Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc bình đẳng giới, trong đó có nâng cao địa vị của phụ nữ, vì sự tiến bộ, phát triển xã hội được thể hiện trong nhiều bài viết ngay trong những năm đầu tiên đất nước giành độc lập, bắt đầu công cuộc xây dựng xã hội mới. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thực hiện bình đẳng giới, nhất là trong gia đình là kim chỉ nam trong nghiên cứu xây dựng chính sách dân số và gia đình trong giai đoạn mới của đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài viết nghiên cứu tìm hiểu tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với một trong những nội dung nghiên cứu trọng tâm nhất của các nhà xã hội học. Đó là biến đổi mối quan hệ giới trong gia đình trong quá trình xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam từ nửa cuối thập niên những năm 1950 đến nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong gia đình
Với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội toàn cầu ngày 7/5/1954 và việc ký hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Toàn Đảng, toàn dân ta bắt đầu công cuộc xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục công cuộc giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.
Để xây dựng và phát triển đất nước sau khi hòa bình lập lại, chúng ta cần có và phải huy động các nguồn lực mới để phát triển. Một trong các nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển trong mọi xã hội chính là con người. Con người là yếu tố quan trọng nhất cho phát triển ngay từ trong phạm vi của mỗi gia đình. Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, con cái được nhìn nhận là nguồn nhân lực quan trọng đối với mỗi gia đình khi mọi người thường nói “mỗi con mỗi của”. Các gia đình cưới vợ sớm cho con trai chủ yếu là với mục đích có thêm lao động. Trong cơ cấu xã hội, phụ nữ luôn chiếm khoảng một nửa dân số cũng như dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trong các xã hội cũ trước đây, tỷ trọng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động bên ngoài xã hội luôn ở mức thấp. Lao động phụ nữ chủ yếu dừng lại ở trong phạm vi gia đình, và họ tập trung vào công việc nội trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái…
Công cuộc xây dựng xã hội mới, phát triển công nghiệp, mở mang đô thị đòi hỏi cần có những nguồn nhân lực mới. Những phụ nữ chưa tham gia vào lực lượng lao động của xã hội chính là một nguồn nhân lực bổ sung tiềm năng nhất. Do đó, mức độ tham gia tích cực của người phụ nữ (một nửa xã hội) vào xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc huy động nguồn lực con người nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong những năm đầu xây dựng lại đất nước.
Trong các bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã nêu rõ tầm quan trọng của việc huy động lao động nữ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như việc cấp bách phải giải phóng phụ nữ. “Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Hồ Chí Minh đã xác định rõ giải pháp về việc huy động nguồn lực con người cho phát triển là thực hiện giải phóng phụ nữ, giải phóng sức lao động của phụ nữ. Theo Hồ Chí Minh, những hạn chế xã hội đang cản trở sự tham gia tích cực của phụ nữ Việt Nam vào phát triển xã hội là bất bình đẳng giới nặng nề từ ở ngay trong gia đình cho tới ngoài xã hội. “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng” ”.
Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống, vị thế xã hội thấp hơn của phụ nữ trong gia đình so với nam giới là một yếu tố chủ yếu có liên quan tới những định kiến, chuẩn mực xã hội trong các hành vi ứng xử của cộng đồng với người phụ nữ. Quá trình xây dựng một xã hội mới, phát triển công nghiệp, đòi hỏi cần phải thay đổi những chuẩn mực xã hội không còn phù hợp trong ứng xử với phụ nữ. Quan điểm của Hồ Chí Minh là cần phải thay đổi các chuẩn mực xã hội không còn phù hợp đó trong bối cảnh xây dựng một xã hội mới công bằng, văn minh và tiến bộ. Hồ Chí Minh đã viết: “Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo… nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ… Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt. Điều 3 nói: Cấm… đánh đập hoặc ngược đãi vợ”.
Trong các xã hội nông nghiệp truyền thống/xã hội cũ trước đây, đa số các cuộc hôn nhân đều bị chi phối bởi các yếu tố tài sản và nhân lực. Hôn nhân là một sự sắp xếp về mặt kinh tế giữa các gia đình. Người đàn ông có bao nhiêu đất đai và của cải? Người con dâu sẽ đem theo bao nhiêu của hồi môn về cho chồng mình? Những gắn bó về mặt tình cảm không quan trọng đối với các bậc cha, mẹ trong những cuộc hôn nhân được sắp đặt. Cả cô dâu và chú rể cũng không mong chờ được đáp ứng về mặt tình cảm từ hôn nhân theo cách thức như vậy. Bản chất mối quan hệ hôn nhân này đã biến đổi trong quá trình hiện đại hóa. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp truyền thống lên xã hội công nghiệp hiện đại. Quá trình này đã tác động làm thay đổi các chiều cạnh của mối quan hệ hôn nhân, cũng như quan hệ vợ-chồng trong gia đình. Bởi vì, quá trình hiện đại hoá đã từng bước thay đổi triệt để các điều kiện sống, đem đến cho con người cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cá nhân. Trước tiên, công nghiệp hoá đã giải phóng con người ra khỏi sự phụ thuộc vào tài sản thừa kế để kiếm sống. Những chàng trai không còn phải chờ đợi vào đất đai do cha, mẹ họ để lại, và những cô gái không còn phải chờ đợi một tấm chồng với mảnh đất của anh ta nữa. Cả hai đều có thể kiếm được những công việc có tiền lương, đặc biệt trong quá trình đô thị hoá, phát triển công nghiệp. Đông đảo thanh niên, cả nam và nữ đã di cư lao động ra các đô thị. Khác biệt cơ bản nhất của hôn nhân trong các xã hội hiện đại so với xã hội cũ là các cuộc hôn nhân chủ yếu dựa trên tình yêu nam nữ. Trước đây, cha, mẹ sắp đặt việc hôn nhân, còn bây giờ con cái tự do quyết định việc hôn nhân của họ (1). Trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 của nước ta đã có quy định về cấm cưỡng ép kết hôn. Các chính sách về dân số và gia đình ở nước ta trong những năm đầu tiên của chế độ mới đã được xây dựng và thực hiện dưới ánh sáng tư tưởng của Hồ Chí Minh về bình đẳng giới trong gia đình. Những chính sách đó đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự thay đổi các chuẩn mực xã hội trong hành vi ứng xử giữa vợ-chồng theo xu hướng bình đẳng, văn minh và tiến bộ xã hội chung của nhân loại.
Những chuẩn mực xã hội trong những hành vi ứng xử bất bình đẳng với người phụ nữ không chỉ phản ánh trong mối quan hệ vợ chồng ở gia đình, mà nó còn thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, ví dụ như mối quan hệ giao tiếp, ứng xử với người con dâu. Trong Báo Nhân dân, số 3199, ngày 28/12/1962, Hồ Chí Minh viết: “Hiến pháp đã quy định rõ quyền bình đẳng của phụ nữ. Luật hôn nhân và gia đình đã công bố rõ ràng. Xin trích mấy điều sau đây: Điều 3 – Cấm: tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi. Điều 18 – Cha mẹ không được hành hạ con cái, không được đối xử tàn tệ với con dâu.’’
Vị thế xã hội thấp của phụ nữ trong gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với vị thế xã hội thấp nói chung của người phụ nữ ở trong các xã hội nông nghiệp truyền thống. Có thể thấy phụ nữ trong xã hội cũ hầu như không được đi học, và không tham gia lao động, hay làm việc ở bên ngoài phạm vi của gia đình. Do đó, người phụ nữ không có thu nhập và họ không thể có đóng góp thu nhập cho gia đình. Họ hầu như bị phụ thuộc về kinh tế vào gia đình của chồng.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thực hiện bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình được phản ánh trong nhiều bài viết của Người trong những năm cuối thập kỷ 1950 và đầu 1960. Hồ Chí Minh đã viết: “Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình” ; “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v., đều nhằm mục đích ấy” ; “Trong kỳ họp trước, Quốc hội đã làm ba việc rất quan trọng: – Đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình. Luật này sẽ có ảnh hưởng tốt đến nòi giống và thực hiện “nam nữ bình quyền””.
Công cuộc xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa cùng với những bước tiến quan trọng về phát triển thể chế như việc Quốc hội thông qua bản Hiến pháp 1959, Luật Hôn nhân và Gia đình 1959… đã tạo ra những tiền đề xã hội cơ bản nhất cho việc thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục và lao động, việc làm. Tất cả bé trai, bé gái khi đến tuổi đi học đều có cơ hội tới trường như nhau. Từ những năm 1970, trong đội ngũ giáo viên ở các trường phổ thông, có thể thấy, tỷ trọng giáo viên nữ còn lớn hơn giáo viên nam. Thực hiện “nam nữ bình quyền” đã góp phần cởi trói cho đông đảo lao động nữ di cư ra các đô thị, khu công nghiệp tìm việc làm tạo thu nhập. Từ đó, đông đảo phụ nữ trở nên độc lập về kinh tế, và địa vị của họ không ngừng được cải thiện.
Trong các thập niên 1960 và 1970, những chính sách xã hội cơ bản của nước ta trong lĩnh vực giáo dục cũng như lao động, việc làm đã được xây dựng và thực hiện nhất quán trên cơ sở nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới. Đây là những yếu tố quyết định đến việc nâng cao vị thế xã hội/địa vị của phụ nữ ở trong gia đình, cũng như ở ngoài xã hội. Khi vợ chồng đều có cơ hội đi học, có trình độ học vấn tương đương nhau, và đều đi làm có thu nhập thì việc thực hiện “nam nữ bình quyền” đã đi vào đời sống xã hội một cách bền vững. Người phụ nữ không còn bị phụ thuộc về kinh tế vào gia đình bên chồng. Bình đẳng giới ngay trong mỗi gia đình trở thành hiện thực. Lý tưởng về xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ bắt đầu trở thành hiện thực theo tư tưởng của Hồ Chí Minh.
Thực trạng bất bình đẳng giới trong gia đình ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đã đi một chặng đường dài 70 năm thực hiện bình đẳng giới kể từ khi bắt đầu công cuộc xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng về thực hiện bình đẳng giới. Chỉ số về bình đẳng giới của nước ta năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số xếp hạng tiến bộ nhanh về bình đẳng giới trên cả 4 chiều cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị (2). Tuy nhiên, kết quả xếp hạng 72/146 cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam về việc cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể tăng thêm bậc trên bảng xếp hạng về bình đẳng giới trên Thế giới. Đồng thời, số liệu đó cũng gợi mở các vấn đề về thực hiện bình đẳng giới cần giải quyết ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Trong hơn mười năm vừa qua, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta liên tục đứng ở mức cao từ 112-113. Thực trạng về mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng, kéo dài phản ánh thực trạng xã hội vẫn còn tồn tại dai dẳng tâm lý xã hội về bất bình đẳng giới ở trong gia đình. Nguyên nhân chủ yếu của hành vi lựa chọn giới tính khi sinh là tâm lý xã hội truyền thống ưa thích con trai hơn con gái trong một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng ở nước ta. Những hành vi này đang dẫn tới một hệ lụy xã hội nghiêm trọng về thiếu phụ nữ và thừa nam giới trong độ tuổi lập gia đình của dân số Việt Nam (3). Theo số liệu kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, ước tính đến năm 2035, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu nam giới trong độ tuổi hôn nhân không thể lập gia đình (4).
Nếu tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta tiếp tục đứng ở mức cao trong mười năm tới, đến năm 2050, dân số Việt Nam sẽ thừa 12% nam giới ở độ tuổi dưới 50. Tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cả cộng đồng. Tình trạng thiếu phụ nữ trẻ sẽ làm cho nhiều nam giới khó tìm được bạn đời. Sự “khủng hoảng về hôn nhân” này có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán và bạo hành phụ nữ và trẻ em gái và cả nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn về xã hội và tình dục của nam giới (5).
Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, khoảng 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục; 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Theo thống kê xã hội học, xét trên bình diện giới tính, 90% nạn nhân của bạo lực là nữ giới nhưng cũng có 10% nam giới là nạn nhân của các bà vợ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do định kiến giới; nguyên nhân tiếp theo gây nên tình trạng bạo lực gia đình chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể nhất là phía người vợ và những đứa trẻ. Một nghiên cứu xã hội học cho thấy, nhiều trẻ em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì đã hết 25% nguyên nhân là do hệ lụy của nạn bạo lực gia đình. Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu bạo lực gia đình có đến 76% thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm .
Trong giai đoạn hiện nay, ở nông thôn, nếu không “đặt tiệc” cho các cơ sở dịch vụ thực hiện, mỗi khi có đám tiệc, giỗ chạp, đàn ông được ngồi nhà trên, được rung đùi ăn nhậu trong khi phụ nữ phải thức khuya, dậy sớm, lục đục làm gà làm vịt, nấu nướng không chỉ để cúng quảy mà còn để phục vụ các ông. Đến hồi tàn tiệc, trong khi các ông còn ngồi “chén tạc chén thù” thì các chị em đã phải dọn dẹp, rửa chén và chờ… “châm” thức ăn cho các ông nữa. Bất bình đẳng giới sinh ra bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng và bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng càng làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới.
Cũng không khó để thấy rằng ở nông thôn, bất bình đẳng vợ chồng trầm trọng hơn ở thành thị; gia đình có điều kiện kinh tế thấp thì bất bình đẳng vợ chồng sâu sắc hơn gia đình có điều kiện kinh tế khá; nhóm người có trình độ thấp thì bất bình đẳng vợ chồng nghiêm trọng hơn nhóm người có trình độ cao… Như vậy bất bình đẳng có tính xã hội rõ nét, đó là vùng miền, kinh tế, trình độ, thậm chí cả dân tộc, tôn giáo… Những bất bình đẳng đó, người thiệt thòi thường là phụ nữ, là người mẹ, người vợ, người con gái trong gia đình.
Bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng khiến người vợ chịu thiệt thòi nhiều mặt, từ vị trí trong gia đình đến các quyền lợi vật chất, tinh thần. Tài sản có đứng tên chung thì thường hạn chế quyền quyết định mà phụ thuộc vào ý chí của người chồng; việc nuôi dạy con cái nhiều khi cũng bị buộc theo ý chồng mà bản thân khó tham gia tác động; thường bị “xếp sau” về địa vị trong gia đình cũng như thụ hưởng các quyền lợi… Đã vậy, bản thân được “mặc định” là phải hy sinh cho chồng, cho con nên nhiều người xem sự thiệt thòi, sự bất bình đẳng đó là bình thường, đôi khi là hạnh phúc, ít thể hiện ý chí đấu tranh, khắc phục.
Tại đô thị, phụ nữ dù có công việc hẳn hoi vẫn lắm khi chịu thua thiệt với chồng. Ở nhiều gia đình, phụ nữ phải đưa đón con đi học, nấu nướng chăm lo bữa ăn cho cả nhà, làm việc nhà, chăm sóc việc học của con em, quan tâm gia đình hai bên… Còn người chồng, sau giờ làm thường tự cho mình được “bù khú” với bạn bè, “chén tạc chén thù” với đồng nghiệp, đi chơi thể thao thư giãn, cuối tuần thì “cà phê cà pháo”… Sự chung tay trong công việc gia đình của người chồng càng về sau này có tiến bộ nhiều nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa thể hiện rõ sự bình đẳng, tính trách nhiệm. Hay trong giao tế xã hội, đàn ông có thể quan hệ rộng rãi, tiếp xúc với nhiều người nhưng đôi lúc chưa thoải mái khi vợ mình làm điều tương tự và không ít ông chồng mặc định rằng phụ nữ nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Việc quan tâm tới các vấn đề về bình đẳng giới đã trở thành một trào lưu và xu hướng chung của các nước trên thế giới trong quá trình hiện đại hoá và hậu hiện đại hoá hiện nay. Thực hiện bình đẳng giới chính là thực hiện một mục tiêu cơ bản của chính sách xã hội về công bằng xã hội. Mặt khác, thực hiện công bằng xã hội về giới lại góp phần giải phóng tiềm năng lao động của phụ nữ, góp phần tập trung các nguồn lực quốc gia về con người để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.(6). Vấn đề bình đẳng giới trong gia đình có một số chiều cạnh cơ bản như phân công lao động đối với công việc gia đình; thời gian dành cho các công việc nhà; quyền ra quyết định trong gia đình; quyền sở hữu tài sản; lựa chọn giới tính con cái; và bạo lực giữa vợ – chồng (11). Vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh một cách trầm trọng là một vấn đề cần sớm tập trung giải quyết.
Tăng cường thực hiện bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay
Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về thực hiện bình đẳng giới trong gia đình trong xây dựng và thực hiện các chính sách về dân số và gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tập trung các nguồn lực quốc gia về con người để thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy việc tăng cường thực hiện bình đẳng giới càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh già hóa dân số nhanh hiện nay ở nước ta. Quá trình già hóa dân số nhanh đang làm nền kinh tế bị thiếu hụt nguồn nhân lực bổ sung cho lực lượng lao động (7). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn già hóa dân số và bắt đầu có cơ cấu dân số già. Tỷ trọng số người già (từ 65 tuổi trở lên) trong cơ cấu dân số sẽ chiếm từ 14% trở lên (8). Trong Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhận định “Già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế (9). Để có thể góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc tập trung các nguồn lực quốc gia về con người cho phát triển thông qua việc tăng cường thực hiện bình đẳng giới là một định hướng phát triển xã hội rất quan trọng.
Việc tăng cường thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trong những năm gần đây được thể hiện cụ thể qua một số văn bản của Đảng và Nhà nước như sau:
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, đã thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như: chính trị, kinh tế, lao động;
Thông tư số 17/TT-BTP, ngày 13/8/2014 về Quy định lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018, về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt ra nhiệm vụ từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu;
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 28/NQ-CP;
Luật Phòng chống Bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình,…
Việc tăng cường thực hiện bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay ở nước ta cần tập trung vào việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình theo tư tưởng của Hồ Chí Minh. Bình đẳng giới trong đời sống gia đình là yếu tố cơ bản, then chốt để đạt được bình đẳng giới trong xã hội vì gia đình là tế bào của xã hội. Bất bình đẳng giới diễn ra trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội có gốc rễ từ bất bình đẳng giới trong gia đình. Bởi vì, khi người phụ nữ bị ràng buộc với các công việc chăm sóc gia đình, họ thường mất cơ hội trực tiếp cũng như gián tiếp trong học tập, sự nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội nói chung (10). Trong thời gian tới, cần tiếp tục và thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục các vần đề giới, bình đẳng giới trong gia đình được quy định trong các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâudài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội. Từ đó, mỗi người ý thức tốt vềvấn đề bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ làtrách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”
Thứ hai, Gia đình là môi trường tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về bình đẳng giới. Gia đình đóng vai trò cơ bản trong việc định hình mối quan hệ giới ngay từ những buổi đầu của cuộc sống con người và truyền tải chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là nơi xã hội hóa vấn đề giới, truyền lại các kiến thức và kỹ năng về giới. Do vậy, nhận thức về bình đẳng giới của các thế hệ đi trước trong gia đình như ông bà, cha mẹ… tác động rất lớn đến nhận thức của các thế hệ kế tiếp. Trong gia đình, con người học những bài học đầu tiên về tôn ti trật tự, về sự tuân thủ, sự phân biệt đối xử. Con trai học cách quyết đoán và thống trị, con gái học sự phục tùng. Gia đình chính là nơi tạo ra tôn ti trật tự trong gia đình. Nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới của các thế hệ đi trước sẽ quyết định hành vi của họ trong việc chăm sóc, giáo dục, đầu tư… cho thế hệ tương lai. Sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho trẻ em trai và trẻ em gái là như nhau. Con trai, con gái đều được tôn trọng như nhau. Sự đầu tư của cha mẹ, ông bà trong việc phát triển đối với trẻ con trai, con gái phải trên cơ sở năng lực, sở thích và cơ hội của mỗi người con mà không dựa trên giới tính. Sự phân công lao động trong gia đình phải trên cơ sở khả năng của mỗi người con mà không phụ thuộc vào giới tính… Hành động cụ thể trên sẽ tác động tích cực đến nhận thức, hành vi, cơ hội của thế hệ kế tiếp. Điều đó góp phần rút ngắn khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới .
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giảiphóng mình; không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vaitrò ví trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ cần phải dịu dàng, khéo léo thuyết phục, kêu gọi sự cảm thông, sẻ chia trách nhiệm của người chồng trong công việc gia đình, vợ chồng phải tôn trọng nhau “chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời cơm khê”.
Thứ tư, vai trò tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới của gia đình không chỉ thể hiện trong việc truyền dạy của ông bà, cha mẹ và các thành viên khác của gia đình mà còn thể hiện trong việc làm gương của cha mẹ, ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Cách đối xử của cha mẹ, ông bà với nhau phải thể hiện sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, bởi hành vi của cha mẹ, ông bà sẽ là nguyên mẫu cho con cháu. Khi trong gia đình cha mẹ, ông bà tôn trọng nhau, chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau bàn bạc và giải quyết các vấn đề… sẽ là tấm gương sáng cho con cháu học tập. Ngược lại, các hành vi thể hiện sự phân biệt đối xử hoặc bạo lực gia đình trên cơ sở giới, hình phạt cho các hành vi không đúng đắn, các mẫu người đàn ông và phụ nữ trong gia đình… sẽ tác động tiêu cực đến hành vi và nhận thức về bình đẳng giới đối với thế hệ trẻ./.
TS. Bùi Nghĩa, Th.S Lê Thị Thùy Linh/ Học viện Chính trị khu vực II
Th.S. Trịnh Thị Minh Loan/ Trường Chính trị tỉnh Bến Tre
Tài liệu tham khảo
Rodney Stark, 1997. Xã hội học đại cương, Chương 13 Gia đình. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
Thanh Huyền, 2023. Tín hiệu vui từ những con số.
Nguồn: dangcongsan.vn/binh-dang-gioi-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui/tin-hieu-vui-tu-nhung-con-so-652374.html
Tổng cục Thống kê, 2011. Tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam: các bằng chứng mới về thực trạng, xu hướng và những khác biêt. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009. Hà Nội: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hà Việt Hùng, 2021. Công tác dân số nhằm đảm bảo cơ cấu giới tính ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận Chính trị số 8-2021.
Võ Thị Mai, 2016. Bình đẳng giới ở Việt Nam từ quan điểm đến thức tiễn.Sách “Biến đổi xã hội ở Việt Nam truyền thống và hiện đại”.Chủ biên Đặng Nguyên Anh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bùi Phương Đình và Hà Việt Hùng, 2019. Cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. Tạp chí Lý luận Chính trị số 8-2019.
Tổng cục Thống kê, 2021. Dự báo dân số Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, tr. 212. NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội-2021.
Nguyễn Hữu Minh, 2022. Bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2022.
UNFPA, 2016. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam: Gắn thực tế với chính sách để tạo sự thay đổi. Tài liệu chính sách.
https://binhphuoc.gov.vn/vi/stttt/binh-dang-gioi/cac-van-de-thuc-hien-binh-dang-gioi-trong-gia-dinh-2156.html
https://sldtbxh.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/ván-dè-bình-dảng-giói–xoá-bỏ-bạo-lục-trong-gia-dình-hiẹn-nay/5342045