Ngày 05/10/2021, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBDT triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, trong 6 tháng đầu năm, hoạt động của tội phạm ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn diễn biến phức tạp tập trung ở khu vực biên giới và một số tuyến, địa bàn trọng điểm với hình thức, thủ đoạn tinh vi. Người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa, có tiền án tiền sự tăng, sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.
Tình hình mại dâm, mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khó phát hiện, triệt phá. Mại dâm trá hình, núp bóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, café vườn, karaoke… Các đối tượng lợi dụng mối quan hệ thân quen để tìm kiếm, tiếp cận, dùng thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt vào hoạt động mại dâm, mua bán người. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức và hiểu biết xã hội hạn chế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, theo tổng hợp báo cáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.013 vụ, 2.735 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy trong đó có 149 đối tượng là người dân tộc thiểu số. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 15.619 người nghiện, trong đó có 751 người nghiện là người dân tộc thiểu số. Các lực lượng chức năng đã triệt phá 23 vụ mại dâm, bắt 48 đối tượng; 5 vụ mua bán người, bắt 8 đối tượng, 18 nạn nhân và 2 người tự trở về.
Ủy ban Dân tộc tích cực triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-UBDT ngày 05/10/2021 phê duyệt Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”, Kế hoạch số 239/KH-UBDT ngày 22/2/2022 về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm và mua bán người giai đoạn 2022-2025 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần ổn định làm trong sạch vững mạnh; tiếp tục thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” và tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình điểm sạch về tệ nạn xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai công tác tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, tố giác người sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mại dâm và mua bán người; phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy ở các xã, phường, thị trấn, thành phố đặc biệt ở các xã giáp biên giới, góp phần xây dựng mô hình xã không có tệ nạn ma túy…
Trong đó, vận động người có uy tín, già làng, trưởng thôn, buôn, bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ tộc… tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần tác động tích cực, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 1,9 nghìn cuộc tuyên truyền với hơn 120 nghìn lượt người tham dự; 28 buổi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc; 316 lần tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; cấp hơn 104 nghìn tờ báo; đăng 106 tin, bài ảnh; xây dựng và phát sóng trên đài truyền hình địa phương 12 phóng sự; tuyên truyền trên mạng xã hội 200 tin, bài; phát 4.550 tờ rơi, tờ gấp; 170 băng rôn; 3 hội thi với 1.200 người tham gia.
Đặc biệt, cơ quan công tác dân tộc đã liên hoan tuyên truyền phòng, chống ma túy và mua bán người bằng hình thức sân khấu hóa tại tỉnh Phú Yên với 500 người tham gia; xây dựng một mô hình về phòng, chống tội phạm ma túy tại xã Lao Chải của tỉnh Yên Bái.
Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố cũng phối hợp với các sở, ban, ngành thường xuyên đưa công tác kiểm tra, nắm tình hình công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người vào kế hoạch công tác của đơn vị; tổ chức lồng ghép thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách được giao tại cơ sở; phối hợp, đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống ma túy, tội phạm ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ quan công tác dân tộc ở nhiều tỉnh không được cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ; cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, tội phạm môi giới mại dâm và mua bán người ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao; công tác hỗ trợ, dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm còn nhiều hạn chế…
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Dân tộc đề nghị cơ quan dân tộc các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng có liên quan trong tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức triển khai có hiệu quả việc thực hiện phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người với các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ động nắm tình hình thực tế tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở những điểm nóng, nhạy cảm có khả năng và nguy cơ cao liên quan đến buôn bán, vận chuyển ma túy, tệ nạn mại dâm và mua bán người, qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống, đấu tranh đẩy lùi tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; lồng ghép với các nhiệm vụ được giao để tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người; kiểm tra, thanh tra, nắm tình hình thực hiện công tác phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nêu gương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống ma túy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị
Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới trên bộ dài 187 km giáp với nước bạn Lào, đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh và cũng là vùng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy vùng người dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ, số đối tượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Các đối tượng lựa chọn phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi để mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy như lợi dụng các mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới, hoạt động qua lại đường mòn, đường tiểu ngạch để vận chuyển ma túy; lợi dụng bến sông, lối mòn trên biên giới để vận chuyển ma túy từ Lào qua Việt Nam.
Nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức kém và một số thanh niên lêu lỏng, không có công ăn việc làm đã bị các đối tượng mua bán ma túy ở ngoại biên và nội địa lôi kéo, mua chuộc, làm chân rết, trung gian trong đường dây vận chuyển ma túy.
Từ năm 2017 đến năm 2022, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng của tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đấu tranh, phát hiện và bắt giữ 979 vụ,1.447 đối tượng vi phạm pháp luật ma túy, trong đó có 324 vụ, 439 đối tượng thuộc địa bàn miền núi và dân tộc thiểu số.
Số lượng các vụ và đối tượng vi phạm pháp luật ma túy trên địa bàn miền núi và dân tộc thiểu số đều có xu hướng tăng dần qua các năm, số người đồng bào dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy tăng nhanh (năm 2017 có 16 vụ, 28 đối tượng; năm 2022 có 73 vụ, 104 đối tượng).
Hơn nữa, tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi đang có xu hướng ngày càng gia tăng, trẻ hóa, xâm nhập vào các các trường học, các làng bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng biên giới, nơi có trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn.
Đến nay, chỉ riêng 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa đã có 661 đối tượng sử dụng ma túy, chiếm 62% so với tổng số đối tượng sử dụng ma túy trong toàn tỉnh, trong đó có 360 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 55% so với tổng số đối tượng sử dụng ma túy của 2 huyện. Tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy đã gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi và dân tộc thiểu số và vùng biên giới của tỉnh.
Chy Lê/nguồn VGP