Ngày 20/2/2023, Tờ Times của Anh cho biết, phương Tây cam kết chuyển giao tổng cộng 320 xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine, nhưng ước tính chỉ gần 50 chiếc có thể xuất hiện ở tiền tuyến vào đầu tháng 4, dẫn đến những lo ngại rằng chúng sẽ không mang lại tác động đáng kể với cục diện chiến sự.
Thông tin được được ra giữa lúc phương Tây vào tháng trước đã chấp nhận viện trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Quyết định được đưa ra trong khi phương Tây và Ukraine ngày càng lo ngại Nga sắp mở đợt tiến công mới. Lực lượng Nga gần đây đạt được một số bước tiến ở vùng Donbass và đang khép vòng vây quanh Bakhmut. Kiev cho rằng xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 và Leopard 2 do phương Tây cung cấp sẽ có vai trò quan trọng trong nỗ lực đối phó đà tiến công của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước cho biết ông sẽ hối thúc các đồng minh cung cấp hơn 80 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, lực lượng đóng vai trò xương sống trong nỗ lực viện trợ thiết giáp hiện đại của châu Âu cho Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận biện pháp này chủ yếu mang tính biểu tượng, khó tạo ra bước đột phá chiến lược vì nhiều xe tăng Leopard 2 chuyển cho Ukraine là phiên bản cũ với tính năng hạn chế.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics kêu gọi các đồng minh nhanh chóng chuyển giao xe tăng cho Ukraine và ngừng lo ngại về kho dự trữ của bản thân, thêm rằng phương Tây cần chuẩn bị cho cuộc đấu lâu dài với Nga.
“Vẫn còn những suy nghĩ, ngay cả trong quân đội Latvia, rằng không nên cung cấp mọi thứ cho Ukraine. Các quan chức quốc phòng vẫn cho rằng cần giữ lại một phần khí tài. Chúng ta phải huy động toàn bộ tiềm lực công nghiệp quốc phòng. Nhà xưởng của Nga làm việc ba ca/ngày, trong khi phương Tây chỉ làm một ca. Cần lấp khoảng trống ngay”, ông Rinkevics nói.
Chính phủ Anh đi đầu nỗ lực với cam kết chuyển giao 14 xe tăng chủ lực Challenger 2 cho Ukraine. Đức sau đó thông báo thành lập liên minh đa quốc gia nhằm chuyển 80 xe Leopard 2, vốn được đánh giá cao nhờ tính năng hiện đại và lượng linh kiện dồi dào tại châu Âu, trong khi Mỹ cũng hứa viện trợ 31 xe tăng M1A2 Abrams. Đan Mạch, Đức và Hà Lan cũng cam kết đại tu và chuyển 178 xe tăng Leopard 1A5 loại biên gần 60 năm tuổi cho Ukraine. Dù vậy, kế hoạch này đang bị đình trệ khi các nước châu Âu chỉ trích lẫn nhau, kèm theo những dấu hiệu cho thấy mạng lưới bảo dưỡng khí tài đang có vấn đề.
Quân đội Anh thông báo sẽ chuyển 4 chiếc Challenger 2 cho Ukraine trong đợt đầu, động thái được một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu mô tả là “trò đùa về hậu cần” vì hàng loạt thách thức khi tích hợp số lượng xe tăng nhỏ như vậy vào đơn vị tác chiến.
80 xe tăng Leopard 2 dự kiến được chia thành hai tiểu đoàn do Đức và Ba Lan phụ trách trước khi chuyển giao cho Ukraine. Tiến độ thành lập đơn vị của Ba Lan, với thành phần gồm các xe Leopard 2A4 đời cũ, dường như đang tiến triển thuận lợi. Trong khi đó, tiểu đoàn của Berlin với cốt lõi là 14 xe tăng Leopard 2A6 Đức chưa tập hợp được một nửa.
Canada sẽ chuyển 4 xe Leopard 2, Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ cung cấp ba chiếc vào tháng 3. Na Uy cam kết cung cấp 8 chiếc trong tương lai, còn Phần Lan cũng sẵn sàng viện trợ Ukraine số lượng chưa xác định. Những nước khác đủ khả năng viện trợ xe tăng Leopard 2 như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó mỗi nước biên chế hơn 300 xe, vẫn tỏ ra ngần ngại.
Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ nhiều khả năng không thể tới Ukraine trong năm nay. Gần 180 xe Leopard 1A5 cũng mất nhiều thời gian để lấy từ kho niêm cất và đại tu. Pháp từng để ngỏ khả năng viện trợ xe tăng Leclerc hiện đại cho Ukraine, nhưng chưa đưa ra tuyên bố công khai nào.
Các quan chức Đức suốt tuần qua đã bày tỏ chán nản về tình trạng thiếu sự ủng hộ, nhất là sau khi Berlin phải chịu áp lực khổng lồ từ các đồng minh để khởi động nỗ lực viện trợ xe tăng cho Kiev.
“Đây là câu hỏi tôi cần đặt cho những người khác, đặc biệt là những người đã hối thúc tôi hành động theo cách đặc biệt”, Thủ tướng Scholz nói hôm 17/2 khi được hỏi vì sao nỗ lực viện trợ xe tăng chủ lực cho Ukraine lại triển khai chậm chạp như vậy.
Xe tăng phương Tây nặng trên 60 tấn có thể gây ra rắc rối liên quan đến hạ tầng giao thông, đặc biệt là những cây cầu của Ukraine.
Anh, Mỹ và Đức tháng trước thông báo cung cấp một số xe tăng chủ lực như Challenger 2, M1A2 Abrams và Leopard 2A6 cho Ukraine. Đức cũng chấp thuận cho các quốc gia đang vận hành Leopard 2 viện trợ loại xe tăng này.
Nhưng giới chuyên gia phương Tây nhận định trọng lượng của xe tăng phương Tây có thể gây ra vấn đề với Ukraine, khi những cây cầu được xây từ thời Liên Xô chỉ chịu được trọng lượng của các loại xe tăng dưới 50 tấn. Trong khi đó, ba mẫu xe tăng Challenger 2, M1A2 và Leopard 2 đều nặng trên 60 tấn.
Chuyên gia quân sự Michael Peck nhận định trọng lượng của xe tăng phương Tây “ảnh hưởng tới độ an toàn khi chúng đi qua những cây cầu, điều này tác động tới vị trí triển khai và khả năng cơ động dễ dàng trên chiến trường”.
“Nhiều cây cầu của Ukraine có thể không phù hợp với xe tăng chủ lực nặng hơn mà phương Tây viện trợ”, Frank Ledwidge, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, nhận định. “Hệ thống cầu dã chiến trong biên chế quân đội Ukraine cũng có thiết kế dành cho xe tăng Liên Xô, không phải M1A2 Abrams, Challenger 2 hay Leopard 2”.
Ông Ledwidge cho rằng phương Tây có thể cung cấp cầu dã chiến phù hợp xe tăng chủ lực của họ cho Ukraine. “Quân đội Ukraine sẽ bị giới hạn về sự lựa chọn, song các chỉ huy của họ biết rất rõ vấn đề và sẽ tìm cách triển khai xe tăng phương Tây phù hợp để tận dụng năng lực của chúng”, ông Ledwidge đánh giá. Ukraine, Mỹ, Anh và Đức chưa bình luận về thông tin trên.
Trang Breaking Defense tháng 2/2020 nhận định hạ tầng giao thông tại Tây Âu trong Chiến tranh Lạnh “thường được gia cố để phục vụ xe tăng của NATO với trọng lượng hơn 60 tấn”, trong khi các nước Đông Âu không cần làm điều này do họ vận hành xe tăng Liên Xô sản xuất như T-72 với trọng lượng nhẹ hơn nhiều.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói lô xe tăng viện trợ đầu tiên của phương Tây có thể gồm 120-140 chiếc, được gửi từ 12 nước. Số xe tăng này sẽ có mẫu Leopard 2 do Đức sản xuất, Challenger 2 của Anh và M1A2 Abrams của Mỹ. Xe tăng dự kiến đến Ukraine vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Nga tiếp tục nhấn mạnh bất cứ vũ khí nào phương Tây chuyển cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và dẫn tới đổ máu không cần thiết. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo “xe tăng Đức sẽ cháy rụi trên chiến trường Ukraine như những phần còn lại của vũ khí phương Tây”.
Chy Le