Thứ Tư, Tháng Bảy 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

“Từ Hanbok nghĩ về áo dài Việt – con đường trở thành sản phẩm sáng tạo và công nghiệp hóa”

ĐNA -

(Huế). Trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024, tối ngày 26/6/2024, tại sân khấu quảng trường Phu Văn lâu – Nghênh Lương Đình, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp cùng Công ty tổ chức sự kiện VKStar tổ chức chương trình nghệ thuật Áo dài và Hanbok. Đây là một sự kiện văn hóa đặc biệt nhằm quảng bá  tôn vinh Áo dài Việt Nam và Hanbok của Hàn Quốc, hai loại trang phục được xem là Quốc phục của 2 đất nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Chương trình được tổ chức hoành tráng, đặc sắc và rất thành công với sự hưởng ứng của đông đảo du khách và nhân dân địa phương. Nhân sự kiện này, Tạp chí Đông Nam Á đăng tải bài viết “Từ Hanbok nghĩ về áo dài Việt – con đường trở thành sản phẩm sáng tạo và công nghiệp hóa” của TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế suy nghĩ về quốc phục Áo dài Việt Nam và Hàn phục (Hanbok) của Hàn Quốc.

Chương trình nghệ thuật Áo dài và Hanbok.

Đầu tháng 8/2023, tôi nhận được thông tin từ Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc về việc Hiệp hội mong muốn trao đổi và thiết lập quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Hiệp hội với Thừa Thiên Huế để cùng thúc đấy việc quảng bá loại hình trang phục đặc trưng của hai nước là Hanbok (Hàn phục) Hàn quốc và áo dài Việt Nam. Đây là tin rất vui vì phù hợp với mục tiêu của đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam cũng như mong muốn của rất nhiều người. Ngay sau đó ông Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc Park Kyoungchul và bà An yousun đã bay đến Huế để tham dự đêm dạ tiệc Áo dài Phong Y Yến được tổ chức vào ngày 4/8/2023, một hoạt động song hành của hội thảo quốc tế Kết nối với Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề: “Sống cùng di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và thế giới”. Đêm dạ tiệc Phong Y Yến thành công rực rỡ, đem lại những cảm xúc rất đặc biệt cho các đại biểu và du khách; còn ông Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc càng thể hiện quyết tâm hợp tác với Huế tại buổi làm việc với Sở Văn hóa & Thể thao. Theo ông, đã đến lúc chín muồi để hai bên phối hợp cùng nhau đưa Hanbok và Áo dài trở thành biểu trưng quốc gia và là sản phẩm văn hóa sáng tạo của mỗi nước.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao đón các đại biểu phía Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc với Hanbok 
Theo lời mời của Hiệp hội xúc tiến di sản văn hóa Hàn Quốc, tôi có chuyến đi ngắn đến thủ đô Seoul để tham dự Lễ khai mạc triển lãm và trao giải thưởng hanbok 2023 (Hanbok Expo & 2023’s Hanbok Awards), đây là sự kiện về hanbok lớn nhất trong năm của nước bạn. Tận mắt chứng kiến lễ Khai mạc và tìm hiểu các hoạt động của Triển lãm hanbok 2023, tôi thực sự rất bất ngờ và ấn tượng về cách làm bài bản, chuyên nghiệp của các đồng nghiệp Hàn Quốc.

Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao và các đại biểu phía Hàn Quốc

Triển lãm Hanbok 2023 thu hút hơn 100 công ty chuyên thiết kế loại hình trang phục này và các phụ kiện liên quan tham gia. Họ mang đến triển lãm các sản phẩm hết sức đa dạng: Hanbok kiểu truyền thống, kiểu cách tân pha trộn truyền thống, kiểu cách tân hiện đại, các phụ kiện như mũ, khăn, giày dép, túi đeo, túi xách tay, trâm, kẹp cài tóc, đuôi tóc giả…và cả các loại vải dệt bằng phương pháp truyền thống cùng công nghệ chết tác và dệt sợi để tạo nên các loại vải. Các sản phẩm này dành cho cả hai giới nam và nữ, từ người trẻ em, thanh niên, trung niên cho đến người lớn tuổi. Đặc biệt có cả các sản phẩm hanbok dành cho các thú cưng (pet) như mèo, chó, thỏ, cừu… Trong thời gian 4 ngày diễn ra triển lãm có rất nhiều hoạt động phong phú liên quan đến việc thiết kế, giới thiệu và quảng bá hanbok. Ngay tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng thiết kế sáng tạo cho các nhà thiết kết đạt giải cao của năm kèm theo số hiện kim khá lớn (1 giải Nhất 10 triệu won, 1 giải Nhì mỗi giải 7 triệu won, 2 giải Ba mỗi giải 5 triệu won và 5 giải khuyến khích, mỗi giải 2 triệu won)…Qua cuộc triển lãm có thể nhận ra một số điểm nổi bật sau:

Trình diễn Hàn phục (Hanbok)

Thứ nhất là, Hàn Quốc đã xây dựng một niềm tự hào đặc biệt đối với hanbok, loại hình trang phục mà họ luôn xem là quốc phục của người Hàn. Để xây dựng niềm tự hào này họ đã làm một cách rất bài bản, bằng rất nhiều phương pháp khác nhau, từ việc tổ chức các cuộc thi thiết kế hanbok, triển lãm quy mô lớn (Hanbok Expo), sử dụng điện ảnh, âm nhạc (K-Pop), đưa vào giáo dục truyền thống, quảng bá du lịch… nên dù ít sử dụng hanbok trong cuộc sống thường nhật hơn người Việt sử dụng áo dài nhưng hanbok lại tạo dựng được một thương hiệu rất nổi tiếng và đã trở thành hình ảnh/thương hiệu đại diện của Hàn Quốc trên trường quốc tế.

Thứ hai là, chính quyền Hàn Quốc hiểu rất rõ giá trị thương hiệu hanbok và họ luôn có sự hỗ trợ tích cực cho công cuộc phục hồi loại hình trang phục này, đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu và quảng bá hanbok. Trong lễ khai mạc và trao giải hanbok 2023, bài phát biểu của bà Vụ trưởng Vụ chính sách của Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc thể hiện rất rõ điều này. Theo bà Vụ trưởng, Chính phủ Hàn Quốc rất khuyến khích và luôn đồng hành cùng các nhà thiết kế, đội ngũ nghệ nhân trong công cuộc phát triển hanbok, luôn xem hanbok là một sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc thù, là thương hiệu quốc gia, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của đất nước Hàn Quốc trên trường quốc tế.

Thứ ba là, Hàn Quốc rất quan tâm đến việc cách tân hanbok và lôi kéo, tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia vào việc tìm hiểu, thiết kế sáng tạo các loại hanbok mới để phù hợp với xã hội đương đại. Hanbok đã thực sự trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo. Bài phát biểu của ông Giám đốc trung tâm bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống Hàn Quốc thể hiện rõ điều đó, và minh chứng cụ thể là cả 9 người nhận giải thưởng về thiết kế hanbok tại Lễ khai mạc và trao giải hanbok đều là những người trẻ, trong đó phần lớn là các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh ở các trường mỹ thuật, công nghệ. Hanbok đã trở thành niềm tự hào và nguồn tạo cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, và vì vậy, hanbok sẽ gắn liền với tương lai của Hàn Quốc.

Và cuối cùng là là việc áp dụng công nghệ để hỗ trợ một cách toàn diện cho công cuộc phục hồi và lan tỏa hanbok. Hầu như mọi công đoạn của quá trình tạo tác nên hanbok đã được số hóa và quảng bá bằng công nghệ số. Đây là thế mạnh của Hàn Quốc và họ đã tận dụng lợi thế về công nghệ của mình để thực hiện điều này một cách hoàn hảo.

Trình diễn Áo dài Việt

Từ Hanbok nghĩ về Áo dài Việt
Áo dài cũng là một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt dân tộc (Việt Nam là đất nước của Hồn sen, nón lá và Áo dài- Thủ tướng Phạm Minh Chính) . Nhưng để áo dài thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo- công nghiệp văn hóa thì có lẽ chúng ta còn phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều. Và những gì mà người Hàn Quốc đã làm cho hanbok chính là một trong những bài học quý giá mà chúng ta cần tham khảo.

Theo tôi, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta hoàn toàn có thể làm một số việc để phục hưng và phát triển mạnh mẽ áo dài, và hơn thế, có thể đưa Áo dài trở thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa, đó là:

Chính thức công nhận và vinh danh áo dài với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc, mà trước hết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa Áo dài vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với một số tiêu chí nổi bật. Việc lập hồ sơ trình Bộ sẽ do các địa phương thực hiện. Đầu năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình hồ sơ lên Cục Di sản Văn hóa để đề nghị ghi danh Áo dài với hai tiêu chí: Nghề may đo áo dài ngũ thân và tập quán sử dụng áo dài của người Huế. Một số địa phương khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng có thể xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ghi danh Áo dài vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia với một số tiêu chí khác như sản xuất nguyên liệu cho áo dài truyền thống, chế tác các phụ kiện liên quan đến áo dài, lễ hội áo dài…

Về lâu dài, hoàn toàn có thể lập hồ sơ Áo dài với một số tiêu chí đặc trưng, nổi bật để đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản phi vật thể đại diện. Nhưng trước hết, chúng ta cần chính thức vinh danh áo dài trong phạm vi quốc gia. Cũng cần nói thêm, vấn đề vinh danh áo dài đã được một số nhà nghiên cứu và cộng đồng quan tâm từ rất lâu. Ngày 15/10/2022, trả lời bà Nguyễn Thị Hạnh, giám đốc công ty TNHH SH Thừa Thiên Huế về việc đề nghị nhà nước vinh danh áo dài, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để ghi danh áo dài Việt Nam vào Danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia . Nhưng có lẽ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trước hết là Cục Di sản Văn hóa có lẽ chưa có sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề này.

Cần thể chế hóa việc hỗ trợ để phát triển, lan tỏa áo dài bằng những chính sách chung của nhà nước chứ không chỉ “nhắc” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ việc ghi danh Áo dài, hay để các địa phương tự nghiên cứu, ban hành các chính sách riêng.

Trường hợp tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành và triển khai đề án Huế kinh đô Áo dài Việt Nam (từ ngày 30/3/2023) với những mục tiêu rất cụ thể, phục vụ cho việc phát triển bền vững của địa phương đã được đánh giá là “một mô hình văn hóa tiêu biểu” và rất đáng biểu dương, nhưng rất cần một chính sách chung ở tầm quốc gia cho việc phục hưng và phát triển áo dài.

Cần phải xem Áo dài là một di sản quý, là một thương hiệu quốc gia tiêu biểu như cách người Hàn Quốc đã làm với Hanbok, từ đó giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển, quảng bá áo dài, như chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân may đo áo dài; chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu và nội địa hóa các nguồn nguyên liệu liên quan đến áo dài; thường xuyên tổ chức các triển lãm sản phẩm (Expo) về áo dài và các phụ kiện liên quan ở phạm vi quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh “ngoại giao áo dài”; tổ chức thường xuyên các cuộc thi thiết kế và trình diễn áo dài tại các địa phương và ở tầm quốc gia; nghiên cứu phát triển mở rộng “không gian sống” cho áo dài, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển áo dài trong trường học và cho giới trẻ nhằm mở rộng thị trường và thúc đẩy nhu cầu về áo dài..vv.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng cần sửa đổi quy định về lễ phục dành cho công chức nhà nước để tạo điều kiện phát triển áo dài trong cả hai giới Nam và Nữ.

Cần tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị xã hội và xã hội dân sự như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các câu lạc bộ áo dài… đẩy mạnh việc nghiên cứu, phục hưng, phát triển và lan tỏa áo dài một cách rộng rãi trong toàn xã hội.

Cần khuyến khích để nhân rộng các mô hình nghiên cứu, trải nghiệm, phát triển và lan tỏa áo dài đã đạt được những thành công và có uy tín, thương hiệu trong xã hội. Bên cạnh những nhà thiết kế, những công ty nổi tiếng thì phải quan tâm đến các mô hình tổ chức hoạt động áo dài cộng đồng, nhất là trong giới trẻ như câu lạc bộ Đình Làng Việt, ngày hội Bách Hoa Khánh Hội, ngày hội Tóc Xanh Vạt Áo…

Nhà nước cần có chính sách tích cực hỗ trợ cho công tác tuyên truyền quảng bá về áo dài, có sự định hướng để xây dựng áo dài trở thành thương hiệu quốc gia. Chính phủ nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tái khởi động đề án Lễ phục nhà nước và xem Áo dài truyền thống là đề bài bắt buộc để các nhà thiết kế nghiên cứu, đề xuất các mẫu mã phù hợp cho lễ phục nhà nước.

Cần có chính sách hỗ trợ để số hóa và ứng dụng công nghệ cho việc lưu giữ, bảo tồn, phát triển và quảng bá áo dài một cách đồng bộ và toàn diện như cách Hàn Quốc đã áp dụng đối với Hanbok.

Một sự kiện văn hóa đặc biệt nhằm quảng bá  tôn vinh Áo dài Việt Nam và Hanbok của Hàn Quốc

Là hai quốc gia nằm ở vùng Đông Á, cùng chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của văn hóa Nho giáo và có nhiều điểm tương đồng, Hàn Quốc và Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác, cùng phát triển, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, di sản. Hiện tại, Bộ Văn hóa và Du lịch của hai nước đã có những thỏa thuận và ký hiệp định khung về hợp tác, trao đổi văn hóa, đó là những điều kiện cơ bản hết sức thuận lợi để các địa phương, các ngành tham gia vào các dự án hợp tác, phát triển về văn hóa, di sản và du lịch.

Riêng về Hanbok, Hàn Quốc đã có những bước tiến rất xa để đưa loại hình trang phục truyền thống này thực sự trở thành một thương hiệu quốc gia, một sản phẩm tiêu biểu của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Vì vậy, Việt Nam rất cần nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm quý của bạn cho công cuộc phục hưng, phát triển Áo dài, để nhanh chóng biến Áo dài trở thành một sản phẩm tương tự như Hanbok.

Thật vui là chính phía Hàn Quốc đã đưa ra lời đề nghị hợp tác để Hanbok và Áo dài cùng đồng hành và phát triển. Một cơ hội vàng đang đến. Thành bại như thế nào có lẽ chỉ còn là ở phía chúng ta quyết định mà thôi!

TS. Phan Thanh Hải