Thứ bảy, Tháng chín 14, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ukraine hoài nghi về tiến độ phương Tây xử lý 50 tỷ USD từ tài sản Nga đóng băng

ĐNA -

Theo Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho hay, Giới chức Ukraine đang ngày càng tỏ ra hoang mang về tiến độ hoàn tất thỏa thuận sẽ mở khóa để giải ngân khoản hỗ trợ 50 tỷ USD trích từ lợi nhuận của các tài sản bị đóng băng thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga. 

Nga giành quyền kiểm soát 40 cứ điểm của lực lượng Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ. Ảnh: Izvestia

Ukraine đang rất cần khoản tiền nói trên trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã kiệt quệ sau 2 năm chiến sự và Kiev đang thiếu nghiêm trọng ngân sách quốc phòng trong cuộc chiến tiêu hao với Nga. Việc phương Tây vẫn chưa thể thống nhất được cách thức hỗ trợ đang khiến Ukraine lo ngại.

Lực lượng Ukraine đang phải vật lộn để ngăn chặn bước tiến mạnh mẽ của Nga ở phía đông trong khi chuyển nguồn lực sang mặt trận mới ở khu vực Kursk phía tây Nga sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 6/8.

Ukraine đang chờ đợi các động thái của phương Tây liên quan tới số phận của khoản tiền trên khi thời hạn cuối năm sắp tới.

“Chúng tôi cần một cơ chế thực sự. Các cuộc thảo luận có liên quan đã diễn ra quá lâu và cuối cùng chúng ta cần đưa ra quyết định”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu vào ngày 21/8, liên quan tới khoản tiền.

Vào tháng 6/2024, lãnh đạo các nước G7 đã đạt được thỏa thuận về việc cấp cho Ukraine 50 tỷ USD lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga vào cuối năm nay. Cụ thể, Ukraine sẽ được cấp một khoản vay 50 tỷ USD từ phương Tây. Lãi từ khoảng 280 tỷ USD tài sản của Nga đang bị đóng băng sẽ được tịch thu để trả dần khoản vay.

Tuy nhiên, việc thực thi kế hoạch tới nay vẫn khó khả thi do các yêu cầu từ Mỹ và mối đe dọa từ Hungary, một thành viên EU có thể chặn quyết định của Liên minh châu Âu trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga.

Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, phần lớn được đặt ở châu Âu, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Việc thực hiện thỏa thuận của G7 đã gặp trở ngại do Mỹ lo ngại rằng EU cần phải gia hạn lệnh đóng băng tài sản lâu hơn thời hạn 6 tháng một lần như hiện tại, cùng với các lệnh trừng phạt rộng hơn nhắm vào Moscow. Mỹ đã yêu cầu những đảm bảo bền vững hơn nhằm xoa dịu mối lo ngại trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden về việc ký kết khoản vay mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Vào tháng 7/2024, EU đã đưa ra cho các quốc gia thành viên hai lựa chọn để đóng băng tài sản trong thời gian dài hơn mức 6 tháng 1 lần như hiện tại.

Một quan chức cấp cao ẩn danh của chính quyền Biden cho biết Mỹ muốn có sự đảm bảo từ các đồng minh rằng tài sản của Nga sẽ vẫn bị đóng băng cho đến khi có một thỏa thuận hòa bình công bằng và Nga phải bồi thường thiệt hại do cuộc chiến. Nếu điều đó xảy ra, quan chức Mỹ tin tưởng rằng số tiền này có thể bắt đầu được cấp vào cuối năm 2024.

Cho đến nay, khối 27 thành viên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận nào, và một số quan chức tỏ ra nghi ngờ về khả năng tìm ra giải pháp vì Hungary đã từng ngăn chặn các nỗ lực gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga trong khoảng thời gian trên 6 tháng.

Những cuộc tranh luận trong nội bộ EU, và giữa khối này với Mỹ vẫn chưa có hồi kết, dẫn tới việc dù G7 đã đồng ý về mặt nguyên tắc, việc thực thi thỏa thuận trên vẫn còn trong trạng thái mơ hồ.

Chy Lê