Theo RT, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết tỷ trọng sử dụng ruble trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ được Nga xuất khẩu sang các nước châu Âu đạt 58,5% trong tháng 3, tăng 9,6 điểm phần trăm so với tháng 2 và tăng 10,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2023. Theo số liệu từ Cục Hải quan Liên bang, xuất khẩu sang châu Âu trong quý I chiếm 15,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga, tương đương 15,4 tỷ USD. Như vậy, gần 60% số tiền mà châu Âu trả để mua hàng hóa và dịch vụ của Nga trong tháng 3 là bằng ruble.
Giám đốc Viện Ngân hàng HSE Vasily Solodkov lý giải sự gia tăng tỷ trọng giao dịch bằng ruble là do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, gây ra khó khăn trong thanh toán với các nước EU bằng đồng euro và các loại tiền tệ khác.
Các chuyên gia cũng cho biết việc Moskva áp dụng cơ chế thanh toán khí đốt bằng ruble cũng góp phần khiến các khoản thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt ở châu Âu chuyển sang đồng nội tệ của Nga.
“Xu hướng tăng dùng đồng ruble trong các giao dịch với châu Âu vẫn tiếp tục”, nhà nghiên cứu cấp cao Aleksandr Firanchuk của Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính công Tổng thống Nga (RANEPA) dự báo.
Ngoài châu Âu, tỷ trọng dùng ruble trong giao thương giữa Nga với châu Phi cũng tăng mạnh nhất trong các khu vực còn lại vào tháng 3. Tỷ trọng dùng USD và euro trong ngoại thương đã giảm đáng kể.
Đến hết tháng 3, chỉ 28,5% thanh toán xuất khẩu thực hiện bằng 2 loại tiền tệ này, so với gần 90% hồi đầu 2022. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng tiền tệ của “các quốc gia thân thiện” – những nước chưa áp đặt lệnh trừng phạt với Nga vì xung đột Ukraine – là 13%.
T.Y.B