Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Từ thành Điện Hải đến Tòa Đốc lý: Bảo tàng Đà Nẵng mới có gì mới?

ĐNA -

(Đà Nẵng). 2025 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, trong đó, có cột mốc kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025). Với Đà Nẵng, ngoài kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố (29/3/1975 – 29/3/2025), còn có sự kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố. Đặc biệt, trước ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, sẽ là sự kiện kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ Đà Nẵng (28/3/1930 – 28/3/2025).

Bảo tàng Đà Nẵng mới (hiện hữu tại vị trí 42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú), dự kiến, sẽ đi vào hoạt động trong chuỗi các sự kiện chào mừng cột mốc 50 năm, trở thành “công trình chào mừng” rất đặc biệt, vừa mang tính lịch sử, vừa là dấu ấn văn hóa của một Đà Nẵng đương đại. Cùng với di tích quốc gia cấp đặc biệt Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng trở thành những điểm nhấn quan trọng trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố, trên nền của tiến trình lịch sử từ giai đoạn trung đại, cuối thế kỉ XIX, đến cận hiện đại, và hiện đại.

Bảo tàng Đà Nẵng mới đặt tại tòa nhà số 42 (ảnh trái) và số 44 đường Bạch Đằng. Ảnh: Mai Quang Hiển – T.Ngọc

Bảo tàng Đà Nẵng mới có gì mới?
Đây là quan tâm của đông đảo người dân, người con thành phố biển, và những ai mặn nồng một tình yêu Đà Nẵng. Hẳn nhiên, những du khách đến Đà Nẵng vào năm 2025, cũng có câu hỏi: Bảo tàng Đà Nẵng mới có gì mới ?

“Di dời từ Thành Điện Hải sang địa điểm mới, là cơ hội để Bảo tàng Đà Nẵng đổi mới trưng bày cả về quy mô lẫn nội dung, cập nhật những quan điểm, kỹ thuật mới của Việt Nam và thế giới về khoa học trưng bày. Từ đó, đưa Bảo tàng Đà Nẵng trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí. Là điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể khu quảng trường văn hóa, lịch sử ven sông Hàn. Bảo tàng Đà Nẵng ngày mai xứng tầm là một điểm đến có chiều sâu, hội đủ nhiều yếu tố của một bảo tàng hiện đại”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ.

Và ngay ở phần dạo đầu, nghĩa là đi vào không gian khánh tiết, rồi bắt đầu di chuyển, để đến với không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, trong thời gian di chuyển (bằng cầu thang cuốn), khách tham quan sẽ nghe những âm thanh, lời ca tiếng hát về một Đà Nẵng an bình, đáng sống. Có cả tiếng sóng biển, thanh âm từ tự nhiên, và âm thanh cuộc sống thường nhật của Đà Nẵng. “Chi tiết này đã là cái mới lạ…”, ông Thiện nhấn mạnh.

Không gian mở đầu, điểm “phải” dừng chân đầu tiên để xem của khách chính là “bức tường ảnh” thể hiện các bối cảnh và câu chuyện có tính tổng quan về Đà Nẵng trong chiều dài lịch sử miền Trung và cả nước, từ quá khứ đến hiện tại. Giúp người xem nhanh chóng nắm bắt tổng thể về Đà Nẵng qua những dấu mốc, dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng và nổi bật về mảnh đất và con người nơi đây.

Thi công hoàn thiện “bức tường ảnh” tại Bảo tàng Đà Nẵng mới.-Ảnh: T.Ngọc.

Thông điệp được truyền đi ngắn gọn, qua giải pháp trưng bày sáng tạo, hiện đại. Bên cạnh hình ảnh, có cả những trailer video ngắn, nhưng ấn tượng và sinh động, đủ để “khách phải chậm chân, rồi dừng lại xem phim tư liệu, tương tác”. Chính từ đây, những tò mò qua cảm nhận bước đầu, đã khơi gợi cho khách tham quan bắt đầu muốn khám phá Đà Nẵng sâu hơn, kỹ hơn ở các không gian trưng bày tiếp theo của Bảo tàng, với khá nhiều nội dung mới, lần đầu được giới thiệu: Lịch sử đô thị Đà Nẵng (phần IV), Tòa Thị Chính (tức không gian của Bảo tàng mới, phần IX), Đà Nẵng thời bao cấp (phần 7.1.1), hay những bộ sưu tập cổ vật tư nhân (do chính các nhà sưu tập mở lòng cho mượn để trưng bày).

Hội đồng cấp thành phố trong một phiên họp thẩm định xét chọn hiện vật. Người đầu tiên bên trái ảnh là ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng. Người đứng hàng sau, thứ hai từ phải sang là bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định hiện vật bảo tàng cùng các chuyên gia, chuyên viên Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Chuẩn.

Đặc trưng và bản sắc văn hóa “đậm chất Đà Nẵng”
Các cán bộ có trách nhiệm trực tiếp, đến lãnh đạo bảo tàng, rồi Hội đồng khoa học, đã đặc biệt lưu ý rằng: Nội dung trưng bày vừa thể hiện được cụ thể, sinh động truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời của Đà Nẵng, vừa đặc biệt nhấn mạnh những nội dung lịch sử, văn hóa làm nên “Đặc trưng, bản sắc văn hóa của Đà Nẵng và khu vực miền Trung, Tây Nguyên”. Bao hàm cả đời sống kinh tế và sinh hoạt đời thường của các tầng lớp cư dân Đà Nẵng qua mỗi thời kỳ lịch sử; văn hoá của cộng đồng các cư dân và các dân tộc cộng cư và cận cư của Đà Nẵng.

Trong đó, các dấu mốc lịch sử quan trọng được xác định là sự kiện năm 1306, khi Đà Nẵng trở thành một vùng đất thuộc quốc gia Đại Việt của nhà Trần, sau đó là vai trò của thương cảng Đà Nẵng dưới thời nhà Nguyễn, sự kiện Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860). Nội dung không thể thiếu, “chủ điểm son” là xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Để làm nổi bật, thu hút sự chú ý của công chúng, với hành trình lịch sử phát triển xã hội ở Đà Nẵng, không gian trưng bày có những điểm nhấn về đặc điểm địa lý và lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng, một vùng đất giữ vị trí trọng yếu cả về kinh tế, lẫn quốc phòng. Đó là đô thị có cửa ngõ hướng Đông, có cảng biển lớn nằm ở trung độ đất nước. Lấy văn hóa miền biển duyên hải Trung bộ làm trọng tâm, làm nổi bật văn hóa biển của Đà Nẵng.

“Trong không gian trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng trước đây (và tin rằng, ở Bảo tàng mới, càng đậm chất BIỂN), tôi rất ấn tượng với không gian văn hoá biển và văn hoá các làng nghề truyền thống tại Đà Nẵng. Là một thành phố biển, văn hoá Đà Nẵng có hợp phần quan trọng từ thành tố BIỂN, cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. Khu trưng bày về văn hoá biển với phần tái hiện nghi thức cúng tế trong lễ hội cầu ngư, các ngư lưới cụ, tri thức dân gian về nghề biển đã tái hiện sự sinh động của văn hoá miền biển, chứa đựng nhiều tri thức về biển thú vị.

Qua đó cũng góp phần lan toả tình yêu biển đảo và giáo dục ý thức về chủ quyền biển đảo quê hương. Khu vực trưng bày về làng nghề truyền thống rất sinh động với khu vực trưng bày của làng nghề nước mắm Nam Ô, làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng nghề bánh tráng Tuý Loan… những di sản phi vật thể quốc gia của Đà Nẵng, góp phần tôn vinh sức sáng tạo và bàn tay lao động của người Đà Nẵng”, ThS. NCS Tăng Chánh Tín – Giảng viên Khoa Lịch sử; Phó Bí thư Đoàn Trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, chia sẻ.

Những dấu ấn lịch sử, các đặc trưng, bản sắc văn hóa của Đà Nẵng là nội dung được trưng bày thường xuyên, bắt đầu từ đặc trưng về thiên nhiên và con người Đà Nẵng; những cột mốc đặc biệt trong tiến trình phát triển của đô thị Đà Nẵng (cho đến trước năm 1975). Đặc biệt là Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, Đà Nẵng chống Pháp – Đà Nẵng đánh Mỹ và chứng tích của chiến tranh. Cuối cùng là Đà Nẵng của thời kỳ tái thiết, xây dựng, hội nhập và phát triển.

Trưng bày về làng nghề truyền thống: Làng nghề nước mắm Nam Ô, làng đá mỹ nghệ Non Nước, … Ảnh: T.Ngọc.

Tìm về nguồn cội, lắng lòng với “Đà Nẵng thời tiền – sơ sử”.
Bảo tàng Đà Nẵng mới, sẽ “kể” những câu chuyện từ khởi thủy (Đà Nẵng thời tiền – sơ sử) đến quá trình hình thành vùng đất xứ Quảng. Và một trong những điểm nhấn tại Bảo tàng Đà Nẵng mới, chính là nội dung trưng bày “Sưu tập đồ gốm” thuộc phần “Đà Nẵng tiền-sơ sử”. Đồ gốm này là hiện vật tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ học Văn hóa Sa Huỳnh khá đa dạng như nồi, bát, bình con tiện, chậu, vò, mộ nồi, vv…

“Trong số những nội dung trưng bày tại Bảo tàng, bản thân tôi thích nhất bộ sưu tập ấn tượng này, bởi qua những hiện vật, có thể thấy người Sa Huỳnh cổ rất khéo tay và có mỹ cảm tuyệt vời. Đồ gốm gia dụng đều được tạo dáng cân đối, hoa văn trang trí khá phong phú, sinh động với kỹ thuật khắc vạch, in vỏ sò, tô ánh chì đen… thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu xúc cảm. Trong gốm Sa Huỳnh, các đồ đựng như bát, bình có chân đế, có thân gãy ở vai hay đáy chiếm tỷ lệ lớn. Hoa văn trang trí thường gặp là hoa văn chữ S có đệm tam giác, những đường chấm hay đường in dấu răng vỏ sò. Hiện vật gốm cũng là đồ tùy táng phổ biến trong các mộ chum của cư dân Sa Huỳnh.

Tất cả gợi về một vùng đất, một thời kỳ dung chứa nhiều câu chuyện của người xưa, vọng lên điệu ngữ của cả một thời đồ đá, đồ đồng khởi nguyên của nền văn hóa vĩ đại sau này, khiến nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ và đi tìm những lời giải trên những hiện vật đang hiện hữu và cả những di vật đang nằm sâu trong lòng đất.

Nội dung “Dấu ấn văn hóa Chăm ở Đà Nẵng” cũng là mảng trưng bày mới, ấn tượng so với nội dung trưng bày cũ, đặc biệt là những hình ảnh trong danh mục liên quan đến Giếng cổ và các hiện vật thể hiện đời sống văn hóa của người Chăm (Chủ đề này khác so với nội dung trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà nẵng). Trong giai đoạn phát triển hưng thịnh, người Chăm xưa tại vùng đất Đà Nẵng, đã thể hiện kỹ năng bậc thầy trong tìm kiếm các mạch ngầm nước ngọt, và khai thác, xây thành các giếng Chăm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và trong giao thương, buôn bán , cung cấp nguồn nước ngọt cho các tàu buôn nước ngoài đến vùng đất của họ. Chắc chắn, , đây cũng là một trong những điểm rất thu hút sự quan tâm của công chúng”, bà Phan Lê Quỳnh Anh – Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao, thành phố Đà Nẵng, chia sẻ.

Không gian giới thiệu Đà Nẵng thời tiền – sơ sử ở Bảo tàng Đà Nẵng mới. Ảnh: T.Ngọc.

Tầm vóc mới – Không gian trưng bày hoàn toàn mới
Khác với Bảo tàng trước đây, Bảo tàng Đà Nẵng mới có không gian dành cho nghiên cứu phát triển (tầng 2). “Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu kết quả các dự án nghiên cứu ngắn hạn hay dài hạn do chính Bảo tàng Đà Nẵng tài trợ, hay thực hiện (ví dụ: quá trình thực hiện dự án trưng bày 42-44 Bạch Đằng, quá trình thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ học, quá trình trùng tu di tích, vv.), thiết thực thúc đẩy hiệu quả và chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ Bảo tàng; hay giới thiệu ấn phẩm mới xuất bản của Bảo tàng”, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết.

Đặc biệt lần đầu tiên, Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện trưng bày kho mở trên diện tích 122m2 (tầng 3). Tại đây, Bảo tàng sẽ giới thiệu đến du khách một phần của những sưu tập hiện vật dưới góc độ vừa là kho bảo quản hiện vật vừa là không gian trưng bày cho du khách tham quan (là kho mang tính lưu giữ, lưu trữ nhưng mở chứ không đóng kín), tạo ra một kênh gắn kết giữa công chúng với bảo tàng, giúp du khách tiếp cận gần hơn với hoạt động chuyên môn, nhất là về quy trình khoa học và vòng đời của hiện vật Bảo tàng thông qua công tác kho, bảo quản hiện vật.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, đây là xu hướng mới của nhiều bảo tàng trên thế giới , tăng cường nhiều hơn khả năng tiếp cận của công chúng đối với các bộ sưu tập còn “lưu kho của bảo tàng”. Thực tế, ngoài những hiện vật được sưu tập sau đó giới thiệu (thông thường) qua hệ thống trưng bày, Bảo tàng Đà Nẵng còn lưu giữ, bảo quản một số lượng lớn tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Nếu cứ theo cách truyền thống, đưa hết vào các nhà kho lưu trữ của mình, Bảo tàng Đà Nẵng vô hình chung, lãng phí những gì mình đang có, mà phải rất công phu, thậm chí tốn kém, mới phát hiện và dày công đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng.

Về tổng thể khi đưa vào khai thác, trên diện tích trưng bày hơn 3000m2; Bảo tàng Đà Nẵng bao gồm 6 khu vực trưng bày (theo 9 chuyên đề) Trưng bày thường xuyên và có thời hạn; theo chuyên đề; trưng bày nghiên cứu phát triển; Trưng bày kho mở và ngoài trời. Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ “kể” đầy đủ và sống động câu chuyện lịch sử về vùng đất và con người Quảng Nam- Đà Nẵng. Có trọn vẹn nội dung về những nét đặc trưng của văn hóa cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại Đà Nẵng và Quảng Nam (đồng bào Kinh, Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor và người Hoa); văn hóa biển, nông nghiệp, thủ công nghiệp; nghệ thuật trình diễn truyền thống của người Đà Nẵng – Quảng Nam. Không gian trưng bày chuyên đề còn giới thiệu về lịch sử Tòa thị chính Đà Nẵng, cùng những bộ sưu tập cổ vật rất có giá trị của Bảo tàng Đà Nẵng.

Chọn lựa “hạt gạo trên sàng” từ hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật
Bà Phan Lê Quỳnh Anh – Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao, thành phố Đà Nẵng, thành viên Hội đồng (chịu trách nhiệm thẩm định hiện vật cho các Bảo tàng công lập thành phố Đà Nẵng), cho biết, theo đề cương chi tiết được phê duyệt, Bảo tàng Đà Nẵng mới phải “tổ chức khảo sát, đánh giá, nghiên cứu chọn lọc khoảng 27.000 tài liệu, hiện vật thuộc các bộ sưu tập hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng (trước đây); đồng thời, nghiên cứu, sưu tầm bổ sung hàng trăm hiện vật, tư liệu mới để phục vụ trưng bày.

Và công tác sưu tầm, bổ sung các hiện vật, tư liệu mới phải được thực hiện theo đúng Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập: Hiện vật được lựa chọn sưu tầm đều là những hiện vật có giá trị, có đầy đủ cơ sở pháp lý và có khả năng bảo quản lâu dài; các hiện vật, tư liệu không chỉ phù hợp với chủ đề, nội dung trưng bày theo đề cương được phê duyệt mà phải thật tiêu biểu, có giá trị lịch sử, khoa học, pháp lý.

Hội đồng cấp thành phố trong một phiên họp thẩm định xét chọn hiện vật. Người đang trình bày là ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng. Người ngồi vị trí thứ hai từ trái sang, là Bà Phan Lê Quỳnh Anh – Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao, thành phố Đà Nẵng, thành viên Hội đồng, cùng các thành viên, chuyên gia, …. Ảnh: Trần Chuẩn.

“Chưa hết, các thành viên Hội đồng cũng phải xác định giá mua hiện vật trong khi chưa có quy định cụ thể, cơ sở pháp lý trong việc xác định giá đối với các hiện vật, tư liệu (chỉ căn cứ vào giá thương lượng giữa người bán và người mua). Do đó, các thành viên Hội đồng ngoài cân nhắc về ý nghĩa, giá trị, sự phù hợp, tính độc đáo của hiện vật còn phải thận trọng trong khâu xác định giá. Đặc biệt đối với những hiện vật có có niên đại lâu năm, như đồ cổ trên 100 năm, các thành viên phải rất căng thẳng để xác định và thẳng thắn nêu rõ quan điểm, xác định hiện vật đó “có đúng là đồ cổ” hay không ? (dù chủ sở hữu của những hiện vật, tư liệu này là nhà sưu tập uy tín…). Cũng rất thuận lợi là qua các đợt họp, thành viên Hội đồng luôn trao đổi thẳng thắn, tranh luận sôi nổi và tương đối đồng thuận trong bỏ phiếu chọn hiện vật, xác định giá mua”, bà Phan Lê Quỳnh Anh – Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa – Thể thao, thành phố Đà Nẵng, chia sẻ.

Trần Ngọc

Mời đọc giả xem tiếp kỳ 2: Từ thành Điện Hải đến Tòa Đốc lý: Bảo tàng Đà Nẵng mới có gì mới ?, tiếp theo và hết