Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Từ sản vật bình dân đến nghệ thuật ẩm thực Việt và sản phẩm du lịch văn hóa

ĐNA -

(Đà Nẵng). Mới đây, ngày 21/6/2024, ngành Du lịch 3 địa phương Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã có chương trình giới thiệu chủ đề “Miền Di sản Diệu kỳ – Amazing Central Vietnam Heritage” đến thị trường Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc).

 Những sản phẩm du lịch đặc trưng của 3 địa phương, được ưu tiên “chào mời”, gồm các chương trình sự kiện, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE, golf, du lịch cưới, mua sắm, spa, và du lịch văn hoá, ẩm thực.

Chương trình giới thiệu chủ đề “Miền Di sản Diệu kỳ” tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc, ảnh bên trái). Một tinh hoa ẩm thực Việt (ảnh bên phải) được giới thiệu tại “Hương biển Đà” – Phong vị Việt”. Ảnh: TTXTDL Đà Nẵng gửi về từ Đài Loan và Lê Văn Tín.

“Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón gần 530.000 lượt khách từ vùng lãnh thổ Đài Loan, tăng 110,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khoảng 45% du khách đến các điểm du lịch miền Trung như Huế, Hội An, Đà Nẵng…”, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết.

Du lịch văn hoá, với thế mạnh ẩm thực Việt càng lúc càng khẳng định vai trò, vị trí của một sản phẩm “có bản sắc riêng”.

Trình diễn ẩm thực: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
Nối tiếp Gala trải nghiệm văn hóa ẩm thực màu Xuân (vào tháng 3/2024 vừa qua với chủ đề Cội nguồn Việt – Nghệ nhân di sản Việt),  chương trình Gala trải nghiệm văn hóa ẩm thực mùa Hè “Hương biển Đà” – Phong vị Việt” tại Furama Resort Đà Nẵng vừa diễn ra hôm 19/6/2024.

 Đây là những hoạt động trong chuỗi sự kiện “Hành trình Văn hóa Ẩm thực Việt”, được ghi nhận là sản phẩm du lịch mới, góp phần quảng bá cho một điểm đến (cơ sở du lịch tổ chức sự kiện), đặc biệt thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

“Sự kiện lần được tổ chức ngay trên bãi biển Đà Nẵng xinh đẹp. Không gian sự kiện biển, trang trí theo chủ đề đại dương, và cả màn công diễn ẩm thực xuất sắc của các Nghệ nhân ẩm thực khách mời,… Tất cả đã thu hút sự quan tâm của du khách yêu mến ẩm thực địa phương”, Ông Andre Pierre Gentzsch – Tổng Giám đốc vận hành Quần thể du lịch Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng cho biết.

Ông Andre Pierre Gentzsch – Tổng Giám đốc vận hành Quần thể du lịch Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng, giới thiệu sách quý “Ẩm thực Việt”. Sách tập hợp những câu chuyện hay, giới thiệu ẩm thực, công thức nấu các món ăn, được biên soạn bởi đội ngũ tâm huyết, nặng lòng với phong vị quê hương của Furama Resort Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.

“Đầu tư và tổ chức các sự kiện ẩm thực kết hợp quảng bá tiềm năng về sản vật địa phương ; đưa các hoạt động trải nghiệm văn hóa như học nấu ăn, tham quan làng nghề, hay lồng vào hài hòa biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu các tinh hoa bản sắc văn hóa, luôn là một trong những cách hiệu quả để thu hút du khách.

Chiến lược phát triển kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và ẩm thực, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sức hút đặc biệt cho điểm đến Đà Nẵng trong lòng du khách trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Đức Quỳnh – Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng nhìn nhận.

Sản vật bình dân làm nên nghệ thuật ẩm thực Việt
Tại Gala trải nghiệm văn hóa ẩm thực mùa Hè, song song với hoạt động chính là công diễn ẩm thực, Ban tổ chức đã quảng bá, trưng bày sản vật của các địa phương như nông sản xã Hòa Bắc, nước mắm Nam Ô, Đà Nẵng (Đà Nẵng); nông sản Tây Giang (Quảng Nam) và Sâm Bố Chính (A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

“Một trong những nội dung rất có ý nghĩa của hành trình văn hóa ẩm thực Việt tại Furama Resort Đà Nẵng, chính là hỗ trợ, đồng hành quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.

Chúng tôi muốn nói với thực khách rằng, đây là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam, Tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ được cung ứng như nguyên liệu vào cho dịch vụ ẩm thực tại các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng tạo ra giá trị món ăn, … Mà đặc biệt hơn, chúng tôi đang góp phần xây dựng nền tảng, để sản phẩm OCOP Việt Nam, vươn xa ra thế giới” – Nhà Nghiên cứu văn hóa ẩm thực, Phó Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương, đồng thời cũng là Cố vấn trưởng chuỗi sự kiện “Hành trình Văn hóa Ẩm thực Việt”, ông Lê Tân, chia sẻ.

Nông sản Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam được trưng bày giới thiệu tại “Hương biển Đà” – Phong vị Việt” hôm 19/6/2024.Ảnh: Lê Văn Tín.

Điều ít ai biết, là lâu nay, Furama Resort Đà Nẵng vẫn thường xuyên “nhập khẩu” nhiều nông sản, sản phẩm để phục vụ thực khách trong các bữa ăn, buổi tiệc của một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Từ củ Sâm Bố Chính, đến bầu bí, tiêu rừng (Nông sản của Tây Giang), nhiều sản vật của Hòa Bắc (Đà Nẵng) và đặc biệt không thể thiếu nước mắm Nam Ô – loại nước chấm có tuổi đời hàng trăn năm, từng đưa vào danh sách sản vật tiến Vua.  Nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), từ năm 2019, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể.

Những sản vật bình dị của nhà vườn, loại nước chấm dân giã, qua bàn tay tài hoa và ý tưởng chế biến sáng tạo của các nghệ nhân, phút chốc, trở thành món ăn tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực Việt.

4 mùa, 4 chủ đề giao lưu văn hóa ẩm thực
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Siêu Đầu bếp thế giới tại Việt Nam – ông Lê Xuân Tâm, hành trình văn hóa ẩm thực Việt được tổ chức tại Furama Resort Đà Nẵng là một chuỗi sự kiện có sự đầu tư, lên kế hoạch chỉnh chu và được cố vấn chi tiết, đầy giá trị từ Ban cố vấn.

Với sự quy tụ của những Master chef hàng đầu Việt Nam, những người có vai trò và sức ảnh hưởng to lớn đến ngành ẩm thực không chỉ của Việt Nam mà còn cả trên thế giới, sự kiện góp phần rất lớn trong thu hút du khách, công chúng, mang lại tiếng vang đối với giới yêu mến ẩm thực tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh (thứ hai, từ trái sang)-Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng tri ân 4 “Master chef” hàng đầu Việt Nam và Nhà Nghiên cứu ông Lê Tân. Ảnh: Lê Văn Tín..

Gala lần này có sự góp mặt của 4 “Master Chef” hàng đầu Việt Nam: Doãn Văn Tuấn, Đỗ Ngọc Công, Nguyễn Danh Hinh và Lê Xuân Tâm. Các đầu bếp tài ba đã trình diễn những kỹ thuật nấu ăn điêu luyện và sáng tạo, giới thiệu những món ăn đặc sắc và độc đáo, gắn liền câu chuyện văn hóa.

Tôi cho rằng, đây sẽ là một điểm sáng trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới, và là tiền đề để mở ra thêm nhiều chương trình quảng bá du lịch Việt Nam, thông qua các sự kiện giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các nước” – ông Lê Xuân Tâm khẳng định.

Gala trải nghiệm văn hóa ẩm thực mùa Hè “Hương biển Đà” – Phong vị Việt” thực sự đã mang đến một không gian ẩm thực đậm chất biển Đà Nẵng, hòa quyện trong phong vị truyền thống Việt Nam, mang đến nhiều trải nghiệm ẩm thực khác biệt.

Nghệ nhân ẩm thực Lê Xuân Tâm giới thiệu một tinh hoa ẩm thực Việt. Ảnh: Lê Văn Tín.

“Ẩm thực là một thành tố quan trọng để cấu thành sản phẩm dịch vụ du lịch, trong xu thế món ăn địa phương đang được ưa thích, thì ẩm thực bản địa đóng vai trò chính, và vô cùng cần thiết, là xứ giả quảng bá cho cơ sở du lịch và phát triển du lịch của thành phố” – ông Đỗ Ngọc Công – Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hải Phòng chia sẻ.

Ông Nguyễn Danh Hinh – Phó Chủ tịch của Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam (VC) cũng có chung nhìn nhận: Đây là sự kiện rất có sức hút và có ý nghĩa rất tốt trong ngành ẩm thực Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Chuỗi sự kiện “Hành trình Văn hóa Ẩm thực Việt” sẽ đi tiếp quãng đường còn lại của năm 2024, vào Quý 3 sẽ là chủ đề “Mùa Thu – Đồng vọng Phù sa”; Quý 4 “Mùa Đông: Tết Việt, Tết Furama”./.

Biểu diễn nghệ thuật dân tộc làm đậm nét thêm sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực. Ảnh: T.Ngọc – L.V.Tín.

Trần Ngọc