(Đà Nẵng). Tối qua (22/11/2024) đã diễn ra chương trình nghệ thuật khai mạc “Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại thành phố Đà Nẵng năm 2024” với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”. – điểm nhấn của chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu chủ trì (diễn ra đến hết ngày 24/11/2024). Ngoài người dân thành phổ biến, du khách trong nước, rất đông du khách quốc tế cũng đến tham dự chương trình, kết hợp trải nghiệm ở các gian hàng OCOP và không gian văn hóa đặc trưng của Lai Châu.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, 2 địa phương Đà Nẵng – Lai Châu thực hiện nghi thức khai mạc; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng 2024, ông Tống Thanh Hải, phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Lê Trần – T.Ngọc
Sau thủ đô Hà Nội (năm 2020), thành phố Hồ Chí Minh (2022), Đà Nẵng là địa phương được tỉnh Lai Châu chọn làm “điểm đến” để quảng bá tiềm năng du lịch, thể hiện mục tiêu xem du lịch-dịch vụ là 1 trong 3 trụ cột quan trọng phát triển của Lai Châu. Đặc biệt, Lai Châu còn hướng đến trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng mới ở khu vực phía bắc.
Lai Châu đầy bí ẩn, hấp dẫn đang chờ đón du khách thập phương
“Lai Châu làm “say” lòng người không chỉ bởi sự hấp dẫn của cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi sự hồn hậu, chất phác, hiếu khách của cộng đồng 20 dân tộc sinh tụ trên mảnh đất biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc. Với ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, du khách đến với Lai Châu được khám phá nét văn hóa phong phú, đa dạng và riêng có của các dân tộc, từ việc hoà mình vào những lễ hội truyền thống; đắm say trước những bộ trang phục rực rỡ sắc màu với đường chỉ thêu khéo léo; hấp dẫn bởi sự đa dạng, độc đáo của những món ăn truyền thống mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Không những vậy, chinh phục những cung đường uốn lượn quanh co của hai trong “Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” – Ô Quy Hồ hay Khau Phạ để đến với Lai Châu, du khách sẽ được tận hưởng những trải nghiệm riêng biệt. Với đặc thù địa hình núi cao, Lai Châu hấp dẫn, thu hút du khách đến thăm quan, khám phá và chinh phục bởi “đặc sản núi” Lai Châu được mệnh danh “Ba Nhất”: nơi có tới 6/10 ngọn núi cao hùng vĩ nhất đất nước, như đỉnh Pu Si Lung cao 3.083m, đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046m; nơi có những dãy núi nhấp nhô, trải liền đẹp nhất và nơi có những dãy núi cao khắc nghiệt nhất.
Thêm vào đó, một số địa phương của tỉnh được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn như cao nguyên Sìn Hồ, Dào San; hệ thống các mỏ nước khoáng nóng phục vụ du khách nghỉ dưỡng như suối khoáng Vàng Pó, Trung Đồng; vùng dược liệu chữa bệnh thu hút đông đảo du khách như tắm thuốc Sìn Hồ. Lai Châu cũng có lợi thế khai thác dịch vụ du lịch với các hồ thủy điện lớn như Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát…
Tất cả hòa quyện, tạo nên một Lai Châu đầy bí ẩn, hấp dẫn đang chờ đón du khách thập phương đến khám phá, trải nghiệm”. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại Thành phố Đà Nẵng năm 2024, ông Tống Thanh Hải mời gọi.
Ông Trần Quang Kháng -Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu và bà Nguyễn Thị Hoài An – Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng: Hợp tác mang đến cơ hội và môi trường thuận lợi để Lai Châu và Đà Nẵng cùng phát huy thế mạnh du lịch của nhau. Ảnh: T.Ngọc.
Nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến du lịch của xứ sở “Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc”, trong phiên làm việc buổi chiều (22/11/2024), đã diễn ra hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp cùng Sở Du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức. Sự kiện đã thu hút 30 doanh nghiệp du lịch, lữ hành Đà Nẵng tham dự. Đại diện diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng cùng tham dự với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hai địa phương.
Nội dung trọng tâm của hội nghị là tập trung giới thiệu tiềm năng phát triển, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, đặc biệt là sản phẩm mới, các cơ hội đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực du lịch-dịch vụ tại Lai Châu.
“Lai Châu là mảnh đất nơi ven trời Tây Bắc, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại (như đèo Ô Quy Hồ), những đỉnh núi cao thuộc tốp đầu của Việt Nam và Đông Nam Á. Nhiều điểm du lịch ở Lai Châu hiện đã nổi tiếng như khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hoá dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Đông Nam Á-Sin Suối Hồ.
Trong đó phải nhắc đến Rừng hoa Đỗ Quyên có một không hai ở Viẹt Nam; thiên đường Hoa Địa lan (bản du lịch Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Và sản vật đặc biệt được thiên nhiên ban tặng cho Pu Ta Leng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Ở độ cao trên 3000m, mây mù và sương phủ quanh năm, khí hậu trong lành, nguồn nước tinh khiết, thổ nhưỡng giàu vi lượng, đã nuôi dưỡng Rừng Trà cổ thụ nơi đây. Qua bàn tay chế biến của nghệ nhân, với nhiều công đoạn, đã cho loại danh trà với hương vị rất riêng (Trà cổ thụ Pu Ta Leng).
Lai Châu còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hoá, trong suốt chiều dài phát triển của đất nước. Nơi đây còn lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi, hay còn gọi “Bia cổ Hoài Lai”, đó là bài thơ trấn giữ biên cương của Vua Lê Thái Tổ, khắc ghi trên vách đá Pú Huổi Chỏ. Với 20 dân tộc, trong đó có 13 dân tộc sống theo cộng đồng, có bản sắc văn hóa riêng rất đa dạng, từ trang phục, nếp nhà truyền thống của đồng bào vùng cao, những điệu múa xòe, dân ca, dân vũ, các món ăn đặc sản bản địa, mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực vùng miền; các lễ hội làng nghề. Con người Lai Châu hiền hoà, thân thiện và vô cùng hiếu khách, một nguồn nội lực quan trọng của địa phương. Tất cả tạo lên một Lai Châu vừa thân thuộc, vừa độc đáo.
Lai Châu hiện đã có trên 133 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 33 khách sạn từ 1 sao đến 3 sao với trên 1.200 phòng); 148 nhà hàng với nhiều món ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; có hệ thống mạng di động 4G, cáp quang, Internet tốc độ cao được phủ sóng trên 8/8 huyện, thành phố, 100% xã, phường, thị trấn. Toàn địa bàn đã có 5 Khu du lịch, trong đó, có 2 điểm là đèo Ô Quy Hồ và Cao nguyên Sìn Hồ đã nằm trong danh mục địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia (theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ).
Bản sắc văn hóa riêng rất đa dạng của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu. Ảnh:T.Ngọc.
Với những sản phẩm, dịch vụ đã hoàn thiện, ngành Du lịch Lai Châu kỳ vọng cùng với ngành Du lịch Đà Nẵng liên kết, hợp tác trong xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch. Với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Đà Nẵng, chúng tôi muốn có thêm yêu cầu, thông tin, đề nghị mà điểm đến, dịch vụ tại Lai Châu cần đáp ứng. Qua đó, xây dựng các chương trình tour kết nối, trao đổi nguồn khách đến và đi giữa hai địa phương trong thời gian sớm nhất. Hiện tại hạn chế của chúng tôi là thông tin về du lịch Lai Châu còn được ít người biết đến”, ông Trần Quang Kháng -Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, chia sẻ.
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế Pu Lai Châu (Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Pu Lai Châu) bổ sung: Lai Châu có hệ sinh thái nguyên sơ, đặc biệt là nhiều cung rừng nguyên sinh. Lai Châu là thiên đường của du lịch trải nghiệm mạo hiểm và khám phá. Hiện Công ty cũng đã thiết kế các hành trình phù hợp với nhiều đối tượng, từ ngắn ngày đến dài ngày như tour Thành phố Lai Châu – Động PuSamCap – Bản Sin Suối hồ (1ngày 2 đêm); tour Lai Châu – Bản Sin Suối Hồ – Sìn Hồ – Phong Thổ – Tam Đường – Hà Nội (6 ngày, 5 đêm), … Kỳ vọng rằng, thông qua sự kiện, chúng tôi sẽ kết nối thành công với cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, đưa hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch, lữ hành hai địa phương Lai Châu và Đà Nẵng tạo nên những bước tiến mới, không chỉ trong thu hút khách trong nước và quốc tế, mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là tạo lên những hành trình khám phá thú vị.
Còn theo bà Trần Kiều Oanh – Giám đốc điều hành, Khu Du lịch sinh thái Cổng trời Ô Quy Hồ, thì sản phẩm mới và độc nhất ở Ô Quy Hồ chính là hầm ánh sáng, một công trình được đầu tư lớn, bố trí theo chủ đề với nhiều khu vực riêng, tái hiện rực rỡ những mảng sinh vật thực như nấm, động thực vật rừng nguyên sinh và cả đại dương, cảnh đẹp và câu chuyện về cội nguồn của dân tộc qua truyền thuyết.
Ông Hoàng Quốc Việt bà Trần Kiều Oanh. Ảnh: T.Ngọc.
“Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển du lịch là một chương trình trọng điểm của tỉnh chúng tôi, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với mục tiêu đón trên 2 triệu lượt khách vào năm 2030, nhận định rõ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch chất lượng đáp ứng được nhu cầu phân khúc thị trường khách cao cấp”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại Thành phố Đà Nẵng năm 2024, ông Tống Thanh Hải, cho biết.
“Biển Đà Nẵng song hành cùng Núi Lai Châu” quảng bá vẻ đẹp Việt Nam
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Lai Châu chia sẻ rằng, Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại thành phố Đà Nẵng năm 2024, hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu là cơ hội để “Chúng tôi được nghe doanh nghiệp dịch vụ, du lịch và lữ hành Đà Nẵng, chia sẻ và đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể cho liên kết phát triển du lịch giữa Lai Châu và Đà Nẵng trong thời gian tới. Qua gắn kết bền chặt giữa hai địa phương trong lĩnh vực du lịch, chúng ta cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý nhà nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng cho doanh nghiệp, cho phát triển bền vững Đà Nẵng-Lai Châu”.
Tại hội nghị, đã diễn ra nghi thức ký kết biên bản thoả thuận hợp tác, cùng đồng hành phát triển du lịch Đà Nẵng và Lai Châu, giai đoạn 2025 – 2030 giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu với Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng; các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, Hiệp hội Du lịch; Doanh nghiệp lữ hành của tỉnh Lai Châu và thành phố Đà Nẵng. Đây là tiền đề và là điều kiện để ngành du lịch, dịch vụ Lai Châu – Đà Nẵng tăng cường trao đổi thông tin, hình thành và khai thác chương trình, tour tuyến du lịch, trao đổi thị trường khách du lịch đến và đia giữa hai địa phương, xây dựng các chương trình, phương án kích cầu, ưu đãi cho du khách theo từng mùa cao điểm và thấp điểm.
Du khách quốc tế đang có mặt tại Đà Nẵng đến với Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu 2024.Ảnh: T.Ngọc.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hợp tác đã mang đến cơ hội và môi trường thuận lợi để Lai Châu và Đà Nẵng cùng phát huy thế mạnh du lịch của nhau. Trong đó, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tích cực trong vai trò cầu nối, giúp ngành du lịch, các doanh nghiệp địa phương bạn, kết nối với các Hiệp hội, Hội nghề nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành của Đà Nẵng. Các nội dung hợp tác cùng hỗ trợ bao gồm truyền thông và xúc tiến điểm đến, trao đổi khách lẫn nhau, làm phong phú chương trình tour, tuyến, đáp ứng tốt hơn chất lượng du lịch trải nghiệm trong nước.
Thay mặt Tổng cục Du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu hoan nghênh ngành Du lịch Lai Châu đã đầu tư lớn và tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng và đặt nền móng hợp tác phát triển, trao cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh mình. Rõ ràng từ đây, ngành Du lịch hai địa phương sẽ có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch, cùng phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; doanh nghiệp du lịch ở mỗi địa phương có thêm những đối tác mới, cũng như cơ hội mở rộng thị trường, cùng nhau hợp tác, phát triển trong thời gian thông qua hỗ trợ nhau khảo sát thị trường, khảo sát điểm đến, triển khai hiệu quả hơn các kế hoạch, chương trình phát triển mục tiêu về du lịch của mỗi địa phương.
Trải nghiệm tính đa dạng trong bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc ở Lai Châu.Ảnh:T.Ngọc
“Lai Châu hiện có nhiều sản phẩm du lịch giài tiềm năng, nhưng còn khá nguyên sơ, chưa được khai thác nhiều. Muốn đưa vào tour, tuyến, chương trình du lịch, phải có lộ trình đầu tư. Điều này, ngành du lịch Lai Châu có thể học hỏi, tham khảo cách làm du lịch của Đà Nẵng”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu gợi ý và chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lai Châu, ông Trần Quang Kháng trong phát biểu kết luận đã nhấn mạnh mục tinh thần “Doanh nghiệp phát tài – Lai Châu phát triển”, và cam kết “luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, trong quá trình xây dựng, triển khai các chương trình tour và hoạt động du lịch tại địa phương. Lai Châu sẽ luôn dành tình cảm thân thiện, đầy trách nhiệm chào đón doanh nghiệp lữ hành, du lịch và du khách khi đến với Lai Châu. Chúng tôi xem đây là cơ hội để giới thiệu nét hấp dẫn, đặc trưng của vùng đát Lai Châu, giúp chúng tôi đưa du lịch Lai Châu ngày càng vươn xa”.
Trước đó, cũng tại Đà Nẵng, vào tháng 7/2024, 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và Bắc Kạn đã tổ chức giới thiệu, quảng bá chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV – Bắc Kạn năm 2024. , gắn với một số hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949-24/8/2024)./.
Trần Ngọc