Viết là một trong bốn kĩ năng mà người học cần phải rèn luyện trong quá trình học tập môn Ngữ văn. Đây cũng là kĩ năng khó nhất bởi để có được sự hiệu quả trong rèn luyện kĩ năng này, người học phải có sự thành thạo những kĩ năng còn lại đặc biệt là kĩ năng đọc và nghe.
Hiện nay, kĩ năng viết của người học Ngữ văn ngày càng yếu. Một thực tế cho thấy, các kĩ năng tạo câu, liên kết câu, phát triển ý trong kĩ năng viết của người học nói chung không nhuần nhuyễn. Vì thế, khi tạo câu không đảm bảo yêu cầu về cú pháp và ngữ nghĩa; các câu trong đoạn, trong văn bản không có sự liên kết chặt chẽ; việc phát triển ý cũng không sâu và đa dạng. Việc tạo ra một bài văn có dung lượng cần và đủ do vậy cũng là một yêu cầu khá khó khăn với người học.
Vậy điều này do đâu? Theo chúng tôi, thực trạng này có thể bắt nguồn từ 2 nguyên nhân căn bản sau:
Kĩ năng đọc hiểu của người học yếu
Kĩ năng đọc và kĩ năng viết có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Để viết tốt, người học cần có “phông” kiến thức rộng. Phông kiến thức này sẽ có được bắt nguồn từ việc người học đọc nhiều sách, báo, tài liệu tham khảo … từ đó, những kiến thức trong sách, báo, tài liệu tham khảo… có những chuyển hóa về chất giúp người học mở rộng những hiểu biết, đào sâu những tri thức. Tuy nhiên, hiện nay, người học chỉ có thói quen đọc những gì giáo viên yêu cầu, nếu không nói là nhiều khi cũng không đọc hết những tài liệu này.
“Đọc” rồi phải biết cách “hiểu”, cách “khai thác” văn bản. Đối với những văn bản trong nhà trường, người học được giáo viên hướng dẫn cách đọc hiểu còn đối với những văn bản ngoài nhà trường, người học còn khá lúng túng trong hoạt động đọc hiểu.
Kĩ năng viết chưa thành thục
Để viết tốt, người học cần nắm bắt được những kĩ năng cụ thể như dựng câu, liên kết câu, phát triển ý… Chắc chắn ở những kĩ năng này, giáo viên cũng đã có những hướng dẫn cho người học, tuy nhiên do việc luyện tập chưa thành thói quen, vẫn còn tâm lí ngại viết vì sợ mệt, sợ mất thời gian… nên kĩ năng viết không thuần thục.
Những câu văn sai ngữ pháp, sai ngữ nghĩa, viết ngô nghê, diễn đạt lủng củng, mạch ý luẩn quẩn… luôn là những lỗi sai khá phổ biến.
Từ thực trạng đáng báo động đối với học sinh và cả sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có những giải pháp kịp thời và sát sao.
Nâng cao kĩ năng đọc hiểu cho người học, đặc biệt hướng dẫn người học những chiến lược đọc hiểu để phát triển và mở rộng tri thức Ngữ văn.
Rèn kĩ năng viết lách cho người học: từ việc dựng câu như thế nào là đúng, là hay và sinh động; cách liên kết câu về nội dung (hướng chủ đề) và hình thức (sử dụng phép liên kết); cách tư duy để phát triển ý, phát triển mạch văn. Rèn luyện kĩ năng viết theo các cấp độ: viết câu, viết đoạn, viết bài; cần rèn luyện theo thói quen: không phải cứ có đề văn giáo viên giao mới viết mà vấn đề nào của cuộc sống bạn đang tư duy về nó cũng có thể triển khai để viết.
Tăng cường việc sữa chữa những lỗi sai về kĩ năng viết cho người học. Đây là một yêu cầu khá thiết thực bởi chỉ qua việc chữa lỗi, người học mới rút ra được những kinh nghiệm viết lách cho mình.
Viết lách là một trong những yêu cầu “cốt lõi” của văn chương. Vì thế, bên cạnh những yêu cầu mang tính nhận biết, trả lời kiến thức theo kiểu hỏi đáp, bên cạnh những hoạt động để tạo nên một giờ văn sinh động thì không thể bỏ qua yêu cầu này, dù rằng viết muôn đời là khó và khổ.
Rèn kĩ năng viết – câu chuyện này cần được các nhà trường chú ý nhiều hơn bởi đây là vấn đề rất đáng ngại đối với học sinh và cả sinh viên Ngữ văn hiện nay.
Lê Thị Thùy Vinh/Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội 2