Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022

ĐNA -

Sau những biến cố đại dịch covid kéo dài gây tổn thất lớn cho nền kinh tế trong nước. Việt Nam bước vào năm 2022 với những khó khăn nhiều hơn thuận lợi khi dịch Covid còn diễn biến phức tạp, chưa khống chế được.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022

Trong Nghị quyết 01 Chính phủ vừa ban hành về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu tăng trưởng 6-6,5%, GDP, bình quân đầu người đạt 3.900 USD.

Với chủ đề năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Chính phủ đã quán triệt nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó có việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội là những trọng tâm được Chính phủ đặt yêu cầu hàng đầu. Hiện nay, việc tiêm chủng vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ “Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”. Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Cùng với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn; tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công và phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

The Cuong (tổng hợp)