐT, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, việc tổ chức chuyến bay cứu hộ là thực hiện chủ trương nhân đạo, nhân văn thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo hộ công dân. Quy trình được thể hiện như sau: Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế và Giao thông Vận tải có nhiệm vụ tổ chức chuyến bay “giải cứu”; các tỉnh, thành tổ chức cách ly công dân khi về nước. Doanh nghiệp (DN) muốn cấp phép chuyến bay phải xin chủ trương cách ly từ các tỉnh, thành rồi nộp hồ sơ cho Bộ Ngoại giao. Hồ sơ sẽ trình Văn phòng Chính phủ sau khi được tổ công tác của các bộ thẩm định.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành, tỉnh đã móc nối với nhau gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó DN tổ chức chuyến bay. Từ đó, tạo cơ chế XIN – CHO, buộc DN không còn cách nào khác là phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để phục vụ việc “bôi trơn”, đưa hối lộ.
Vụ án liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong và ngoài nước và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dư luận đặc biệt quan tâm vì tính chất, mức độ và phạm vi đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 21 bị can cùng về tội “Nhận hối lộ”, với số tiền 177,3 tỷ đồng, gồm: Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực; Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế – Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka – Nhật Bản; Vũ Ngọc Minh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Angola; Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam…
Bên cạnh đó, cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 23 bị can về tội “Đưa hối lộ”, 4 bị can về tội “Môi giới hối lộ”, 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 01 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Đưa hối lộ”. 01 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đáng chú ý, ngoài nội dung đã làm rõ trong kết luận lần này, cơ quan điều tra cho biết sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm ở giai đoạn tiếp theo của vụ án.
Có thể nói kết quả điều tra cho thấy việc hối lộ – nhận hối lộ trong vụ chuyến bay “giải cứu” là đặc biệt nghiêm trọng. Với nhiều tình tiết bất ngờ như khả năng “làm tiền” thư ký của thứ trưởng hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng hay có người là trợ lý của phó thủ tướng cũng nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng. Vấn đề đặt ra ở đây tại sao thư ký, trợ lý lại có thể nhận hối lộ lớn như thế?
Cần có giải pháp tốt hơn trong công tác cán bộ
Vụ án cho chúng ta thấy đây là “lợi ích nhóm” cực lớn liên kết chặt chẽ với nhau, vi phạm không phải chỉ ở một nơi, đơn vị mà từ các bộ, cơ quan trung ương đến địa phương và có sự móc nối cả trong nước và nước ngoài, cả khu vực công lẫn tư.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi tại sao một việc tiêu cực lại có thể thống nhất, phối hợp với nhau nhanh như vậy ở các cấp và cơ quan khác nhau? Đây là do vấn đề lợi ích quá lớn, quá dễ. Đồng thời, đây cũng chính là kẽ hở trong công tác cán bộ, công tác quản lý và những người có trách nhiệm cần suy nghĩ rút ra bài học để có hướng xử lý, bịt kẽ hở này.
Những vi phạm cho thấy họ đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, đặc biệt lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19, khi mà cả nước ngày đêm, huy động tối đa, sức người và của cải để gồng mình chống dịch, thậm chí giành giật từng mạng sống cho người dân. Vì lòng tham, bất chấp đạo đức công vụ, trước cơ chế “kiếm tiền” dễ dàng nên các nhóm lợi ích đã câu kết với nhau, bỏ đi cả danh dự, liêm sỉ để trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của người dân, đất nước. Họ đã lợi dụng chuyến bay nhân đạo để lừa đảo kiếm tiền những người mong mỏi được trở về quê hương, kể cả dù chết cũng phải về trong lúc cả thế giới đang bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Sự lợi dụng, trục lợi trong bối cảnh như vậy là không thể chấp nhận được và cùng với pháp luật xử lý nghiêm thì về mặt đạo đức con người cũng phải kịch liệt lên án, phê phán. Họ đã làm méo mó, mất đi chủ trương đúng đắn, nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực, mất niềm tin trong nhân dân và xã hội.
Họ có sự cấu kết, bố trí, cài đặt các hoạt động khá tinh vi từ khâu phát hiện nhu cầu, trình, duyệt, quá trình tổ chức từ bộ nọ, ngành kia, tới các công ty tư nhân… Các cán bộ của nhiều cơ quan, ngành, địa phương móc nối với nhau thành chuỗi, mắt xích kín kẽ, để tổ chức hàng ngàn chuyến bay.
Từ vụ án này cho thấy họ “ăn không từ cái gì của dân” chia chác trục lợi, nhận hối lộ trong thời gian ngắn cả trăm tỉ đồng trên sự đau khổ, nỗi sợ hãi, thậm chí sự tuyệt vọng của người dân đang chới với trước đại dịch COVD – 19. Những hành vi đó là tội lỗi cần lên án và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.
Dư luận xã hội cho rằng những hành vi phạm tội trong vụ án này cần áp dụng tình tiết tăng nặng là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Theo quan điểm “mất một người nhưng cảnh tỉnh cả xã hội”, còn nếu không thì nhiều người vẫn chưa biết sợ, vẫn tham nhũng, trục lợi.
Trong vụ án này cũng như nhiều vụ án khác cho thấy điều quan trọng cần đi tìm nguyên nhân, đề ra các giải pháp, biện pháp để người ta không thể, không dám làm sai. Có thể nói qua các vụ án trong đó có vụ án này thì vấn đề cốt tử vẫn là cán bộ. Công tác cán bộ, quản lý, bố trí, sắp xếp, giám sát cán bộ vẫn là mấu chốt.
Qua đây cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, rèn luyện cán bộ có bản lĩnh chính trị trước cám dỗ tiền bạc, không suy thoái về đạo đức lối sống, làm việc gì cũng phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Vụ án chuyến bay “giải cứu” ngoài chuyện nguyên tắc, pháp luật còn yếu tốt rất quan trọng đó là đạo đức, tình người, đứng trước lỗi đau của đồng bào cán bộ phải xúc động để giúp đỡ họ bằng tất cả những gì có thể nhưng họ lại không làm như vậy mà cấu kết với nhau để ăn tiền. Đây là bài học sâu sắc cho công tác cán bộ và cần phải thanh lọc đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại các cán bộ quản lý làm công việc ở khu vực dễ tham nhũng. Phải rà soát, thanh tra, kiểm tra, có cơ chế kiểm soát chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng.
Có thể nói đây là mất mát rất lớn của đất nước trong đó có mất mát cán bộ, những cán bộ được đào tạo rèn luyện và trưởng thành lên đến thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh thành phố, cục trưởng, đại sứ…là điều này rất đáng tiếc. Đây là bài học đắt giá trong công tác cán bộ, cũng như việc lựa chọn, sử dụng, quản lý cán bộ thời gian qua. Đồng thời mỗi cán bộ cũng không ngừng thường xuyên tự rèn luyện, trau rồi bản lĩnh chính trị, có đạo đức lối sống trong sáng trước cám dỗ của tiền bạc.
Hoàng Hạnh/nguồn Báo ĐCSVN
Bài viết quan tâm: Loại bỏ những con “hải âu” trên con tàu cách mạng Việt Nam