Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

ĐNA -

(Chinhphu.vn). Ngày 25/11/2023, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới “Cùng chung tay, Cùng thay đổi”, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chủ trì và phát biểu khai mạc. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc.

Các đại biểu thực hiện nghi thức bày tỏ quyết tâm “Cùng chung tay, Cùng thay đổi”

Tại sự kiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga kêu gọi hãy lên tiếng khi bị bạo lực hoặc nhìn thấy bạo lực; thể hiện sự tôn trọng với mọi giới, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em; xóa bỏ những định kiến, khuôn mẫu áp đặt phi lý cho trách nhiệm, bổn phận của phụ nữ và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức đầu tư nguồn lực, cùng chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 nhằm tạo điểm nhấn trong chiến dịch truyền thông Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thể hiện sự hưởng ứng, cam kết của các cấp Hội trong hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời, vận động, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, các cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, sự kiện là điểm nhấn trong chiến dịch truyền thông nhằm thể hiện sự hưởng ứng, cam kết của các cấp Hội hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời vận động, sự quan tâm, ủng hộ của cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, các cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sự kiện còn ý nghĩa hơn khi tổ chức đúng vào ngày 25/11- được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Theo bà Hà Thị Nga, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn nỗ lực triển khai các hoạt động vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Các cấp Hội đã tập trung nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, chú trọng các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, trẻ em, điển hình là chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với đó, Hội đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt, với việc đề xuất thành công Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, các cấp Hội tiếp tục các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, tạo sinh kế và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em, trong đó, “Ngôi nhà Bình yên” của Hội đã trở thành mô hình điển hình, hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Đến nay, “Ngôi nhà Bình yên” đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 1.600 người đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số.

Trong khuôn khổ sự kiện truyền thông, đại biểu và phụ nữ Thủ đô đã tham gia đạp xe diễu hành tại các đường phố chính nhằm chuyển tải, lan tỏa các thông điệp bình đẳng giới. Triển lãm 3D biểu trưng bình đẳng giới cũng được trưng bày tại phố đi bộ hồ Thiền Quang (công viên Thống Nhất) với các nội dung về bình đẳng giới, về bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và những nỗ lực của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Được biết, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 có chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Hội LHPN Việt Nam cũng tổ chức tọa đàm “Mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản ở Việt Nam”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; Xây dựng chuỗi Podcast CAM với các khách mời – là các nhà hoạt động xã hội chia sẻ quan điểm, góc nhìn khác nhau về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, góp phần lan tỏa các thông điệp bình đẳng giới; Trang trí trụ sở, đặt phông tương tác, cam kết hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Truyền thông về các hoạt động trên các nền tảng số.

Vở kịch ngắn “Tôi muốn được là chính tôi” lan tỏa thông điệp sự kiện truyền thông hướng đến.

Vớli sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực; năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 20221 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng).

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% – cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á; Hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam là nữ giới; Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% – thuộc Top cao nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những nước đi đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%).

Trong lĩnh vực thể dục – thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử, Đội tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup Nữ 2023 – ngày càng hội nhập vào những sân chơi đỉnh cao của thể thao thế giới…

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra nghiêm trọng và là những trở ngại hàng đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội phát triển, tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 và các báo cáo nghiên cứu, thống kê liên quan cho thấy: Gần 63% phụ nữ từng phải chịu đựng ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời.

Sự kiện có sự tham gia của hơn 600 đại biểu trong đó có nhiều phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình (năm 2020); Phụ nữ đã từng bị chồng hoặc người khác bạo lực có nguy cơ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực; Phụ nữ bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục phải chi khoảng 9.427.000 VNĐ do hậu quả trực tiếp của bạo lực, tương đương với 25% thu nhập hàng năm của họ; Trung bình mỗi năm, ước tính 100.507 tỷ đồng tương đương 1,81% GDP quốc gia (năm 2018) bị mất đi do bạo lực đối với phụ nữ dẫn tới thiệt hại về năng suất lao động…

Thảo Lê