Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Việt Nam chung tay hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ hành tinh xanh

ĐNA -

(Đà Nẵng). Ngày 18/7/2024 tại Đà Nẵng đã diễn ra  hội nghị “Truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, thay đổi hành vi về giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường khu vực miền Trung”, do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Ông Cao Minh Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: T.Ngọc

Chia sẻ mô hình kiểm soát và giảm phát thải, gây ô nhiễm
Hội nghị đã nghe, thảo luận các nội dung: Quy định chính sách pháp luật về quản lý ô nhiễm không khí;  Trách nhiệm của các cấp, doanh nghiệp, hộ gia đình trong quản lý, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí; Hình thức quản lý các nguồn khí phát thải (thực hiện quan trắc tự động, liên tục; quan trắc định kỳ,…); Hướng dẫn quy định về khuyến kích doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới nhất hiện có (BAT) để phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí; Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng ứng dụng công nghệ cảnh báo ô nhiễm không khí; Hướng dẫn về tổ chức kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và phát triển thị trường carbon.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Cao Minh Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022), Bộ đã và đang thực thi nhiều chương trình hành động trong đó có quản lý và kiểm soát ngày một tốt hơn chất lượng không khí, một nguy cơ ô nhiễm luôn được cho là “sát thủ vô hình”.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đã và đang là vấn đề được các cơ quan quản lý nhà nước hết sức lưu ý, do ô nhiễm này, tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường. Các hoạt động phát thải từ quá trình đô thị hóa, các công trình xây dựng, giao thông hay hoạt động nông nghiệp, đều tác động xấu đến chất lượng môi trường.

Vừa hoàn thiện Luật và định chế quản lý, tại hội nghị “Truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, thay đổi hành vi về giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường khu vực miền Trung”, diễn ra tại TP Đà Nẵng lần này, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)  cũng chia sẻ một số mô hình kiểm soát và giảm phát thải, giúp các đại biểu tham dự có thêm thông tin tham khảo và vận dụng phù hợp.

“Ngoài ra, đại biểu có mặt tại sự kiện, cũng mạnh dạn đóng góp thêm ý kiến, chia sẻ mô hình, kinh nghiệm cũng như cho ý kiến bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cũng như khung quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển theo xu thế tăng trưởng xanh, kiểm soát tốt ô nhiễm. Trong đó, tiến tới phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, ông Cao Minh Tuấn đề nghị.

Nhiều thách thức, khó khăn vượt tầm, vượt khả năng của “Thành phố môi trường”
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra mục tiêu xây dựng Đà Nẵng – Thành phố Môi trường (từ năm 2008). Những kết quả đạt được của Đà Nẵng đã minh chứng cho tầm nhìn của lãnh đạo địa phương và sự chung tay, đồng hành đầy trách nhiệm của cộngh đồng: Thành phố bền vững về môi trường (Giải thưởng ASEAN); Thành phố carbon thấp (APEC); thành phố phong cảnh Châu Á; Giải thưởng môi trường Việt Nam; thành phố Xanh quốc gia… Đặc biệt, năm 2020, thành phố là 1 trong 5 thành phố đạt mức Tốt, Đà Nẵng cũng có 2 năm liền (2021, 2022) là địa phương dẫn đầu về công tác bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đánh giá và công nhận.

“Chúng ta còn đối mặt rất nhiều thách thức, khó khăn” – ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, công tác quản lý nhà nước, việc triển khai các chương trình hành động bảo vệ môi trường, còn gặp rất nhiều nan giải. Trước hết, chúng ta chưa có đủ văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách riêng cho công tác quản lý , mà một đơn cử là (cho dến nay) vẫn chưa có hướng dẫn của Trung ương về việc đánh giá tác động về nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí đến bệnh tật, sức khỏe cộng đồng.

Riêng về chất lượng môi trường không khí – một chủ đề của hội nghị hôm nay – cũng tương tư, vẫn chưa có hướng dẫn của Trung ương (liên quan đến chất lượng môi trường không khí, làm rõ tầm quan trọng, lộ trình, mục tiêu và phương pháp cụ thể, nên địa phương gặp khó khăn trong công tác xây dựng và triển khai (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí).

 Các quy định về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí – hiện tại – có mặt trong nhiều văn bản khác nhau, chứ chưa có một văn bản thống nhất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng, bảo vệ có hiệu quả thành phần môi trường đặc thù là không khí.

Trong khi đó, thực tế là chúng ta thấy rất rõ xu hướng gia tăng các loại xe mô tô, xe gắn máy cũ, không bảo dưỡng định kỳ làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Việc kiểm soát khí thải chỉ thực hiện đối với đầu vào là xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Luật chưa quy định về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành nên không có cơ sở pháp lý để triển khai công tác kiểm soát, xử lý các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo các quy định về khí thải.

Đã vậy, nguồn lực quản lý môi trường của chúng ta còn thiếu nhiều. Công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm chưa đáp ứng được, phần lớn là trang thiết bị quan trắc thủ công, định kỳ. Năng lực quan trắc môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao; nhân lực quản lý môi trường các cấp, ngành còn hạn chế với sự phát triển đô thị và công tác quản lý chuyên ngành mới.

Chuyên gia đến từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có các chia sẻ chuyên đề với đại biểu tham dự. Ảnh: T.Ngọc.

Đà Nẵng còn đang gặp khó trong vấn đề di dời cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư vào khu/cụm công nghiệp. Cho đến nay, chúng tôi chưa có giải pháp bố trí phù hợp và đảm bảo so với nhu cầu đề nghị di dời. Mặc dù, các vấn đề ô nhiễm (bụi, mùi hôi, tiếng ồn), từ chính hoạt động này, gây nhiều bức xúc;  UBND các quận, huyện đã thống kê, lập danh sách các cơ sở có nhu cầu di dời gửi Ban Quản lý khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Sở Công thương. Song, hiện trạng là chưa hề có giải pháp nào để xử lý hiệu quả và dứt điểm.

Ngoài ra, vấn đề khoảng cách an toàn về môi trường từ khu vực bãi chôn lấp và khu vực dân cư, chúng tôi ghi nhận cũng chưa đảm bảo theo quy định, có nguy cơ phát tán mùi hôi, gây khó khăn trong kiểm soát lượng khí phát tán ra ngoài môi trường và nguy cơ về an toàn phòng chống cháy nổ. Theo chúng tôi, một bãi chôn lấp chất thải rắn chưa đảm bảo đồng bộ về hệ thống thu gom, xử lý lượng khí thải phát sinh, cũng là vấn đề khó khăn và thách thức của Đà Nẵng.

Bắt đầu lộ trình quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon; phát triển thị trường carbon tại Việt Nam
Được biết, liên quan đến yêu cầu tổ chức kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và phát triển thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua đã có nhiều biện pháp và giải pháp kiểm kê phát thải, kiểm kê khí nhà kính (theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022) và đạt được một số kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính vẫn tiếp tục được Bộ cập nhật và đề xuất Chính phủ đưa vào danh mục.

Theo đó, các cơ sở nằm trong diện phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg.

Các chủ đề và nội dung hội nghị “Truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, thay đổi hành vi về giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường khu vực miền Trung”, thu hút sự quan tâm của đại biểu tham dự. Ảnh: T.Ngọc.

Đồng hành, trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa ban hành Thông tư số 36/2023/TT-BGTVT sửa đổi 01:2023 QCVN 109:2021/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 5 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Theo ông Cao Minh Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thực hiện các mục tiêu về phát thải ròng đạt mức không (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Tại hội nghị thượng đỉnh” Tham vọng Khí hậu”, Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định với sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào 2050.

Tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, “tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương”.

Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” (dự thảo), xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ (Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025. Từ 2028, Việt Nam sẽ chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Việt Nam hành động có trách nhiệm trước các vấn đề đe dọa mất cân bằng sinh thái và gây ô nhiệm, nỗ lực nâng cao chất lượng sống cho người dân và công dân quốc tế đến du lịch, làm việc, học tập, sinh sốngh tại Việt Nam. Ảnh minh họa: T.Ngọc.

Đối với Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon, theo lộ trình thực hiện từ năm 2024, Việt Nam sẽ bắt đầu lộ trình quản lý, loại trừ các chất hydrochlorofluorocarbons (thường được viết tắt là HCFC, môi chất lạnh có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu cao), tiến tới giảm 80% lượng tiêu thụ từ năm 2045. Việt Nam đã luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozon tại Điều 92 trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bao gồm cả lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ quốc gia.

Trong giai đoạn 2020-2025, Việt Nam sẽ thực hiện loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó để dừng nhập khẩu các chất HCFC vào năm 2040. Triển khai lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024-2028, loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2029 cho đến năm 2034 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn hiện việc xây dựng dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện Nghị định thư Montreal.

Lộ trình đến năm 2045, các chất làm suy giảm tầng ozon và các chất gây hiệu ứng nhà kính (ở Viẹt Nam) sẽ được kiểm soát, được quản lý hiệu quả và loại trừ dần, thông qua việc chuyển đổi sang công nghệ sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng 0, phấn đấu đạt mục tiêu giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2tđ.

“Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ UBND cấp tỉnh phải tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu xây dựng “Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Đà Nẵng”, trình UBND thành phố ban hành, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân về quản lý chất lượng môi trường không khí, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Trong bối cảnh đó, hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, thay đổi hành vi về giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường khu vực miền Trung là hết sức cần thiết đối với chính quyền các cấp của mỗi địa phương và mỗi cộng đồng liên quan, trong thực hiện nhiệm vụ này”. Với Đà Nẵng, điều có ý nghĩa hơn thế, là góp phần để thành phố thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ môi trường, đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43-NQ/BCT ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị”, ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, nhấn mạnh./.

Trần Ngọc