Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Từ thành Điện Hải đến Tòa Đốc lý: Mong chờ ngày mở cửa Bảo tàng mới

ĐNA -

(Đà Nẵng). Bảo tàng Đà Nẵng mới (trên nền di sản kiến trúc xưa, tự thân đã là một “hiện vật” bảo tàng) sẽ được khai trương trong năm 2025 – năm của nhiều sự kiện trọng đại. Nhìn lại chặng đường trước đó, vào tháng 4/2011, Bảo tàng Đà Nẵng đi vào hoạt động ngay trong khuôn viên di tích Thành Điện Hải, đúng hơn là nằm ngay trên vùng lõi của một di tích quốc gia cấp đặc biệt.

“Lúc bấy giờ, đây là bảo tàng địa phương có quy mô khá lớn ở miền Trung; nội dung trưng bày của bảo tàng khá đa dạng, theo nhiều tuyến chuyên đề; hiện vật thì rất phong phú, trong đó, có nhiều tài liệu hiện vật gốc mang giá trị điển hình về lịch sử của đất nước và phản ánh rõ nét đặc trưng của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng; có nhiều không gian tái tạo sống động vừa giàu tính thẩm mỹ vừa đảm bảo tính khoa học,…

Hoạt động trưng bày đó đã tái hiện được lịch sử của một đô thị nằm bên bờ biển Đông, phác thảo chân dung của một đô thị loại I thuộc Trung ương (thời điểm đó, Đà Nẵng có 14 năm được tách ta từ tỉnh cũ, 1997-20111), một thành phố trẻ năng động của miền Trung, mang đậm dấu ấn văn hóa biển. Đồng thời cho thấy được diễn tiến của một vùng đất với lớp lớp những người khai phá xây dựng làng xã, sáng tạo ra những sắc thái văn hóa quyện hòa đan xen”, – ông Trần Văn Chuẩn – Nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông nay là Trưởng phòng Phòng Sưu tầm – Trưng bày và Bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng), chia sẻ.

Từ 2011-2024, Bảo tàng Đà Nẵng nằm ngay trên vùng lõi của một di tích quốc gia cấp đặc biệt. Ảnh: T.Ngọc.

Năm 2017, Thành Điện Hải được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Là công trình kiến trúc quân sự quan trọng thời Nguyễn, nếu không muốn nói là “một bảo vật của hệ thống phòng thủ giữ nước ở mặt Đông”, ngoài kinh thành Huế, đây là di tích duy nhất về thành lũy quân sự xưa, còn sót lại ở miền Trung, và phần còn lại gần như nguyên vẹn. Chính tiền đồn này đã góp phần đập tan kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860), thắng lợi hiếm hoi của quân và dân ở buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Thành Điện Hải đã trở thành biểu tượng về ý chí quật cường, tinh thần bảo vệ chủ quyền và độc lập mãnh liệt của con người Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung, trong giai đoạn lịch sử trung đại.

Để Thành Điện Hải không còn “lẫn lộn” giữa di tích lịch sử (cấp Quốc gia đặc biệt) với vùng lõi là hoạt động của những không gian trưng bày, yêu cầu di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khuôn viên di tích là chủ trương đúng và phải thực hiện ngay. Chính quyền thành phố đã lắng nghe và thấu hiểu các ý kiến, đề xuất tham mưu “quyết liệt” từ những người tâm huyết. Từ tháng 1/2019, theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, tòa nhà số 42 – 44 đường Bạch Đằng bắt đầu được quy hoạch, cải tạo lại để trở thành Bảo tàng Đà Nẵng mới (thay cho Bảo tàng nằm trong khuôn viên thành Điện Hải).

Tháng 5/2020, UBND thành phố Đà Nẵng ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp (tòa nhà số 42 – 44 đường Bạch Đằng). Dự án Bảo tàng Đà Nẵng mới được triển khai trên tổng diện tích 8.686 m2, tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Quyết định này càng cho thấy sự quan tâm và tâm huyết của lãnh đạo thành phố đối với văn hóa nói chung và các thiết chế văn hóa nói riêng của Đà Nẵng.

“Tòa Đốc lý, được UBND thành phố quy hoạch cải tạo, để phục vụ với chức năng mới, thay vì bị “hạ giải” để nhường chỗ cho những dự án khác (điều đã xảy ra với rất nhiều những công trình kiến trúc Pháp khác tại Đà Nẵng trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây), là một niềm vui đối với những người làm công tác quy hoạch và kiến trúc.

Tòa Đốc lý (sau đó là Tòa Thị chính). Ảnh tư liệu của TS. KTS Lê Minh Sơn, Trưởng Bộ môn Kiến trúc, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng.

Với cá nhân tôi, là một người đang nghiên cứu về lịch sử đô thị của thành phố, tôi cho rằng, đây là điểm rất tích cực trong tiếp cận và ứng xử với các công trình kiến trúc cổ còn tồn tại từ thời Pháp thuộc ở Đà Nẵng. Xu hướng phát triển của các Bảo tàng trong thế kỷ 21 buộc nó không chỉ đơn thuần là nơi cất giữ và trưng bày, mà còn phải là bảo tàng của công chúng và khách tham quan. Theo đó, công trình kiến trúc cổ này sẽ là cầu nối của những câu chuyện trong lịch sử đến với các thế hệ người dân”, TS.KTS Đinh Nam Đức – Giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), bày tỏ suy nghĩ của ông về quyết định của lãnh đạo thành phố.

TS.KTS Đinh Nam Đức (đầu tiên, từ trái sang) – Giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), chia sẻ tại chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng”, trong dịp kỷ niệm Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (12/4/1973 – 12/4/2023). Diễn giả ngồi giữa là TS. KTS Lê Minh Sơn, Trưởng Bộ môn Kiến trúc, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật chia sẻ.

Tòa nhà tọa lạc ở số 42 – 44 đường Bạch Đằng, khởi thủy là Tòa Đốc lý (La Mairie (tiếng Pháp)/ The Governor’s Palace (Tiếng Anh), được xây dựng sớm trong khoảng thời gian 1898 -1900, vẫn còn giữ được đến ngày nay, đã là “một của hiếm” ở thành phố biển trung Trung bộ. Cả miền Trung, chỉ duy nhất có một Tòa Đốc lý Đà Nẵng. Ở phía Nam có Tòa Đốc lý (còn thời gian gọi là Tòa Đô chánh, rồi Tòa thị chính) Sài Gòn, Tòa Đốc lý Chợ Lớn. Còn Tòa Đốc lý Hà Nội thì, … vào năm 1985 đã bị phá bỏ trong tiếc nuối ngẩn ngơ của nhiều bậc thức giả.

Xét về yếu tố lịch sử-chính trị, lịch sử, Tòa đốc lý Đà Nẵng (La Mairie de Tourane) luôn gắn liền với những cột mốc lịch sử. Trước hết là công trình quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị (của một thành phố thuộc địa trong giai đoạn Pháp xâm lược và bảo hộc). Tòa đốc lý là nơi làm việc của Đốc lý – người quản lý hành chính cao cấp nhất của bộ máy chính quyền thành phố, chỉ chịu mọi trách nhiệm trước Phủ Toàn quyền Đông Dương – cùng bộ máy). Sau 1955 cho đến 1975, tên gọi khác của tòa nhà này là Tòa Thị chính. Đến sau 1975, đầu tiên là trụ sở làm việc của Ủy ban Quân quản Đà nẵng; sau đó là trụ sở UBND-HĐND của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (1976-1997), đến sau năm 1997 là UBND-HĐND thành phố Đà Nẵng.

“Công trình này đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, dưới nhiều thời kỳ, tuy nhiên đây luôn là công trình hành chính quan trọng bật nhất của Đà Nẵng trong hơn một thế kỷ, từ lúc được khánh thành (1900) cho đến khi Trung tâm hành chính mới của thành phố được đưa vào hoạt động (tháng 9/2014)”, TS.KTS Đinh Nam Đức – Giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), nhìn nhận

Bản thân Tòa đốc lý rồi Tòa Thị chính Đà Nẵng – trong bối cảnh bị ngoại xâm – là một chứng nhân lịch sử với 2 lần, bằng những cuộc khởi nghĩa và nổi dậy, nhân dân Việt Nam đã giành chính quyền về tay nhân dân. Cờ đỏ sao vàng và Cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cũng đã 2 lần xuất hiện tại nơi đây:

Năm 1945, trong cuộc Cách mạng Mùa Thu do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, tại tòa nhà này, những bậc cách mạng tiền bối của Thành Thái Phiên, đã cắm cờ đỏ sao vàng, đánh dấu sự kiện chính trị “cả vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng hoàn thành cuộc nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân”, xóa bỏ những gì mà Phát xít Nhật đã áp đặt, lập ra.

Gian trưng bày, giới thiệu Lịch sử Đô thị Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng mới. Ảnh: T.Ngọc.

Năm 1975, vào lúc 11g30, cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lại tung bay ở Tòa Thị chính, khắc ghi thời điểm Đà Nẵng – khu căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung – đã được giải phóng. Cả nước sẵn sàng với khí thế “tiến về giải phóng Sài Gòn”, thống nhất đất nước.

Về kiến trúc, và lịch sử khởi thủy của đô thị Đà Nẵng, cũng theo TS.KTS Đinh Nam Đức: “Tòa Đốc lý là công trình mang phong cách kiến trúc Tân cổ điển. Tòa nhà có kích thước lớn, có tỷ lệ kiến trúc và sự chăm chuốt đến các chi tiết trang trí, tạo nên một cảm giác bề thế, hoành tráng, khi so sánh với những công trình xây dựng khác được xây dựng cùng thời điểm tại “nhượng địa Tourane”. Giá trị của quy hoạch và kiến trúc Pháp để lại ở thành phố này không nằm ở từng công trình riêng lẻ, mà nằm ở sự hài hòa và thống nhất trong tổng thể, với một vài các công trình được xác định là các điểm nhấn về mặt kiến trúc, trong đó có Tòa Đốc lý.

Cho đến nhiều thập kỷ về sau, từ lúc người Pháp rời khỏi Đông Dương cho đến những năm cuối thế kỷ 20, ấn tượng của người dân Đà Nẵng ở bờ Tây sông Hàn vẫn còn là những công trình công cộng hay những dãy nhà liền kề và những ngôi nhà biệt thự chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Trong số ít ỏi những công trình kiến trúc Pháp còn sót lại ở Đà Nẵng, Tòa Đốc lý được xem như một chứng nhân của sự hình thành và phát triển về kiến trúc đô thị của thành phố từ giai đoạn nhượng địa cho đến nay”.

“Bảo tàng Đà Nẵng, dù ở vị trí nào, cũng luôn là nơi đại diện cho ký ức của cộng đồng. Chúng tôi rất nóng lòng muốn đến thăm quan địa điểm mới của Bảo tàng Đà Nẵng, một nơi sẽ trở thành một điểm đến rất nổi bật trong đời sống văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng mới càng khẳng định thêm về khoảng cách rất gần của chúng ta, trước hết là sự đóng góp cho công trình (đang được cải tạo) của kiến trúc sư người Pháp, Jean François Milou. Còn về mặt địa lý, thì trong năm nay thôi, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ là « người hàng xóm” của Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng. Và những điều này càng cho phép chúng ta, hai tổ chức chúng ta, càng có nhiều hợp tác hơn nữa” – Nguyên Giám đốc ủy quyền Viện Pháp tại Đà Nẵng, ông Samuel Delameziere, từng có lần chia sẻ.

Rõ ràng khi di dời Bảo tàng Đà Nẵng về cơ sở 42 Bạch Đằng, việc triển khai giai đoạn 2 của dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải, góp phần nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt, đưa cả Bảo tàng Đà Nẵng và Di tích Thành Điện Hải, trở thành những điểm nhấn trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố, càng trở nên thuận lợi, trọn vẹn bội phần.

Dâng hương hoa trước Tượng đài Nguyễn Tri Phương, tưởng nhớ Danh tướng và những Nghĩa sỹ đã bỏ mình trong buổi đầu giao chiến với liên quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860). Ảnh: T.Ngọc.

Khi kiến thức của sách vở, giảng đường được hiện thực cụ thể hóa sống động
Bảo tàng Đà Nẵng khi đi vào hoạt động, chắn chắn không chỉ là một điểm đến hấp dẫn của người dân thành phố trong hưởng thụ văn hóa; của công chúng gần xa và du khách yêu thích không gian bảo tàng; mà nhất định là một không gian cộng đồng đáp ứng nhu cầu tham quan gắn với học tập, trải nghiệm tìm hiểu và nghiên cứu.

“Nhận thức được giá trị , tầm quan trọng của nguồn tri thức từ Bảo tàng Đà Nẵng, lúc còn ở Thành Điện Hải; nhiều năm qua, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đã kết hợp rất chặt chẽ giờ giảng dạy trên lớp, với hoạt động trải nghiệm, học tập tại Bảo tàng. Những hoạt động học tập, khám phá tri thức địa phương tại Bảo tàng Đà Nẵng là giờ học bắt buộc nằm trong kế hoạch đào tạo của nhiều học phần như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử địa phương, Cơ sở khảo cổ học, Nhập môn văn hoá Việt Nam, Văn hoá biển đảo, Văn hoá vùng và tiểu vùng, Bảo tàng học … Những chuyến thực tế trải nghiệm tại Bảo tàng Đà Nẵng luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên. Mỗi lần đến với bảo tàng là một lần những kiến thức trong sách vở, trường lớp được hiện thực hoá, cụ thể hóa nhưng đầy sống động.

Nhiều sinh viên còn tìm kiếm được những chủ đề nghiên cứu mới, hay với nguồn tư liệu từ bảo tàng, các em đã hoàn thành bài tiểu luận kết thúc học phần. Từ đó, nhiều sinh viên của Khoa đã chọn bảo tàng để kiến tập, thực tập tốt nghiệp. Một số sinh viên xuất sắc quyết định gắn bó lâu dài với Bảo tàng Đà Nẵng sau khi ra tốt nghiệp. Thầy, trò chúng tôi có tâm trạng chung là rất mong chờ ngày đến với không gian mới của Bảo tàng Đà Nẵng, nhất định có nhiều nội dung mới, mà “Dân Sử” chúng tôi đặc biệt quan tâm”, ThS. NCS Tăng Chánh Tín – Giảng viên Khoa Lịch sử; Phó Bí thư Đoàn Trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, bày tỏ.

Giảng viên, ThS. NCS Tăng Chánh Tín (áo trắng, đeo kính, hàng thứ tư, từ dưới lê). Ảnh: Nhân vật chia sẻ.

Được biết, từ thời học sinh, sinh viên, “bạn” Tăng Chánh Tín đã đến tham quan, học tập và rất “thích thú, đam mê” với những gì đã trải nghiệm ở Bảo tàng Đà Nẵng. Khi Bảo tàng thành phố gắn với với di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải – cậu sinh viên Tăng Chánh Tín lại siêng đến bảo tàng nhiều hơn.

“Tôi nhớ mãi kỷ niệm mỗi lần bước vào không gian trưng bày về Lịch sử Đà Nẵng, những tên đất, tên người, những sự kiện, nhân vật mà tôi đã từng được đọc; được nghe qua câu chuyện của ông bà, hay lời giảng của thầy cô về thành phố quê hương, nay đã hiện ra trước mắt. Trong tôi dâng trào bao niềm tự hào. Chính điều đó góp phần ươm tạo nguồn cảm hứng, để tôi dấn thân và quyết định gắn bó lâu dài với việc dạy học, dìu dắt những thế hệ sinh viên có tình yêu lịch sử văn hoá. Tôi tự hào với lịch sử quê hương và cảm thấy trách nhiệm bản thân trong việc lan toả những tri thức quý báu về Đà Nẵng đến sinh viên. Bảo tàng Đà Nẵng là người Thầy, người bạn đã giúp tôi hiện thực hoá mong ước đó”, Giảng viên, ThS. NCS Tăng Chánh Tín thổ lộ.

“Nói hơi giáo điều, nhưng lại là câu chuyện của thực tế giảng dạy, của phương pháp truyền đạt lý luận thì phải gắn với trực quan và thực tiễn. Từ năm 2016 đến nay, trường Ngôn ngữ – Xã hội Nhân văn chúng tôi, với 5 môn lý luận chính trị, Trường (và nhiều Trường, Khoa thuộc Đại học Duy Tân) đã nhấn mạnh phương châm: Ngoài giờ lý thuyết, sinh viên tiếp thu tập trung trên giảng đường, trường linh hoạt bố trí thời gian nhất định, để sinh viên đi học dã ngoại ở Bảo tàng. Căn cứ thời gian, đặc điểm môn học, chính giảng viên phụ trách, phải xây dựng kế hoạch cho lớp đi học tại các Bảo tàng trên địa bàn Đà Nẵng. Các lớp Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, các em học ở Bảo tàng Quân khu 5 và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Quân khu 5; các lớp Triết học Mác – Lênin học ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; các lớp Kinh tế chính trị Mác – Lên, Chủ nghĩa xã hội khoa học, các em học ở Bảo tàng Đà Nẵng.

Th.s Nguyễn Mậu Minh (áo xanh, đeo kính, giữa), Trưởng bộ môn Lý luận Chính trị, khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, trường Ngôn ngữ – Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân cùng các em sinh viên trong một lần triển khai Giờ học ở Bảo tàng. Ảnh: Nhân vật chia sẻ.

Bảo tàng Đà Nẵng – kho tri thức trưng bày, giới thiệu nhiều tư liệu quý về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Thầy và trò chúng tôi ghi nhận đây là kho tri thức có giá trị thực tiễn lớn trong giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên. Những năm qua Bảo tàng Đà Nẵng là điểm đến của các thế hệ sinh viên Trường chúng tôi và cả Đại học Duy Tân. Giờ học ở Bảo tàng Đà Nẵng thực sự rất hấp dẫn. Không chỉ ở kho tri thức thông qua hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày, mà còn ở “sức thu hút” mạnh mẽ, nhờ hiểu biết sâu sắc, trách nhiệm và cách truyền đạt nội dung của các hướng dẫn viên Bảo tàng Đà Nẵng khá truyền cảm”, Th.s Nguyễn Mậu Minh, Trưởng bộ môn Lý luận Chính trị, khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, trường Ngôn ngữ – Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân, cho biết.

Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ có không gian trưng bày nghiên cứu phát triển. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, đây là không gian dành để giới thiệu các nghiên cứu, dự án và ứng dụng mới cũng như các hoạt động học thuật trong lĩnh vực Bảo tàng học của Bảo tàng Đà Nẵng. Khách đến với không gian này được cập nhật nhiều thông tin (hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên ngành Bảo tàng); những xu hướng hoạt động mới thuộc lĩnh vực chuyên môn như trưng bày, giáo dục, bảo quản hiện vật. Đây đồng thời là không gian để cán bộ chuyên môn, nhà nghiên cứu (trong lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn văn hóa) tại Đà Nẵng, giới thiệu nghiên cứu mới, giao lưu trao đổi học thuật, nâng cao trình độ chuyên môn và tiếp cận, cập nhật các xu hướng mới của hoạt động bảo tàng và di sản văn hóa.

Trong không gian Bảo tàng Đà Nẵng mới, có cả một gian nhà rường được phục dựng công phu. Ảnh: T.Ngọc

Nhất định, đối với giới nghiên cứu, các Thầy cô giáo, sinh viên chuyên ngành, không gian nghiên cứu mới, sẽ là không gian mới vô cùng có ý nghĩa để bồi đắp và nâng cao kiến thức.

Một điểm mới nữa, là Bảo tàng Đà Nẵng sẽ sử dụng đa dạng công nghệ mới (công nghệ số, 3D mapping, đa phương tiện…), làm hiện đại không gian trưng bày trong bối cảnh các phương tiện nghe-nhìn chịu ảnh hưởng của xu hướng số hóa hiện đại, với công chúng công nghệ mới mang lại tính tương tác, sinh động và hấp dẫn cao hơn. Ở các không gian sử dụng công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, công chúng chính là người thụ hưởng và khám phá để trải nghiệm nhiều nội dung, vấn đề, chủ đề.

Ngoài ra, còn có cả khu vực dành cho du khách truy cập nội dung (một số) tư liệu (đã được Bảo tàng thực hiện số hóa), ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa và tài liệu lưu trữ khác của Bảo tàng. Điều này càng đem đến trải nghiệm tốt hơn, chất lượng hơn cho những “Giờ học ở Bảo tàng”.

“Trong những lần cùng sinh viên đến với Bảo tàng Đà Nẵng (ở Thành Điện Hải), với trách nhiệm của một giảng viên, là người đi trước, tôi luôn nói với các bạn sinh viên rằng: Những giá trị văn hoá, truyền thống của quê hương, đất nước được xây dựng qua nhiều thế hệ có giá trị thực tiễn rất lớn cho hiện tại và tương lai. Chúng ta hãy cùng nhau bảo tồn, lưu giữ và phát triển nó, làm cho những giá trị văn hóa, truyền thống đó trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Th.s Nguyễn Mậu Minh, Trưởng bộ môn Lý luận Chính trị, khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, trường Ngôn ngữ – Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân, bày tỏ./.

Tuy chưa chính thức mở cửa, nhưng Bảo tàng Đà Nẵng đã là một điểm được người dân thành phố và du khách chọn làm điểm chụp ảnh lưu niệm một lần đến … Mong chờ ngày mở cửa Bảo tàng mới là cảm xúc của biết bao người. Ảnh: T.Ngọc.

Trần Ngọc

Bài đầu: Từ thành Điện Hải đến Tòa Đốc lý: Bảo tàng Đà Nẵng mới có gì mới?