Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã ghi dấu một chiến thắng vang dội, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất cho dân tộc. Tư tưởng “Thần tốc” là một trong những yếu tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại ấy. Trải qua 50 năm, tinh thần ấy vẫn nguyên vẹn giá trị, tiếp tục là kim chỉ nam quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hiện nay.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi to lớn là nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, thể hiện qua nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc sảo, linh hoạt và kịp thời. Nổi bật trong đó là phương châm “Thần tốc” – yếu tố quyết định tạo nên chiến thắng nhanh chóng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay, phát huy tinh thần “Thần tốc”, trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng chủ trương sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kiến tạo phát triển và phụng sự nhân dân.

Tư tưởng “Thần tốc” – tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Từ thực tiễn chiến trường và dự báo khoa học, tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 08/01/1975, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn nhấn mạnh, “Trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ tùy theo diễn biến của các trận chiến đấu trên chiến trường mà chỉ đạo, chỉ huy, đánh mạnh nhất, bất ngờ nhất, nhằm tiến tới đích nhanh nhất, thắng gọn nhất và triệt để nhất ở Sài Gòn. Kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”(1). Chủ trương trên là cơ sở hình thành phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Bước vào đầu năm 1975, tình hình chiến sự trên các mặt trận chuyển biến mau lẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Nắm vững thời cơ cách mạng, Bộ Chính trị xác định: “Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt”(2), với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”(3). Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định mở nhiều chiến dịch, đánh những trận quyết định, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là ngay trong tháng 4/1975. Chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện tầm nhìn chiến lược, trí tuệ và bản lĩnh lãnh đạo tài tình của Đảng. Đó là sự linh hoạt trong nắm bắt thời cơ, tận dụng triệt để những thuận lợi trên chiến trường để chuyển hóa cục diện chiến tranh, đẩy nhanh tốc độ tiến công, khiến đối phương không kịp trở tay. Đồng thời, tinh thần đó cũng đòi hỏi không được chủ quan, phải luôn chuẩn bị đối phó với mọi tình huống phát sinh, bảo đảm chắc thắng trong từng bước đi.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, với trận then chốt mở màn Buôn Ma Thuột vào lúc 1 giờ 35 phút ngày 10/3/1975 đã đánh trúng tử huyệt, tạo hiệu ứng dây chuyền về quân sự, chính trị trong hàng ngũ địch. Sau khi làm chủ Buôn Ma Thuột và toàn vùng Tây Nguyên, quân ta đã tiêu diệt, làm tan rã Quân đoàn II và chính quyền ngụy ở Quân khu II. Trước thắng lợi vang dội ở Tây Nguyên, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp và đi đến quyết định lịch sử: Giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế – Đà Nẵng bắt đầu. Ngày 26/3, quân ta giải phóng thành phố Huế và đến ngày 29/3, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Trên cơ sở thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp và chủ trương, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn “trước mùa mưa năm 1975”.
Sau khi đập tan hoàn toàn lực lượng chủ lực tinh nhuệ của địch thuộc Quân đoàn I và II, đồng thời giải phóng trọn vẹn các địa bàn chiến lược thuộc Quân khu I và II vào ngày 1/4/1975, cục diện chiến trường đã nghiêng hẳn về phía ta. Ngày 4/4/1975, Quân ủy Trung ương có công điện “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” gửi các quân đoàn chủ lực. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đã điện gửi các cánh quân: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
Nhận định rõ thời cơ quyết định, trong bức điện gửi Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị khẳng định, “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”(4). Tư tưởng chỉ đạo quyết đoán, kịp thời của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong toàn quân, toàn dân, hun đúc khí thế tiến công sôi sục vì độc lập, thống nhất đất nước.
Sau khi tạo thế và lực, ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định bắt đầu. Năm mũi tiến công chiến lược đã đập tan các hệ thống phòng thủ vòng ngoài của địch, lực lượng ta áp sát bao vây Sài Gòn trên tất cả các hướng. Đến ngày 28/4, toàn bộ Sài Gòn đã hoàn toàn bị vây chặt, năm cánh quân lớn đồng loạt tiến công các mục tiêu trọng yếu trong nội đô với khí thế hùng mạnh nhất. 5 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Quân ta đồng loạt tấn công năm mục tiêu chiến lược: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành và Biệt khu Thủ đô. Từ các hướng quân ta ào ạt tiến công, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nội thành và quần chúng nổi dậy, tạo nên sức mạnh tổng hợp không gì cản nổi. Vào lúc 10 giờ 45 phút, xe tăng mang số hiệu 390 của Quân đoàn 2 dũng mãnh húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 phút, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng cắm lá cờ cách mạng lên nóc Dinh Độc Lập, chính thức đánh dấu giờ phút lịch sử – miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất cho dân tộc. Với tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc”, Đảng đã tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ và hạ quyết tâm chiến lược một cách chính xác, kịp thời. Chính tinh thần chỉ đạo đúng đắn này đã rút ngắn kế hoạch giải phóng miền Nam từ hai năm (1975 – 1976) xuống còn trong năm 1975, rồi trước mùa mưa và cuối cùng là ngay trong tháng 4/1975. Trong khí thế thần tốc và quyết liệt của chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định, đến ngày 2/5/1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố và các đảo ở miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng.

Phát huy tư tưởng “Thần tốc” trong sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Tư tưởng “Thần tốc” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 tiếp tục là kim chỉ nam quý báu cho Đảng ta trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đặc biệt là trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tinh thần “Thần tốc” trong bối cảnh hiện nay không phải là sự vội vã, hấp tấp, mà là yêu cầu đổi mới tư duy và hành động nhanh chóng, quyết liệt nhưng có cơ sở, kiểm soát. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, “việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội; không được để gián đoạn công việc và mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ”(5). Cải cách bộ máy phải là cuộc “chạy đua với thời gian” nhưng nếu chậm trễ sẽ không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhân dân.
Thực tế hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) và gần đây là Kết luận số 121-KL/TW (2025) đã khẳng định: việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ chiến lược, mang tính cấp bách, càng thực hiện sớm càng tạo ra lợi thế cho đất nước và Nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Muốn đạt được mục tiêu chiến lược của đất nước, không được phép lơi lỏng, thiếu đồng bộ hay chậm trễ trên từng bước đi. Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tổ chức bộ máy”(6). Đây là lời hiệu triệu mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Tinh thần “Thần tốc” cũng cần được quán triệt từ tư duy lãnh đạo đến hành động thực tiễn. Không chỉ dừng ở tốc độ triển khai, mà quan trọng hơn là sự dứt khoát trong lựa chọn mô hình tổ chức, phương thức vận hành và bố trí nhân sự. Việc đề xuất tổ chức lại hệ thống hành chính theo ba cấp: Trung ương – tỉnh/thành – xã/phường, từng bước loại bỏ cấp huyện. Cơ cấu tổ chức này hướng tới mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền chủ động tiếp cận với người dân(7), thể hiện tầm nhìn cải cách sâu rộng và hành động kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.
Thành công vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là minh chứng lịch sử cho giá trị của sự “thần tốc” trong tư duy chiến lược và hành động quyết liệt. Từ bài học ấy, việc đổi mới tổ chức bộ máy hiện nay phải được xem là một cuộc “cách mạng”, tổ chức thực hiện nghiêm túc với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương đồng lòng”(8) chính là nguyên tắc then chốt tạo nên sự đồng thuận và đột phá trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hiện nay không chỉ là sự thay đổi về hình thức, mà là cuộc cải cách mang tính cách mạng triệt để và sâu rộng. Vừa qua, Bộ Chính trị đang khẩn trương xây dựng nội dung để trình Trung ương “Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã”; “Đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “Chủ trương sửa đổi Hiến pháp 2013”… hay mạnh dạn hợp nhất cơ quan Đảng – Nhà nước ở cấp tỉnh… Điều đó cho thấy quyết tâm của toàn Đảng trong cuộc cách mạng mới, nhằm tổ chức lại không gian phát triển kinh tế – xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045 – 2050 và xa hơn nữa. Phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng” không chỉ là định hướng tổ chức, mà còn là lời khẳng định quyết tâm chính trị trong việc thực thi cải cách mạnh mẽ và đồng bộ từ trên xuống. Đặc biệt, những chủ trương như: phân cấp, phân quyền sâu rộng; cải tiến cơ chế phối hợp liên cơ quan; nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với tinh giản biên chế; đổi mới toàn diện công tác cán bộ – từ tuyển chọn, đào tạo đến đánh giá, bổ nhiệm theo năng lực thực tiễn, chứ không chỉ theo thâm niên hoặc cơ cấu – đều cho thấy quyết tâm dấn thân vượt qua lối mòn tư duy nhiệm kỳ, từng bước phá vỡ các “vùng an toàn” vốn tồn tại dai dẳng trong hệ thống. Những định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm tạo nên thay đổi về chất mang tính đột phá nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, một tinh thần táo bạo, kiên quyết loại bỏ sự chồng chéo, giao trách nhiệm, tránh lãng phí nguồn lực và cản trở hiệu quả quản lý, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ khó, quá trình này đối mặt với nhiều thách thức như: sức ép từ bộ máy cồng kềnh, tâm lý bảo thủ trong một bộ phận cán bộ, cũng như những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự và bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, nếu không táo bạo, không dám vượt qua “vùng an toàn”, cải cách sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Do đó, táo bạo không chỉ là tinh thần của cải cách, mà còn là điều kiện tiên quyết để chuyển hóa tư duy đổi mới thành hành động cụ thể, hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại, phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc.
Tư tưởng “thần tốc” trong lịch sử đã chứng minh sức mạnh to lớn khi vận dụng đúng đắn và sáng tạo. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong việc tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh thần ấy vẫn còn nguyên giá trị: phải cải cách nhanh chóng, mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng chắc chắn, bài bản, nhằm xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, phụng sự Nhân dân, góp phần phát triển đất nước bền vững.
ThS.Hồ Thức Tài, TS.Bùi Nghĩa, TS.Nguyễn Tôn Phương Du/Học viện Chính trị khu vực II
Tài liệu tham khảo
1.Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 10.
2.Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, 2005, tr. 937.
3.Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, 2005, tr. 938.
4.Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 167.
5.Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5000 đơn vị hành chính cấp xã, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-kien-sap-xep-con-34-tinh-thanh-khoang-5000-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-119250329080550611.htm
6.Nhận thức đúng về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-thuc-dung-ve-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-808341
7.Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5000 đơn vị hành chính cấp xã, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-kien-sap-xep-con-34-tinh-thanh-khoang-5000-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-119250329080550611.htm
8.Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến sắp xếp còn 34 tỉnh, thành, khoảng 5000 đơn vị hành chính cấp xã, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-kien-sap-xep-con-34-tinh-thanh-khoang-5000-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-119250329080550611.htm