Sáng 18/5/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala đang làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao vai trò và nỗ lực của bà Tổng Giám đốc trong việc điều hành và thúc đẩy các hoạt động của WTO; chúc mừng bà Tổng Giám đốc vì những kết quả rất đáng ghi nhận đã đạt được từ khi nhậm chức Tổng Giám đốc WTO từ tháng 3/2021.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, Việt Nam luôn đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của WTO. Việc trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007 là một dấu mốc quan trọng trên tiến trình hội nhập của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP, trở thành 1 trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế, cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ 2016 đến nay. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần 8 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007 (từ 48 tỷ USD lên 371 tỷ USD năm 2022); vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD.
Sau hơn 35 năm đổi mới, năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên 4.100 USD; tăng trưởng GDP đạt trên 8%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng an ninh được tăng cường; độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020-2022, hiện đạt 431 tỷ USD.
Thủ tướng khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm của WTO, Việt Nam chủ trương phát huy vai trò chủ động, tích cực tại các khuôn khổ hợp tác của WTO, nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết và đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề quan tâm chung tại WTO; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trên cơ sở nền tảng các quy tắc của WTO, Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 15 FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA). Việt Nam vừa kết thúc đàm phán FTA với Isarel và tiến tới ký kết chính thức trong năm 2023; đồng thời thúc đẩy khả năng đàm phán FTA với một số đối tác tiềm năng khác…
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, trong bối cảnh cục diện thế giới biến chuyển nhanh chóng và mạnh mẽ và nhiều thách thức, Việt Nam luôn ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng và dựa trên luật lệ với WTO đóng vai trò trung tâm nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, đồng thời góp phần ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra đối với các nước, như kết nối các chuỗi cung ứng, loại bỏ các hàng rào thuế quan, chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại; thúc đẩy trao đổi thương mại trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút hiện nay.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa WTO và Việt Nam, Thủ tướng mong muốn WTO tiếp tục phát huy vai trò điều phối nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu theo hướng bao trùm, cân bằng, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; đề nghị WTO tiếp tục cải tổ, mạnh mẽ và thực chất để khẳng định vai trò là nền tảng của hệ thống thương mại đa phương minh bạch, công bằng, bảo đảm mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các nước, nhất là những nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam; quá trình cải cách WTO cần bảo đảm cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của các thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển có trình độ thấp và kém phát triển; không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các đối tượng yếu thế.
Thủ tướng cũng đề nghị WTO tiếp tục có những hành động mạnh mẽ nhằm mở rộng chương trình nghị sự ngoài những vấn đề kinh tế-thương mại truyền thống, trong đó có những vấn đề lớn Việt Nam và tất cả các quốc gia khác đều đang quan tâm như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có những biến chuyển nhanh và sâu sắc, hướng tới thương mại phục vụ phát triển bền vững; đề cao cách tiếp cận toàn cầu và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với những các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực…
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên phát triển kinh tế-xã hội, như những số liệu mà Thủ tướng chia sẻ, nhất là những thành tựu lớn về nâng cao thu nhập bình quân đầu người, xuất nhập khẩu. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt so với kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhanh, lạm phát giảm, chính sách tài chính tích cực, chênh lệch giàu nghèo thấp.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO cho rằng, thành công của Việt Nam chưa được biết đến nhiều trên thế giới; bà mong muốn được Thủ tướng chia sẻ về những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam để giới thiệu rộng rãi hơn với thế giới, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác.
Chia sẻ về những trụ cột, định hướng lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại và hội nhập của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình thực hiện cam kết gia nhập WTO, thúc đẩy tăng trưởng thương mại và phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trong xã hội và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế; phối hợp cùng các thành viên đóng góp một cách thực chất, hiệu quả vào các hoạt động WTO trong thời gian tới; cũng như nỗ lực đạt được đồng thuận về hướng xử lý những vấn đề lớn còn tồn tại mà WTO và các nước thành viên cần tiếp tục thúc đẩy.
Thủ tướng mong cá nhân bà Tổng Giám đốc và WTO tiếp tục ủng hộ thúc đẩy các chương trình hợp tác, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của WTO nhằm giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đóng góp thiết thực vào các hoạt động của WTO.
Tổng Giám đốc WTO nhất trí cao với những ý kiến của Thủ tướng, đồng thời nhấn mạnh vai trò của thương mại số và bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế số tại Việt Nam. Tổng Giám đốc WTO cũng chia sẻ một số vấn đề về sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng sắp tới; mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thương mại xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đàm phán Hiệp định Trợ cấp thuỷ sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), phát triển bao trùm, trao quyền cho phụ nữ…
Thanh Hoàn/nguồn chinhphu.vn