Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việc mất khí đốt Nga đã đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hóa của Đức

ĐNA -

Theo Bloomberg, việc mất nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina đã giáng một “đòn cuối cùng” vào đại siêu cường công nghiệp của Đức vốn đang phải vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh về chi phí. Việc mất khí đốt giá rẻ của Nga đã đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hóa của Đức. Triều đại siêu cường công nghiệp của Đức “sắp kết thúc”.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Nguồn: DPA

Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích cho hay, nền kinh tế Đức đang trải qua một năm khó khăn sau khi suy thoái vào quý 4/2023, do lạm phát và lãi suất cao cao tiếp tục đè nặng.

Sản lượng công nghiệp ở Đức đã giảm kể từ năm 2017 và ngày càng đi xuống, đặc biệt kể từ khi Đức không nhập khẩu khí đốt gia rẻ của Nga vào năm 2022 vì cùng các nước trong EU trừng phạt Nga về cuộc xung đột Ukraina. Hiện tại các nhà máy có tuổi đời hàng thế kỷ đang đóng cửa và các công ty khác đang chuyển dây chuyền sản xuất sang những nước có chi phí thấp hơn.

Trao đổi với Bloomberg, Stefan Klebert – Giám đốc điều hành của nhà sản xuất máy móc GEA Group AG cho biết, “Thành thật mà nói thì không có nhiều hy vọng. Tôi thực sự không chắc liệu chúng tôi có thể ngăn chặn xu hướng này hay không. Nhiều thứ sẽ phải thay đổi rất nhanh”.

Một cuộc khảo sát vào tháng 9/2023 của Liên đoàn Công nghiệp Đức cho thấy những lo ngại về an ninh năng lượng và chi phí là lý do hàng đầu khiến nước này chuyển dịch đầu tư ra nước ngoài. Các nhà sản xuất hóa chất nằm trong số những nhà sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất khí đốt của Nga. BASF SE, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất châu Âu, và Lanxess AG đang cắt giảm hàng nghìn việc làm.

Nhà sản xuất lốp xe Michelin của Pháp và đối thủ Goodyear của Mỹ đang đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô các nhà máy ở Đức. Theo Maria Rottger – Giám đốc khu vực của Michelin, chi phí quá cao khiến các nhà xuất khẩu Đức khó phát triển.

“Bất chấp động lực của nhân viên, chúng tôi đã đến lúc không thể xuất khẩu lốp xe tải từ Đức với giá cạnh tranh. Nếu Đức không thể xuất khẩu có tính cạnh tranh trong bối cảnh quốc tế, nước này sẽ mất đi một trong những thế mạnh lớn nhất của mình”, Maria Rottger – Giám đốc khu vực của Michelin chia sẻ.

Tỉ lệ khó khăn của các công ty Đức đang ở mức cao nhất ở châu Âu.

Tỉ lệ khó khăn của các công ty Đức đang ở mức cao nhất ở châu Âu. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Tài chính Đức thừa nhận cuộc khủng hoảng tại một hội nghị của Bloomberg hồi đầu tháng 2/2024. Ông nói, “Chúng tôi không còn cạnh tranh nữa. Chúng tôi ngày càng nghèo hơn vì không tăng trưởng. Chúng tôi đang tụt lại phía sau”.

Nền kinh tế Đức suy thoái trong quý IV năm ngoái. Một nghiên cứu của công ty tư vấn Alvarez & Marsal cho thấy, 15% công ty Đức đang gặp khó khăn, với bảng cân đối kế toán yếu. Tỉ lệ khó khăn của các công ty Đức đã tăng từ mức 9% của năm ngoái và là mức cao nhất ở châu Âu.

Dữ liệu sơ bộ chính thức do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố vào tháng 1/2024 cho thấy GDP điều chỉnh theo giá của Đức đã giảm 0,3% trong năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp (không bao gồm xây dựng) giảm 2%, chủ yếu do sản lượng trong lĩnh vực cung cấp năng lượng thấp hơn nhiều.

Mặc dù lạm phát trong tháng 1/2024 đã giảm xuống còn 3,1% nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Theo công ty tư vấn Alvarez & Marsal, khoảng 15% công ty ở Đức đang gặp khó khăn, đây là tỷ lệ cao nhất ở châu Âu.

Bloomberg lưu ý, các cuộc khảo sát ban đầu về năm 2024 cho thấy có rất ít hy vọng rằng khó khăn kinh tế sẽ kết thúc trong tương lai gần.

“Đức đang là thị trường khó khăn nhất ở châu Âu. Triển vọng kinh tế của nước này vẫn ảm đạm, cả chính phủ và Ủy ban châu Âu đều dự đoán nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,4% vào năm 2024 do lạm phát cao, giá năng lượng tăng cao và thương mại quốc tế trì trệ” – theo Chỉ số Weil European Distress.

Các nhà phân tích cho biết, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế tăng trưởng chậm có thể sẽ gây ra vấn đề cho các ngân hàng Đức.

Theo một báo cáo gần đây từ Ngân hàng trung ương Đức, khoảng 1/3 các khoản cho vay bất động sản thương mại phải đối mặt với chi phí vay cao hơn trong vòng 3 năm – điều này có thể dẫn đến vỡ nợ và suy giảm tín dụng.

Trong báo cáo công bố gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng của Đức trong năm 2024 xuống chỉ còn 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% mà tổ chức này dự đoán cho G20 và thậm chí thấp hơn mức 0,6% mà OECD dự kiến ​​cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, việc các quốc gia phương Tây tìm kiếm sự sụp đổ của Nga lại gây bất lợi cho người dân của họ, thay vì phục vụ lợi ích của chính họ thông qua hợp tác kinh tế.

Vào tháng 12/2023, Ông Putin cáo buộc các nhà lãnh đạo Đức đã làm tổn thương nền kinh tế của chính họ dưới áp lực của Mỹ và âm thầm chấp nhận các vụ đánh bom đường ống dẫn khí Nord Stream mà ông đổ lỗi cho CIA.

Bloomberg cho biết, các nhà sản xuất Đức còn bị tổn thương bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp, lực lượng lao động già, tệ quan liêu, hệ thống giáo dục suy yếu của châu Âu và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.

T.Y.B