Cung điện Huế là kết tinh của truyền thống kiến trúc ngàn năm của người Việt. Trải qua mấy ngàn năm bồi đắp, tích lũy, từ Cổ Loa huyền thoại đến Hoa Lư, Thăng Long-Đông Đô và cuối cùng là Phú Xuân-Huế, kỹ thuật xây dựng thành trì cung điện đã không ngừng được tích lũy, bồi đắp để rồi nâng lên thành một nghệ thuật. Huế được ngợi ca là một “kiệt tác kiến trúc thơ đô thị” bởi sự hài hòa tuyệt diệu giữa thiên nhiên, kiến trúc và con người.
Cố đô Huế, Việt Nam
Đầu năm, Xuân đang thì. Trong không khí còn vấn vương hương Tết, tôi đón các bạn Nhật Bản, Hàn Quốc đến cố đô. Một cuộc tọa đàm nhỏ về nghi lễ đám cưới trong cung điện châu Á ngày xưa. Huế được chọn làm nơi tổ chức gặp gỡ và trao đổi về chuyện nghi lễ cưới xin ngày xưa. Ai cũng cho là nơi phù hợp nhất.
Huế khi ấy vẫn còn khá lạnh. Nhưng sắc vàng hoa mai, sắc thắm hoa đào, vẻ rực rỡ vàng son của cung điện cùng không khí cởi mở thân mật giữa những người bạn cũ khiến chúng tôi đều thấy thật ấm áp.
Nhóm nghiên cứu về không gian nghi lễ trong các cung điện châu Á của chúng tôi được thành lập từ năm 2006 với các thành viên đến từ bốn nước trong khối “Đồng văn” Việt- Nhật – Trung- Hàn. Mỗi năm chúng tôi gặp nhau hai lần trong các cuộc tọa đàm để trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất. Qua mỗi lần gặp gỡ chúng tôi càng hiểu hơn về sự tương đồng, dị biệt giữa văn hóa truyền thống của các nước vốn lấy Nho giáo làm mẫu số chung. Vậy mà nhóm đã sinh hoạt cùng nhau suốt 12 năm qua…
Trước buổi tọa đàm, chúng tôi đã cùng nhau khảo sát toàn bộ hệ kiến trúc truyền thống Huế, từ kinh thành, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, hành cung, vườn thượng uyển…đến hệ thống phủ đệ, nhà vườn. Ai cũng công nhận, Huế quá đẹp!
Cung điện Huế là kết tinh của truyền thống kiến trúc ngàn năm của người Việt. Trải qua mấy ngàn năm bồi đắp, tích lũy, từ Cổ Loa huyền thoại đến Hoa Lư, Thăng Long-Đông Đô và cuối cùng là Phú Xuân-Huế, kỹ thuật xây dựng thành trì cung điện đã không ngừng được tích lũy, bồi đắp để rồi nâng lên thành một nghệ thuật. Huế được ngợi ca là một “kiệt tác kiến trúc thơ đô thị” bởi sự hài hòa tuyệt diệu giữa thiên nhiên, kiến trúc và con người.
Cũng là Nho giáo, cũng vận dụng thuật Phong thủy, Ngũ hành để quy hoạch và xây dựng kinh đô, những Huế vẫn thể hiện bản sắc và bản lĩnh văn hóa Việt Nam không thể lẫn vào đâu được. Kinh đô Huế có đến 3 trục liên kết giữa kinh thành và các hệ kiến trúc khác: trục chính Tây bắc- Đông nam nối kết với núi tiền án Ngự Bình; trục Chính nam liên kết với đàn Nam Giao; và trục “mềm” là dòng Hương Giang xinh đẹp nối kinh thành với miền lăng tẩm, đền miếu ở phía Tây, Tây nam. Quy hoạch không gian kiến trúc Huế cũng thật đặc biệt: Truyền thống xem trọng tổ tiên được thể hiện ngay trong hoàng cung với 4 ngôi miếu thờ chính được đặt lên hàng đầu, chiếm hơn 1/2 khu Ngoại triều; truyền thống gắn bó với thiên nhiên cũng thể hiện bằng 5 khu vườn ngự uyển chiếm đến 1/4 tổng diện tích của Hoàng thành, đó là chưa kể hàng ngàn cây xanh được trồng ở mọi chỗ mọi nơi khiến cung điện Huế luôn có vẻ tự nhiên, gần gũi. Huế là một đô thị phương Đông kinh điển, nhưng vẫn là một bài thơ Việt trữ tình.
Cố đô Huế, Việt Nam
Tháng Tư, khi Việt Nam bắt đầu vào hạ, chúng tôi lại gặp nhau ở Kyoto, cố đô lịch sử ngàn năm của nước Nhật. Khi ấy, mùa xuân mới bắt đầu gõ cửa đảo quốc Mặt trời mọc. Ánh nắng vàng làm Kyoto cổ kính hừng lên sắc hồng, sắc đỏ của hoa anh đào, hoa mai và cả nét xuân quyến rũ trên gương mặt các thiếu nữ. Chúng tôi mê mãi nhìn ngắm cảnh vật đang thức dậy cùng mùa xuân trong Quế Ly cung, trong Thiên Long tự, và đặc biệt là trong Hoàng cung Kyoto.
Hơn một ngàn năm là kinh đô của Nhật Bản, từ cuối thế kỷ thứ 8 đến giữa thế kỷ 19, Kyoto có đủ thời gian để hội tụ tất cả những gì được xem là tinh hoa của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Hoàng cung, lâu đài của Mạc phủ Tokugawa, hệ thống chùa chiền, đền miếu, ly cung… gần như vẫn còn nguyên vẹn. Sau thời kỳ Nara chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Trung hoa thời Đường, nước Nhật đã tìm ra lối đi riêng cho minh để tự cường. Bên cạnh Nho giáo, Phật giáo cùng các tôn giáo khác mà đặc biệt là Thần giáo đã phát triển mạnh mẽ, khiến diện mạo kiến trúc thời kỳ Kyoto trở nên phong phú vô cùng.
Tôi vô cùng thích thú khi nhận ra kiểu tường thành có mái cùng kiểu hành lang men tường của Hoàng cung Kyoto thật giống kiểu tường thành-hành lang trong cung điện thời chúa Nguyễn. Cũng có thật nhiều nét tương đồng về kết cấu, ý tưởng giữa khu vườn Thiền dành cho Trà đạo với những khu vườn Huế, nhất là vườn chùa. Và thật may mắn, khi đến thăm một ngôi chùa nhỏ ở phía Nam Kyoto, tôi đã được nhà sư trụ trì tặng cho tập sách ghi lại những bức thư trao đổi giữa chúa Nguyễn Hoàng với Mạc phủ Tokugawa từ đầu thế kỷ XVII. Với tôi, Kyoto như bức tranh thủy mặc về mùa xuân, tràn đầy sức sống mà vẫn đậm chất Thiền.
Tháng Chín, thu chớm vàng trên đầu ngọn những hàng cây ngân hạnh khi chúng tôi đến Gyeongju, kinh đô lừng danh một thuở của vương quốc Tân La. Vẻ hiện đại hào hoa của Seoul dường như quá cách biệt so với sự trầm lặng đến kỳ lạ của cố đô Hàn Quốc. Cũng như Thăng Long của Việt Nam, Tây An của Trung Quốc, Kyoto của Nhật Bản, Gyeongju là kinh đô ngàn năm của Hàn Quốc thời quân chủ trước khi chuyển về Seoul. Nhưng bây giờ hầu hết các dấu tích của kinh đô xưa đã chìm sâu trong lòng đất. Khảo cổ học đã và đang lần lượt mở ra từng trang lịch sử huy hoàng của Gyeongju và đế chế Tân La cổ.
Những gì còn lại của Gyeongju rất giống Thăng Long- Hà Nội. Ngôi chùa cổ Bulguksa ở phía Tây với những cây cầu đá, tháp Phật bằng đá có vị trí và phong cách tựa như chùa Trấn Quốc án ngữ bên Tây Hồ. Rồi dấu tích của tháp canh, vườn uyển, cổng thành… luôn gợi cho tôi cảm giác tương đồng khi đến thăm khu Hoàng thành Thăng Long. Thời kỳ Tân La, Phật giáo chiếm vị trí thống soái trong xã hội tựa như thời Lý-Trần ở nước ta, vậy nên có những điểm tương đồng cũng là điều dễ hiểu.
Quay về Seoul sau mấy ngày khảo sát và tọa đàm tại Gyeongju, chúng tôi đi thăm Hoàng cung của Hán Dương thành, rồi ly cung Cảnh Phúc, Tông Miếu… những cấu trúc ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo Trung Hoa bắt đầu từ thời kỳ vương quốc Triều Tiên cuối thế kỷ 14. Có rất nhiều điểm giống nhau giữa cung điện Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam ở thời kỳ này. Quy hoạch và bố trí cung điện theo trục Bắc -Nam cùng sự chi phối sâu sắc của thuật Phong thủy, Ngũ hành. Tông Miếu, đàn Xã Tắc được bố trí theo đúng nguyên tắc “Tả Tổ, hữu Xã”. Ngay cả cách bố trí phần Ngoại triều (lo chính sự)-Nội đình (lo việc hậu cung), rồi vật liệu và trang trí kiến trúc, ý nghĩa của các biểu tượng… phần lớn là tương đồng. Nhưng tôi vẫn cảm giác, cung điện Hàn Quốc khô cứng và ít biến đổi hơn sau khi học được những gì từ cung điện Trung Hoa. Ngay cả khu vườn uyển ở phía Tây và phía Bắc Hoàng cung dù khá đẹp vẫn thiếu hẳn vẻ mềm mại, tự nhiên cùng bản sắc riêng như ở Kyoto và Huế. Cung điện Hàn Quốc như một bản nhạc cổ, có phần trầm lắng sâu xa của Gyeongju, có phần mô phạm điển chế của hoàng cung Hán Dương thành.
Hoàng cung Seoul Hàn Quốc
Đầu tháng Mười một, mùa thu đỏ rực rừng Hương Sơn và cả những rặng phong ven đường khi tôi đến Bắc Kinh dự hội thảo do Cục Quốc gia Văn vật Trung Quốc tổ chức để bàn về phương pháp bảo tồn trang trí trên kiến trúc gỗ truyền thống các nước Đông Á. Bắc Kinh nắng vàng rực và bầu trời trong veo nhưng vẫn rất lạnh. Trở lại Bắc Kinh lần này, tôi lại cố gắng đi thăm một lần nữa Cố Cung, Di Hòa Viên, Viên Minh Viên, hành cung Hương Sơn… để có thêm sự cảm nhận và so sánh. Trung Quốc thực sự là cái nôi của văn minh Nho giáo, Phật Giáo, Lão giáo thế giới với những di sản văn hóa khổng lồ, và Bắc Kinh là một trong những trọng điểm với vai trò là kinh đô của 3 triều đại Nguyên-Minh-Thanh với hơn 700 năm lịch sử.
Cố cung hay Tử Cấm thành là phần trung tâm của kinh thành Bắc Kinh với cách thiết kế mẫu mực của thành trì phương Đông truyền thống. Tư tưởng Nho giáo tôn nghiêm xuất phát từ tham vọng nhất thống thiên hạ trong những kỷ cương, riềng mối chung được thể hiện rất rõ trong bố cục cung điện, trong không gian mọi kiến trúc, từ nội thất đến sân vườn. Những màu đỏ của cung điện, tường thành, màu vàng của mái ngói, màu hoàng kim chói chang của sơn thếp, màu xanh tím của các ô trang trí tảo tỉnh, liên ba… mạnh hơn, nóng hơn rất nhiều so với cung điện của Kyoto, Huế và cả ở Hán Dương thành. Dù ở Viên Minh Viên tàn tạ hay ở Di Hòa Viên lộng lẫy, vẻ huy hoàng rực rỡ của cung điện, hành cung Trung Hoa vẫn làm người ta choáng ngợp. Tôi đã từng ở Bắc Kinh cả một mùa đông để nghiên cứu về vườn cổ Trung Quốc, nhưng chỉ sau khi nhìn ngắm chiêm nghiệm các cung điện của Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam mới thực sự nhận ra ở cung điện Trung Quốc nhiều điều, cả nét tương đồng và dị biệt của văn hóa Đông Á.
Ấn tượng lớn nhất của tôi về Bắc Kinh lần này có lẽ là khi được thưởng thức bữa cơm cung đình và xem biểu diễn biên chung tại Di Hòa Viên. Trong một không gian trầm lắng và sang trọng đặc biệt, âm thanh khi trầm hùng khi lảnh lót của dàn chuông đồng cổ khiến tôi thực sự ngất ngây. Tôi nghe trong đó có cả âm thanh của Nhã nhạc cung đình Huế, cả tiếng Gagaku của Nhật Bản và Aak của Hàn Quốc. Phải chăng, chính sự tương đồng về văn hóa đã làm nên điều kỳ diệu này?
Tử Cấm thành Trung Quốc
TS. Phan Thanh Hải/viết tại Huế