Chủ Nhật, Tháng 6 22, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tuyệt đối không để lọt cán bộ yếu kém do sức ép “lợi ích nhóm” tiêu cực, tư tưởng cục bộ tại địa phương

Ngày 25/5/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.

ĐNA -

Kết luận 157-KL/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong công tác cán bộ, trong đó đặc biệt lưu ý tuyệt đối không để xảy ra khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm” tiêu cực làm ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm cán bộ, nhất là đối với những trường hợp thiếu phẩm chất, năng lực, không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Đây là bước khẳng định quyết tâm chính trị trong việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.

Theo Kết luận, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, chủ động nắm tình hình dư luận, dự báo nguy cơ, kịp thời nhận diện và xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp có thể phát sinh. Mục tiêu là bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, tạo điều kiện để bộ máy mới sau sắp xếp đi vào hoạt động thông suốt, hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu năng.

Bộ Chính trị giao lãnh đạo được phân công triệu tập, đồng chủ trì cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy thuộc diện hợp nhất, sáp nhập, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chủ trương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trọng tâm là công tác chuẩn bị xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh, cấp xã thuộc diện hợp nhất, thành lập mới. Tuyệt đối không để xảy ra tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm” tiêu cực trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhân sự. Đồng thời, giao lãnh đạo được phân công chịu trách nhiệm chủ trì, chỉ đạo việc xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố mới.

Chuyển giao chức năng, kiện toàn bộ máy sau sáp nhập
Bộ Chính trị giao Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng về quy trình, thủ tục để chuyển giao các chức năng, nhiệm vụ từ cấp huyện về cấp xã sau sáp nhập, thực hiện ngay khi các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập cần bảo đảm đồng bộ, thông suốt, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.

Bộ Chính trị yêu cầu đưa các đơn vị hành chính cấp xã mới vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, phấn đấu hoàn thành trước 15/7/2025. Đối với cấp tỉnh, thời hạn hoàn thành là trước ngày 15/8/2025. Kết luận nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi tác động, can thiệp vào quá trình sắp xếp nhân sự; các vi phạm nếu có sẽ bị xử lý nghiêm minh.”

Sớm ban hành quy định về chức danh, bộ máy và chính sách
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo các nghị định liên quan đến phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương hai cấp, cũng như quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã.

Trong tháng 5/2025, cần hoàn thành hướng dẫn tạm thời về biên chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND xã, phường, đặc khu; tiếp đó là xác định vị trí việc làm gắn với giao biên chế cho địa phương để đảm bảo trong 5 năm thực hiện đúng số lượng biên chế theo quy định.

Đảng ủy Chính phủ cũng có trách nhiệm rà soát, bổ sung hướng dẫn, xử lý các nội dung cần chuyển tiếp trong quá trình chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt và hiệu quả, hoàn thành trước ngày 5/6/2025.

Về tiêu chuẩn công chức cấp xã, phường, đặc khu, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, và hoàn thiện chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thời hạn trước ngày 15/6/2025.

Tập trung hoàn thiện phương án nhân sự và tổ chức đảng bộ mới
Ban Tổ chức Trung ương được giao tổng hợp ý kiến của các cơ quan, ban đảng Trung ương và các cấp ủy trực thuộc Trung ương để hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của đảng ủy xã, phường, đặc khu và các đơn vị sự nghiệp cấp ủy cấp xã.

Cùng với đó, Ban Tổ chức Trung ương sẽ phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy thuộc diện sáp nhập để hoàn thiện phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 20/6/2025 (phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/6/2025). Đồng thời, triển khai đề án chấm dứt hoạt động của các đảng bộ cũ, thành lập đảng bộ tỉnh, thành phố mới theo đúng quy trình, bảo đảm sự kế thừa và ổn định trong tổ chức đảng.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cơ quan, ban đảng Trung ương tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy định của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thông suốt giữa Trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền hai cấp sau sắp xếp.

Kiên quyết loại bỏ “lợi ích nhóm”, cục bộ địa phương trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy theo tinh thần các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị là một nhiệm vụ chính trị lớn, hệ trọng và phức tạp. Đặt ra yêu cầu phải giữ vững ổn định chính trị – xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả bộ máy, nhưng đồng thời phải chủ động nhận diện, ngăn chặn từ sớm những biểu hiện lệch lạc trong công tác cán bộ, đây là thông điệp cốt lõi được nhấn mạnh trong Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành ngày 25/5/2025.

Loại bỏ những con “hải âu” trên con tàu cách mạng Việt Nam

Không để lọt cán bộ không đủ tiêu chuẩn vì tư tưởng cục bộ
Một trong những điểm nhấn mạnh mẽ và đặc biệt đáng chú ý trong Kết luận lần này là yêu cầu “tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm tiêu cực” trong công tác cán bộ khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Cảnh báo này không phải là mới, nhưng việc lặp lại với mức độ nhấn mạnh cho thấy những nguy cơ cũ đang có biểu hiện trở lại, hoặc chưa được kiểm soát triệt để trong các đợt sắp xếp vừa qua. Trong thực tế, khi tổ chức bộ máy tinh gọn, việc lựa chọn, bố trí lại nhân sự không chỉ là vấn đề kỹ thuật hành chính đơn thuần mà là một phép thử về bản lĩnh chính trị, sự công tâm và tinh thần vì cái chung của từng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu.

Trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ bị giải thể, sáp nhập để hình thành tổ chức mới, việc lựa chọn ai ở lại, ai nghỉ, ai giữ vị trí lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành của bộ máy. Nếu bị chi phối bởi “nhóm lợi ích” tiêu cực hay xu hướng cục bộ, không những làm méo mó nguyên tắc công tác cán bộ mà còn tạo ra mầm mống bất ổn, gây mất đoàn kết nội bộ.

Tổ chức lại bộ máy: Động lực hay lực cản phụ thuộc vào cách làm
Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy chủ động nắm tình hình tư tưởng, dự báo nguy cơ, xử lý vấn đề nảy sinh, nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao, hợp nhất bộ máy được vận hành thông suốt. Đây là yếu tố then chốt quyết định thành bại của cả quá trình.

Lộ trình cụ thể cũng đã được Bộ Chính trị ấn định: cấp xã mới phải đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, hoàn thành trước ngày 15/7/2025; cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 15/8/2025. Với mốc thời gian chặt chẽ này, khối lượng công việc về xây dựng văn kiện đại hội, phương án nhân sự, tổ chức đảng bộ mới và chuyển giao chức năng giữa các cấp chính quyền là cực kỳ lớn.

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, không lơ là, không để xảy ra tình trạng “đứt gãy” trong vận hành bộ máy sau sáp nhập. Trong đó, công tác cán bộ phải được coi là khâu đột phá và là “thước đo” cho mức độ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương.

Phải có tiêu chuẩn rõ ràng, chế tài nghiêm minh
Một điểm quan trọng khác là yêu cầu sớm ban hành tiêu chuẩn chức danh công chức xã, phường, đặc khu, xây dựng mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn, hoàn thiện hệ thống pháp lý phục vụ mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ này trong các mốc thời gian cụ thể, nhiều nội dung chốt hạn trước giữa tháng 6/2025.

Đặc biệt, kết luận nêu rõ nghiêm cấm mọi hành vi tác động, can thiệp vào quá trình sắp xếp nhân sự, nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Trung ương trong việc làm trong sạch bộ máy từ gốc, dứt khoát không chấp nhận “đánh đổi” sự hiệu quả của tổ chức bằng sự thỏa hiệp với tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương – Ảnh: Ban Nội chính Trung ương.

Cần có cơ chế sử dụng người có năng lực nổi trội
Sáng 19/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tại đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan cần xây dựng cơ chế hiệu quả để sàng lọc, loại khỏi vị trí công tác những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đồng thời phát hiện và trọng dụng người có năng lực nổi trội.

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư khẳng định: việc tổng kết Nghị quyết 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một cuộc cách mạng nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện phải được tiến hành với quyết tâm cao, hành động quyết liệt và khẩn trương, theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trung ương không chờ cấp tỉnh, tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở.

Tổng Bí thư yêu cầu công tác tổng kết phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sát thực tế, trên tinh thần cầu thị. Cần xác định rõ các yếu kém, bất cập và nguyên nhân; đồng thời đề xuất mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính.

Tinh gọn bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân trong tổ chức, nhất là khi đề xuất giải thể hoặc sáp nhập các cơ quan. Do đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Việc tinh gọn bộ máy phải gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và được bố trí biên chế hợp lý. Công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động và đánh giá cán bộ cần thực hiện thực chất, dựa vào kết quả, sản phẩm cụ thể. “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo tập trung nghiên cứu, làm rõ các nguyên tắc xuyên suốt và tiêu chí cụ thể cho từng nội dung, để hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện một cách nhất quán. Đồng thời, cần tham mưu, đề xuất các mô hình tổ chức mới với mục tiêu đưa bộ máy mới vào hoạt động hiệu quả ngay từ đầu. Những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng do cải cách tổ chức cần được đảm bảo đầy đủ quyền lợi.

Kỳ vọng vào bộ máy mới, tinh gọn, hiệu quả, vì dân phục vụ
Sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy không đơn thuần là gộp cơ học, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đặt người dân vào trung tâm phục vụ. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, yếu tố con người, đội ngũ cán bộ được lựa chọn và bố trí đóng vai trò then chốt.

Chỉ khi nào công tác cán bộ được thực hiện khách quan, công tâm, dựa trên tiêu chuẩn, không bị chi phối bởi các động cơ cá nhân, nhóm lợi ích tiêu cực hay tư tưởng cục bộ địa phương, khi ấy chúng ta mới có thể kỳ vọng bộ máy mới sẽ thực sự phát huy hiệu quả, đồng thời khôi phục niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào các quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính không chỉ là bài toán hành chính – tổ chức mà còn là phép thử về năng lực lãnh đạo, điều hành, đặc biệt là bản lĩnh chính trị của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác cán bộ. Thực tiễn đã cho thấy, nếu công tác nhân sự bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương hay lợi ích nhóm tiêu cực thì bộ máy mới dù tinh gọn về hình thức cũng sẽ không thể phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tế.

Bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn không chỉ vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng mà còn kéo theo hệ lụy lâu dài: làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; gây mất đoàn kết nội bộ; phá vỡ mục tiêu tinh giản, chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính. Chính vì vậy, yêu cầu “tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm tiêu cực” không phải là khuyến nghị mang tính hình thức mà là mệnh lệnh chính trị nghiêm khắc.

Sắp tới, việc thực hiện các đề án sáp nhập cấp xã, cấp tỉnh và chấm dứt hoạt động cấp huyện là một bước đi lớn, có ý nghĩa chiến lược trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Quá trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ thể chế đến con người, trong đó công tác cán bộ là khâu then chốt quyết định thành bại.

Để thành công, không thể có chỗ cho sự thỏa hiệp với tiêu cực, càng không thể nhân nhượng với việc bổ nhiệm “cho xong” những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực. Những lựa chọn sai lầm trong công tác nhân sự không chỉ làm méo mó nguyên tắc tổ chức của Đảng, mà còn gây tổn hại lâu dài đến hiệu quả vận hành của bộ máy hành chính và niềm tin của Nhân dân.

Chỉ khi công tác cán bộ được siết chặt kỷ cương, đặt lợi ích chung, lợi ích của Đảng và đất nước lên trên, bộ máy mới mới có thể hoạt động thực chất, hiệu quả và vì dân phục vụ. Đặc biệt, nếu để lọt những trường hợp bổ nhiệm sai, thiếu tiêu chuẩn, không đủ năng lực, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở người đứng đầu cấp ủy địa phương mà Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Nội chính và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cùng cấp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong tổ chức bộ máy Đảng, phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ suy thoái, lợi ích nhóm tiêu cực, tạo nền móng vững chắc cho việc xây dựng một chính quyền địa phương hai cấp hiệu quả, hiện đại, liêm chính, vì dân.

Thế Nguyễn