Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vai trò của công tác dân vận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

ĐNA -

Công tác dân vận là một hoạt động chính trị – xã hội nhằm tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác Dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng đất nước ta, cả trong thời kỳ chưa có chính quyền lẫn thời kỳ Đảng cầm quyền; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

“Dân vận” – Kết tinh dòng chảy tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và công tác vận động quần chúng của Đảng

Ngày 15/10/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Chỉ trong một bài báo ngắn gọn, Người đã nêu rất đầy đủ ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của công tác Dân vận trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Người viết: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; …”.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ chủ trương, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền XNCN, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, Nhân dân, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và Đại hội XIII đã nhấn mạnh đây nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có ý nghĩa sống còn của Đảng, Nhà nước ta “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”.

Những năm qua, công tác dân vận đã được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thể tạo đồng thuận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tình trạng cán bộ chưa hiểu và làm chưa đúng công tác dân vận, nhất là trong tuyên truyền, vận động, nắm bắt, định hướng nhân dân. Thực tế ở nhiều nơi, công tác dân vận chưa nắm bắt được tâm tư, nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của Nhân dân, nên việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa tốt. Hiện nay trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang ngày càng thực hiện những âm mưu thâm độc, dùng các chiêu bài về nhân quyền, biển đông…tuyên truyền, kích động, lôi kéo Nhân dân chống Đảng, chống Nhà nước. Ở trong nước, các thế lực phản động không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước ta, chúng lợi dụng internet, mạng xã hội (facebook, youtube,…) để công kích, chống phá Đảng, gây bất ổn chính trị, xã hội. Điều đó càng cho thấy, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Vai trò của công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân
Công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã nhanh chóng được thông tin, tuyên truyền đến tận người dân, bằng nhiều hình thức, qua phương tiện thông tin đại chúng (báo chí,…), trên không gian mạng xã hội (facebook,…), để giúp Dân cập nhật thông tin nhanh hơn, loại bỏ những dư luận tiêu cực, phản động, tin đồn, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thí dụ, thông tin về Biển Đông, các dự án, chương trình phát triển kinh tế…nhanh chóng đưa đến tận người Dân, để họ hiểu và có ý kiến tranh luận, phản biện tốt hơn, cũng là giúp cho Đảng, Chính phủ hóa giải được vấn đề, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân.

Công tác dân vận, trong quá trình tuyên truyền, vận động, đã chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, người lao động, góp phần tạo được sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách, nhất là trong đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chẳng hạn, khi nói về phòng, chống tham nhũng, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, vẫn có ý kiến cho rằng, Việt Nam may mắn chứ không phải thành công, đặt ra đối với vai trò của công tác dân vận cần phải tuyên truyền, vận động, giáo dục, giải thích cho nhân dân hiểu đúng, hiểu sâu bản chất vấn đề.

Nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi Báo chí viết về các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2020 được nhận giấy khen của Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Công tác dân vận cần kết hợp với truyền thông, báo chí…, để cung cấp thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, giúp dân sàng lọc thông tin, phân biệt đâu là ý kiến đúng, đâu là ý kiến sai, đâu là ý đồ xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, để có biện pháp đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách thích hợp.

Công tác dân vận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chính là vừa dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa lắng nghe ý kiến của người Dân, theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, đồng thời phát huy tính tự quản của người Dân, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Người dân tham gia phản biện không phải để xóa bỏ, mà phản biện để bổ sung, nâng cao, làm cho những cái gì sai trái, lệch chuẩn phải được điều chỉnh lại cho phù hợp. Vì vậy, công tác dân vận cần lắng nghe, tiếp thu chọn lọc các ý kiến tranh luận, phản biện có tính trái chiều trong xã hội, để làm cơ sở cho việc ra quyết định phù hợp lòng dân.

Công tác dân vận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bên cạnh tiếp cận kênh chính thống cần tiếp cận ngoài chính thống, đa chiều cạnh, đa cấp độ, không chỉ phê phán mà còn kiến thiết, xây dựng, bổ sung, phát triển. Trong xã hội hiện nay, đan xen vào nhau, giữa cái tốt với cái không tốt, giữa chân chính và phản động, rất khó phân biệt… Công tác dân vận trong việc thông tin, tuyên truyền cần dựa trên quan điểm, tư tưởng của Mác Lênin, Hồ Chí Minh, Đảng ta, các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân, để có cái nhìn đúng đắn hơn, để nhận diện tốt các vấn đề tốt hơn. Sự gắn kết giữa thông tin, tuyên truyền chính thống của Đảng, Nhà nước với thông tin của Nhân dân, và sự phối kết hợp giữa sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và tự lãnh đạo, quản lý của người Dân…của CTDV sẽ góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Vai trò của công tác dân vận trong nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình
Công tác dân vận trong nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình là rất quan trọng, nhằm góp phần tạo đồng thuận trong Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo quan điểm Hồ Chí Minh “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.

Trong nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình, cần dựa trên quan điểm chính thống và phi chính thống, tôn trọng các thông tin từ thực tiễn và sàng lọc thông tin, giúp Dân phân biệt đâu là tin đồn, dư luận tiêu cực, để thay đổi, điều chỉnh trong chính sách cho phù hợp. Qua các sự kiện nổi cộm gần đây như: sự kiện Biển Đông, tình hình chiến sự Nga- Ucraina, việc phòng, chống tham nhũng, covid-19, …không còn là của một quốc gia nào mà nó tác động đến toàn thế giới. Chứng tỏ việc nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình của công tác dân vận, cần phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của người Dân, nhất là những dư luận trái chiều, các quan điểm sai trái, phản động chống phá Đảng, Nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác dân vận, ngoài việc thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính chính sách của Đảng, Nhà nước, cán bộ cần tăng cường đi cơ sở, sâu sát với đời sống nhân dân, thăm dò, điều tra dư luận, phân tích, tổng hợp, phản ánh tình hình, tin tức đến với người Dân. Thí dụ, nắm bắt, thăm dò, điều tra dư luận của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay, đối tượng phạm tội tẩu tán tài sản, bỏ trốn, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu vẫn tồn tại, vẫn còn tình trạng cán bộ thì xử đi xử lại (như Đinh La Thăng,…), còn đối với Dân xử một lần là xong… Nếu ai đó làm không đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hoặc có ý đồ xuyên tạc, bóp méo sự thật, chống phá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thì phải chịu xử phạt của pháp luật. Ví dụ, Nhà nước đề ra luật phòng chống tham nhũng… Dân đồng tình ủng hộ, cái gì hợp với lòng dân thì Dân theo, ngược lại, cái gì trái với lòng dân thì Dân phản đối và dứt khoát không làm theo.

 Thông qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cuộc vận động, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện để người Dân tham gia góp ý về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước (theo Quyết định 217 và 218) cũng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên (phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) – Ảnh: Tạp chí Dân vận

Vai trò của công tác dân vận trong định hướng dư luận trong nhân dân, giải quyết các vấn đề nổi cộm, phát sinh
Hiện nay, trong xã hội có nhiều vấn đề nổi cộm, nảy sinh, tạo ra nhiều luồng tâm trạng, nhiều thái độ xã hội, các thế lực thù địch sử dụng mạng internet để công kích chống phá Đảng, Nhà nước. Trước tình hình đó, vai trò của công tác dân vận trong việc định hướng dư luận trong nhân dân, giải quyết các vấn đề nổi cộm, phát sinh. Trước hết định hướng báo chí, cung cấp thông tin, dữ liệu về các vấn đề mà người Dân quan tâm, tạo điều kiện cho người Dân được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, kể cả chính thống và phi chính thống, giúp Dân đánh giá khách quan các vấn đề, thay đổi nhận thức, thái độ và hành động trong bảo vệ đường lối, tư tưởng của Đảng. Thí dụ như, định hướng nhận thức của người Dân về phòng, chống tham nhũng hiện nay, đánh giá tác hại của tham nhũng đến đời sống nhân dân là rất to lớn, sẽ tạo ra thái độ đúng đắn và thay đổi cách suy nghĩ, sẵn sàng hành động, ủng hộ Đảng, Chính phủ thực hiện chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Công tác dân vận định hướng dư luận trong nhân dân phải hướng về cơ sở, thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, theo phương châm “Trọng Dân, gần Dân, hiểu Dân, học Dân và có trách nhiệm với Dân”, “Nghe Dân nói, nói Dân hiểu, làm Dân tin”, vừa lấy dư luận làm nội dung phản ánh đường lối, chính sách dân vận, vừa thông qua đó để định hướng DLXH. Có thể nói, định hướng dư luận trong nhân dân về một chủ trương, chính sách nào đó của Đảng, Nhà nước, ví dụ như, phòng chống dịch covid-19… có thể sẽ chuyển hoá thành sức mạnh vật chất, tổ chức thành phong trào sôi nổi trong Nhân dân. Những tâm tư, nguyện vọng hay những băn khoăn, thắc mắc của Nhân dân thể hiện qua dư luận, nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời có thể chuyển hoá thành các hình thức phức tạp khác, gây cản trở đối với sự phát triển của xã hội.

Trong xã hội, khi có vấn đề nào đó nảy sinh, sẽ có nhiều luồng ý kiến khác nhau, có thể tích cực, tiêu cực, tiến bộ hay lạc hậu, thể hiện ở mức độ rất ủng hộ, ủng hộ, phản đối gay gắt, phản đối… Công tác dân vận cần phân biệt được đâu là thông tin chính thống đâu là thông tin phi chính thống tích cực và tiêu cực, nhất là những tin đồn, giả mạo, phản động trên các trang mạng xã hội để định hướng, tuyên truyền nhân dân. Ví dụ, tin đồn về một cán bộ lãnh đạo có hành vi tham nhũng…nhưng khi xác minh thì phát hiện thấy đó là vấn đề giả, tức là không có vấn đề đó…. Công tác dân vận có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện vấn đề và cung cấp những gợi ý, những đề xuất và những giải pháp đối với vấn đề đó.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương về thăm, chúc mừng Giám mục Vũ Đình Hiệu cùng các vị chức sắc, tu sĩ Tòa Giám mục Giáo phận Bùi Chu.

Kết luận và kiến nghị
Vai trò của công tác dân vận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong tuyên truyền, vận động, nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình, định hướng nhận dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập trong nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện. Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay:

Tiếp tục nâng cao vai trò của công tác dân vận, trong tuyên truyền, vận động, nhận dân, cần phải mở rộng dân chủ thực sự, bảo đảm tự do ngôn luận thực sự, tránh hình thức, chống độc quyền của nhóm lợi ích. Xây dựng công tác dân vận lành mạnh dưa trên khung quan điểm lý thuyết tam hóa (Hiện đại hóa, Việt nam hóa, và Lành mạnh hóa công tác dân vận).Triển khai Lành mạnh hóa công tác dân vận chú trọng nâng cao năng lực nắm bắt kịp thời công luận và định hướng công luận lành mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, vì đồng thuận xã hội nói riêng, tăng cường đại đoàn kết toàn Dân tộc Việt Nam nói chung trong xu thế gia tăng hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa toàn diện kinh tế – văn hóa.

Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân và các nhà lãnh đạo cần làm tốt công tác dân vận, đổi mới phương pháp, kỹ năng, năng lực làm công tác dân vận. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dân vận học ở góc độ chuyên ngành và liên – xuyên ngành. Ở cấp độ liên – xuyên ngành thì phải phát triển Tam học: Khoa học, Triết học, Đạo học về Dân vận học .

Tăng cường vai trò của công tác dân vận trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thiết xây dựng mô hình gắn kết 4 Nhà: Lý luận- Khoa học – Tuyên truyền- Truyền thông (Hội đồng lý luận, Học viện chính trị, Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, Truyền thông) trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Xây dựng công tác dân vận lành mạnh cần dựa trên hệ giá trị cốt lõi chung: với mục tiêu: Độc lập- Tự do-Hạnh phúc (hệ giá trị trung tâm); Dân giàu-nước mạnh-xã hội dân chủ-công bằng-văn minh (hệ giá trị phát triển) và hệ giải pháp phát triển lành mạnh, bền vững, đến 2030 đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại, 2045 trở thành nước XHCN theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Võ Thị Mai, PGS.TS. HVCT khu vực 2

Tài liệu tham khảo
BCTH đề án “Công tác dân vận trong việc định hướng dư luận xã hội góp phần tạo đồng thuận xã hội” Ban Dân vận Trung ương, 2016.
Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập 1, tập 2.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, NXB Sự thật, HN, 1981.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tô Duy Hợp (2012), Khinh – Trọng, cơ sở lý thuyết. Nxb Thế giới.
X, Y, Z. Sửa đổi lề lối làm việc, NXB Sự thật, 1954
Xã hội lành mạnh và lành mạnh hóa xã hội → Dư luận xã hội lành mạnh và lành mạnh hóa DLXH (theo đề xuất của GS.TS. Tô Duy Hợp. Viện trưởng Viện Trí Việt (IVM) thuộc Liên Hiệp Hội Việt Nam (VUSTA).