Thứ ba, Tháng mười 15, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ukraine có thể vỡ nợ khi các chủ nợ sắp tới hạn “đòi tiền”Thời hạn tháng 8/2024

ĐNA -

Reuters nhận định, nếu như không đạt được các thỏa thuận nào, Ukraine có thể sẽ vỡ nợ vào tháng 8/2024, trừ khi nước này có thể bắt đầu thanh toán hoặc gia hạn lại thỏa thuận nợ hiện tại. Vấn đề lớn ở đây là nếu Kiev không cắt giảm mức nợ, IMF có thể sẽ phải chịu áp lực dừng chương trình hỗ trợ cho Ukraine vì tình hình tài chính của Ukraine sẽ bị coi là không bền vững.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko. Ảnh: Reuters

Ukraine đang phải vật lộn với 20 tỷ USD nợ trái phiếu tư nhân. Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các công ty khổng lồ của Mỹ là BlackRock và Pimco – cũng như Amundi của Pháp đã cấp cho Kiev lệnh hoãn trả nợ trái phiếu chính phủ trong 2 năm. Tuy nhiên, căng thẳng Nga – Ukraine đã kéo dài hơn dự kiến và nghĩa vụ thanh toán các khoản này của Ukraine sẽ được tiếp tục vào tháng 8/2024.

Financial Times (FT) cho biết, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến Kiev thiệt hại hàng tỷ USD. Không những thế, Kiev đã ở trong tình trạng nợ nần phức tạp trước khi tham gia vào cuộc xung đột, buộc phải tái cấu trúc nợ tư nhân vào năm 2015 sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Tuy nhiên hiện giờ, đất nước này phải cân bằng giữa việc vay nợ để đối phó với những cuộc tấn công của Nga đồng thời phải quản lý các khoản nợ cũ. FT nhận định, Ukraine vừa phải đáp ứng những kỳ vọng tài chính của các chủ nợ, đồng thời phải duy trì sức hấp dẫn của mình đối với các nhà đầu tư tư nhân khi dòng tiền của những nhà đầu tư này là rất quan trọng cho quá trình tái thiết sau này.

Cuộc đàm phán bế tắc
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và các chủ nợ trái phiếu quốc tế nhằm cắt giảm các khoản nợ để hỗ trợ Kiev đã bị đình trệ vào hôm 17/6. Reuters đánh giá, điều này đồng nghĩa với việc đồng hồ điểm khả năng vỡ nợ quốc gia trị giá hơn 20 tỷ USD vào cuối mùa hè này lại đang tích tắc chạy.

Vào hồi đầu tháng 6, các cuộc đàm phán chính thức giữa Kiev và một ủy ban chủ nợ đặc biệt nắm giữ 1/5 trong số 20 tỷ USD trái phiếu châu Âu đang tồn đọng của nước này đã được tiến hành trong gần hai tuần. Ukraine đang kêu gọi các trái chủ chấp nhận giảm giá trị khoản nợ khi cố gắng đáp ứng yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cơ cấu lại trái phiếu nhằm duy trì khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

Ukraine đề xuất các chủ nợ cắt giảm giá trị trái phiếu của họ tới 60% và các chủ nợ chỉ đồng ý ở mức hơn 22%.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết nhóm của ông sẽ tiếp tục đàm phán với những chủ nợ.

Khả năng vỡ nợ của Ukraine
Financial Times đề xuất, Ukraine hiện có một số lựa chọn. Cách thứ nhất, Ukraine có thể chuyển hướng sức ép từ những khoản nợ bằng cách vận động hành lang để tạm dừng việc thanh toán cho đến năm 2027. Cách thứ 2, Ukraine có thể chọn vỡ nợ.

2 lựa chọn trên đều mang lại nhiều rủi ro. Việc trì hoãn thanh toán sẽ dẫn đến chi phí cuối cùng mà Ukraine phải trả lớn hơn do tiền lãi tích lũy. Trong khi đó, việc tuyên bố vỡ nợ có thể gây nguy hiểm cho những nguồn vốn trong tương lai. Đồng thời, việc phải giải quyết các thủ tục phá sản sẽ làm chệch hướng trọng tâm sống còn của Kiev là tập trung cho chiến trường.

Theo The Conversation, Ukraine phải đối mặt với sự đánh đổi trong đàm phán nợ. Nếu Ukraine thuyết phục được các chủ nợ giảm bớt một phần lớn số tiền nợ phải trả, hoặc nếu Kiev tuyên bố không thể trả nợ (vỡ nợ), điều này sẽ giúp họ không phải trả số tiền nợ đó trong thời gian ngắn hạn. Khi không phải trả các khoản nợ ngay lập tức, Ukraine có thể sử dụng số tiền đó để chi trả cho các nhu cầu cấp bách khác liên quan đến cuộc xung đột với Nga như mua vũ khí, cung cấp hậu cần, hay hỗ trợ quân đội. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của quyết định trên có thể rất nghiêm trọng, với chi phí vay cao hơn và thời gian bị cấm tham gia thị trường vay vốn sẽ dài hơn.

Có một số tín hiệu mà người Ukraine xem là tích cực. Sau nhiều ngày trì hoãn, quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD. London cũng cung cấp gói viện trợ lớn nhất trị giá hơn 3 tỷ bảng cho Kiev. Gần đây, các nước thuộc G7 đã chấp thuận sử dụng tài sản đóng băng của Nga để tài trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine.

Nhưng theo The Conversation, các nguồn tài chính bổ sung trên không giải quyết được vấn đề nợ của Ukraine. Các gói viện trợ của Anh và Mỹ chỉ dành cho trang thiết bị quân sự, không dùng cho ngân sách. Khoản vay từ G7 sẽ linh hoạt hơn nhưng không có sẵn để dùng ngay mà phải chờ tới cuối năm nay.

Đinh Hoàng Anh