Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Vết nứt khổng lồ có thể khiến lục địa châu Phi tách ra một lần nữa và hình thành đại dương mới

ĐNA -

Hôm 19/3/2023, các nhà nghiên cứu phát hiện vết nứt lớn xuất hiện ở thung lũng Tách giãn Đông Phi phía tây nam Kenya, bề rộng hơn 15 m, theo Live Science. Vết nứt xuất hiện sau những cơn mưa nặng hạt và hoạt động địa chấn trong khu vực, làm sụp một phần đường cao tốc Nairobi-Narok. Các nhà nghiên cứu cho biết, vết nứt dài 56 km có tên gọi Khe nứt Đông Phi, xuất hiện vào năm 2005.

Phi hành gia Samantha Cristoforetti của Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) đã chụp bức ảnh này từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS khi bay qua Vịnh Aden và Sừng châu Phi vào tháng 8 năm 2017. Ảnh: NASA

Các vết nứt không hình thành cùng lúc mà theo trình tự bắt đầu từ vùng Afar ở phía bắc và lan rộng theo hướng nam về phía Zimbabwe với tốc độ 2,5-5 cm mỗi năm. Dù phần lớn quá trình tách giãn rất khó nhận thấy với tất cả chúng ta, sự hình thành của những vết nứt mới hoặc dịch chuyển quanh vết nứt cũ nằm ở ranh giới của ba mảng kiến tạo bao gồm mảng kiến tạo Somalia, mảng kiến tạo Nubian và mảng kiến tạo Arab. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong 5 triệu đến 10 triệu năm nữa một đại dương mới có thể hình thành trong tương lai xa sau khi vết nứt tại châu Phi tiếp tục mở rộng. Những thay đổi trong EARS có thể dẫn đến một thế giới với hình dạng các lục địa khác hẳn hiện tại.

“Nước từ Vịnh Aden và Biển Đỏ sẽ tràn vào khu vực Afar và Thung lũng Tách giãn Đông Phi, trở thành một đại dương mới. Khi chúng ta thu thập được nhiều chỉ số đo hơn, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra”, Ken Macdonald – nhà địa vật lý biển đồng thời là giáo sư danh dự tại Đại học California – nói với báo Mashable.

Theo một báo cáo của trang web khoa học IFLScience có trụ sở tại Anh, trước đây vào khoảng 138 triệu năm trước xảy ra hiện tượng nứt khiến Nam Mỹ và Châu Phi được chia thành các lục địa riêng biệt. Nhìn vào bản đồ thế giới hiện tại, chúng ta sẽ thấy chúng khớp với nhau như hai mảnh ghép hình, cho thấy một quá khứ khi 2 lục địa này từng được nối làm một. Với riêng Châu Phi, trong 30 triệu năm qua, mảng Arabian ngày càng trượt xa khỏi châu Phi. Kết quả của quá trình này tạo ra Biển Đỏ và Vịnh Aden giữa châu Phi và bán đảo Ả Rập.

Các nhà nghiên cứu cho rằng “Đây là nơi duy nhất trên Trái Đất mà bạn có thể nghiên cứu cách mà một vết nứt lục địa trở thành một vết nứt đại dương. Chúng ta có thể thấy rằng lớp vỏ đại dương đang bắt đầu được hình thành vì nó khác biệt rõ rệt với lớp vỏ lục địa về thành phần và độ dày”, Christopher Moore, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Leeds, trả lời nhật báo The Economic Times.

Nguyên nhân của sự phân tách hiện vẫn chưa được xác định nhưng một số người tin rằng sự hình thành vết nứt được thúc đẩy bởi các quá trình kiến tạo tương tự như quá trình xảy ra dưới đáy đại dương.

Một đường đứt gãy ngầm gần thị trấn Mai Mahiu, Kenya tháng 3/2018. Ảnh: Fox News

Thạch quyển – lớp vỏ cứng ngoài cùng của Trái Đất – được chia thành nhiều mảng kiến tạo không đứng yên mà chuyển động tương tác với nhau với vận tốc khác nhau. Các lực kiến tạo không chỉ làm các mảng di chuyển mà còn có khả năng khiến chúng bị đứt gãy, dẫn đến hình thành vết nứt và có khả năng dẫn đến việc tạo ra các ranh giới mảng mới. Hiện tượng nứt là quá trình địa chất trong đó một mảng kiến tạo duy nhất bị tách thành hai hoặc nhiều mảng nhỏ hơn, từ đó xuất hiện các đường ranh giới bên trong. Quá trình này dẫn đến sự xuất hiện của một vùng đất trũng gọi là thung lũng tách giãn, có thể xảy ra trên đất liền hoặc dưới đáy đại dương.Dữ liệu địa chấn mà các nhà nghiên cứu thu được tiết lộ rằng các quá trình kiến tạo tương tự đã kích hoạt sự hình thành rạn nứt ở đáy đại dương.

Những thay đổi này cũng sẽ tác động đến môi trường sống của chúng ta do biến đổi khí hậu, dẫn đến suy thoái môi trường. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng các khu định cư sẽ gây áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến khan hiếm nước, năng lượng và lương thực.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về tình trạng di dời và môi trường, tính đến năm 2015, hơn 15 triệu người tại châu Phi đã phải dời chỗ sinh sống. Xử lý chất thải không được kiểm soát cũng sẽ là một mối quan tâm đáng kể. Hơn nữa, một số loài sẽ biến mất, trong khi những loài khác sẽ trở nên nguy cấp do thay đổi môi trường sống.

Hình dung về lục địa châu Phi sau khi tách làm hai. Trong vài triệu năm nữa, một phần của Đông Phi sẽ tách rời khỏi Châu Phi, tạo ra một đại dương mới nằm giữa 2 mảng kiến tạo. Ảnh: Internet

Đất và biển mà chúng ta thấy ngày nay, của châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi , châu Nam Cực và châu Đại Dương – là sản phẩm của các mảng kiến tạo rộng lớn nối với nhau như một trò chơi ghép hình. Tuy nhiên, dù rất chậm, những miếng ‘ghép hình’ này vẫn đang di chuyển xung quanh trong khoảng thời gian hàng triệu năm.

Tất cả sự dịch chuyển của các vùng đất thường xảy ra rất chậm. Mặc dù vậy, những tiến bộ về công nghệ của các thiết bị GPS đã cách mạng hóa lĩnh vực nghiên cứu địa chất, cho phép các nhà khoa học thực hiện các phép đo chính xác về cách các mảng kiến tạo di chuyển theo thời gian thực

Chy Le/nguồn IFL Science