Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống hủ hóa trong cán bộ.

ĐNA -

Chỉ hơn 3 năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, trước yêu cầu mới và cấp bách của cách mạng nước ta, vào khoảng cuối năm 1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng, trong đó, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên phải ghi nhớ rằng: Đảng cách mạng của vô sản không thể tha thứ sự hủ hoá. Vì vậy, nhất là khi thắng lợi và thành công, đảng viên càng phải ra sức tu dưỡng, để giữ vững tính trong sạch và tư cách cách mạng của mình”. Hiện nay, trong điều kiện Đảng ta cầm quyền, hơn bao giờ hết phải quán triệt và thực hiện lời căn dặn quý báu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ với Đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951

Những chỉ dẫn quý báu của Bác Hồ về chẩn đoán và trị bệnh hủ hóa.

Hủ hóa là gì? Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh không có định nghĩa có tính chất kinh điển về “hủ hóa”, song, trong những bài nói, bài viết của mình, Người chỉ rõ những biểu hiện chủ yếu của “hủ hóa”; cụ thể: Trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, in trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945, trong khi chỉ ra những lỗi lầm của cán bộ các cấp, Người chỉ rõ: “Hủ hoá – Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”. Như vậy, theo Người, đó là những biểu hiện của hủ hóa và nó làm cho cán bộ hư hỏng, đánh mất phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng chân chính: “Có những đảng viên vì cách mạng thắng lợi, vì được quần chúng ủng hộ, vì gây được ít nhiều uy tín trong quần chúng, mà sinh ra say sưa. Rồi họ hoá ra huênh hoang, kiêu ngạo, quan liêu, hủ hoá, mất hết tư cách cách mạng”.

Đối tượng nào dễ mắc phải hủ hóa? Một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi hủ hóa là bệnh tương đối phổ biến: “Khuyết điểm của nhiều cán bộ là: hẹp hòi, địa vị, “công thần”, quan liêu, mệnh lệnh, kém đoàn kết, chưa biết quý trọng của công và sức dân, chưa biết quản lý của công một cách chặt chẽ. Cũng có một số cán bộ tham ô, hủ hóa”.

Mặt khác, theo Người, không phải cán bộ nào cũng “mắc” bệnh này mà tập trung những người làm trong các ngành liên quan đến tiền bạc, vật chất. Vì vậy, Trong Thư gửi Hội nghị mậu dịch, ngày 20 tháng 9 năm 1951 viết: “Cán bộ mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hóa trong tay rất dễ hủ hóa, cho nên mọi người phải ngày ngày trau dồi đức tính cần, kiệm, liêm, chính”.

Do đâu mà nảy sinh hủ hóa? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Đảng ta không phải trên trời sa xuống mà từ trong xã hội sinh ra, nên mỗi cán bộ, đảng viên đều còn có ít nhiều vết tích về tư tưởng và tập quán của xã hội cũ; một trong các tàn tích đồng thời cũng là nguyên nhân khách quan đó là do chủ nghĩa cá nhân: “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở”.

Giải thích rõ hơn về nguyên nhân này, trong Bài nói tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương ngày 11-5-1952, Người khẳng định: “Nhưng vì điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc. Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm như: không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô hủ hóa khá nặng, v.v..”.

Về nguyên nhân chủ quan, Người cho rằng, do cán bộ, đảng viên ta ít kinh nghiệm, tư tưởng còn “chông chênh”, lập trường chính trị chưa dứt khoát nên mắc nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh hủ hóa: “Nhưng số đông cán bộ và đảng viên ta chưa được rèn luyện trong đấu tranh, chưa được cải tạo tư tưởng, lập trường giai cấp vô sản không vững, (nhất là đảng viên thành phần tiểu tư sản và đảng viên mới), cho nên đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng như: “… Bệnh quan liêu, hủ hóa, tham ô, lãng phí khá nặng” (9). Không những vậy, Người khẳng định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do kẻ hủ hóa thiếu đạo đức cách mạng; trong khi đó, các cơ quan chủ quản cán bộ lại thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình: “Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình. Thiếu những điều đó thì bất kỳ làm công tác gì cũng dễ hủhóa” (1).

Vì sao phải tẩy trừ hủ hóa?

Từ quy luật xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng chính quyền. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tẩy trừ hủ hóa nhằm giữ gìn tính trong sạch của Đảng và của chính quyền; do đó, Người khẳng định phải đuổi các phần tử đã hủ hoá ra khỏi Đảng và cơ quan chính quyền để giữ thanh danh của Đảng: “Đảng cần phải hết sức ngăn ngừa hiện tượng ấy, phải kịch liệt chống lại nó; phải tẩy những phần tử đã hủ hoá ra khỏi Đảng và cơ quan chính quyền, để giữ gìn tính trong sạch của Đảng và của chính quyền” (2). Nhấn mạnh tác các hại của hủ hóa, trong bài Nói chuyện trong hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của đoàn “Thái Nguyên – Bắc Giang” ngày 8-2-1955, Người khẳng định: “Thậm chí có một số cán bộ hủ hóa, làm hại đến danh dự của Đảng, của Chính phủ, của tất cả cán bộ. Đó là một điều thật đáng thương tâm” (3).

Từ yêu cầu của việc xây dựng đạo đức mới – Đạo đức cách mạng. Bởi theo Người: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng” (4).

Tẩy trừ hủ hóa như thế nào?

Vì là “căn bệnh ở trong ta” nên phương thức hiệu quả nhất theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là trau dồi đạo đức cách mạng, đặc biệt phải thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Về vấn đề này, trong Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô ngày 5-9-1954 Người căn dặn: “Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính” (5). Cũng tinh thần ấy, trong Lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình. Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sựquyến rũ làm cho người ta mê muội, hủ hóa, truỵ lạc” (6).

Phải phát huy dân chủ và tăng cường kỷ luật trong Đảng. Đây là giải pháp tổng hợp, đa mục đích, nhưng trước hết là “chủ trị” bệnh kiêu ngạo cộng sản – Cũng là một trong những căn nguyên “đẻ ra” các căn bệnh khác, trong đó có bệnh hủ hóa. Vì vậy, Người yêu cầu: “Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng… Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa” (7).

Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Đây vừa là phương châm trị bệnh – “xây đi đôi với chống”, vừa là giải pháp căn bản để khắc phục nguyên nhân làm nảy sinh hủ hóa như đã phân tích ở trên; đồng thời, thể hiện tư duy biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xóa bỏ một sự vật, hiện tượng phải loại bỏ nguyên nhân gây ra nó. Chính vì vậy, trong tác phẩm Thường thức chính trị Người cho rằng: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng” (8).

Kiên quyết xử lý những kẻ hủ hóa. Đây là giải pháp hành chính, cưỡng bức mà Người tán thành quan điểm của V.I.Lênin và cần thiết phải áp dụng: “Đối với tệ tham ô hủ hóa, Lênin rất nghiêm khắc. Có một lần, tòa án Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lênin liền viết trong một bức thư: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng”” (9).

Vận dụng chỉ dẫn của Bác Hồ trong đấu  tranh với bệnh hủ hóa trong nội bộ hiện nay

Những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bệnh hủ hóa trên thực tế đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng và phòng, chống có hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”; đồng thời, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Thấu triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trị bệnh hủ hóa trong nội bộ hiện nay, một mặt, cần thực hiện tốt một số yêu cầu đó là: Một là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trị bệnh hủ hóa phải được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục

khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hai là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trị bệnh hủ hóa phải góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Ba là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trị bệnh hủ hóa phải phát huy vai trò của các chủ thể, trước hết là các chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo và cán bộ chủ trì các cấp ở các ngành, lĩnh vực, vị trí làm việc dễ nảy sinh hủ hóa.

Mặt khác, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bệnh hủ hóa; trong đó, khẳng định rõ những vẫn đề lý luận đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và bổ những vấn đề nảy sinh thực tiễn, nhất là những biểu hiện mới của bệnh hủ hóa. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, ý nghĩa của dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bệnh hủ hóa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Kết luận số 21-KL/TW ngày25/10/2021

của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…

Ba là, khắc phục triệt để tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Trong đó, “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn

Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương” (10).

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát huy những thành quả cách mạng đã đạt được; tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế làm nảy sinh hủ hóa. Trước mắt, cần quán triệt và thực hiện thắng lợi Di chúc của Người: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (5) và coi đây là giải pháp chiến lược, chủ đạo nhất để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới./.

TS. Hà Sơn Thái

Chú thích:

(1) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.180; tr.288

(2) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, tr.296

(3) (5) (6) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, tr.307; tr.47; tr.82;

(4) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, tr.603

(7) (8) Sđd, Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, tr.507; tr.280

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ

XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.171

(11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.614.

Theo TCĐNA số tháng 5