Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

UNESCO luôn chấp thuận với mọi đề nghị của Việt Nam

ĐNA -

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 09/7/2024, Hội nghị triển khai công tác ngoại giao văn hóa năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước, được chủ trì bởi Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc – Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa và 94 Đại sứ/Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị triển khai công tác Ngoại giao văn hóa năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tại Hội nghị, Tổng giám đốc UNESCO khẳng định rằng nếu tất cả các nước đều có tinh thần hợp tác như Việt Nam thì “UNESCO đã khác và thế giới đã khác”, ngoài ra sẽ luôn chấp thuận với mọi đề nghị của Việt Nam. Phó Tổng giám đốc UNESCO cũng chia sẻ rằng với vị trí tích cực và trách nhiệm như Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể đảm nhiệm những vai trò lớn hơn, như Tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ tới. Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Việt Nam là một “hiện tượng” hiếm có ở UNESCO nhờ vai trò và nỗ lực tại tổ chức.

Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO tự hào chia sẻ rằng, bạn bè quốc tế đánh giá nước ta đã tạo nên một “hiện tượng Việt Nam” tại UNESCO, là một trong số ít nước vừa nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, vừa nhận được tình cảm của các lãnh đạo UNESCO.

Tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, v.v., các nội dung hợp tác về văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân hay thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, phát triển và đậm đà bản sắc luôn được truyền tải rất hiệu quả. Đặc biệt, quan hệ đối tác Việt Nam – UNESCO có những bước phát triển sâu sắc. Bà Vân nhấn mạnh tại diễn đàn UNESCO, Việt Nam có được sự tin cậy của bạn bè quốc tế, tự tin, chủ động cảm nhận vị trí, vai trò quan trọng, khi đang đảm nhận 6 cơ chế điều hành then chốt tại UNESCO, với 4 vị trí Phó Chủ tịch.

Tại Hội nghị, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác Ngoại giao văn hóa 2023-2024 và các phương hướng 2024-2026. Quyền Vụ trưởng chia sẻ rằng trong thời gian qua, đối ngoại và hội nhập đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, đặc biệt Chỉ số sức mạnh mềm của Việt Nam giai đoạn trên tăng tới 16 bậc, từ 69 lên 53 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Tại Hội nghị, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Bỉ, Angeria, Australia, Italia, Nam Phi,… cũng đã có những chia sẻ cô đọng nhưng sâu sắc, thực tiễn về công tác triển khai ngoại giao văn hóa tại mỗi địa bàn, cũng như đưa ra một số đề xuất, tiêu biểu như việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm hay cần nguồn lực thích đáng, huy động được đầu tư xã hội hóa, cũng như chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngoại giao văn hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Trong phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và toàn diện, trích dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Bộ trưởng khẳng định, ngoại giao chính trị đóng vai trò chủ đạo, ngoại giao kinh tế là mũi nhọn đột phá, còn ngoại giao văn hóa tạo nên nền tảng tinh thần và bản sắc đặc trưng của ngoại giao Việt Nam.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phương châm “Ngoại giao văn hóa lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, đồng thời khẳng định công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị.

Lê Huy