Sáng 26/8/2022, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của UNDP trong hỗ trợ sự phát triển trên phạm vi thế giới và vui mừng trước những hoạt động hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và UNDP từ nhiều thập kỷ qua.
Trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đã có nhiều sáng kiến, hoạt động góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc nói chung và quan hệ hợp tác Việt Nam-UNDP nói riêng; đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, UNDP và cá nhân bà Caitlin Wiesen đã tích cực thúc đẩy hoạt động hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và kịp thời có các báo cáo đánh giá tác động về kinh tế-xã hội của Covid-19 đối với các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam, đề xuất các biện pháp ứng phó, phục hồi; hỗ trợ Việt Nam trong triển khai khám, chữa bệnh từ xa; hỗ trợ các bộ, ngành xây dựng các chính sách ứng phó với đại dịch và phục hồi.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của UNDP trong lĩnh vực cải cách hành chính, phục hồi kinh tế xanh và bao trùm, rà phá bom mìn, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn UNDP tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác quốc tế khác tăng cường hỗ trợ y tế cơ sở, y tế dự phòng, giúp Việt Nam tăng khả năng sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh trong tương lai; giúp Việt Nam rà soát và đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); chia sẻ kinh nghiệm và các thực hành tốt trên thế giới về giải quyết các tác động kinh tế-xã hội tới các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi xanh; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, của các thành phần kinh tế và các hệ sinh thái.
Cám ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, bà Caitlin Wiesen chia sẻ nhiều kỷ niệm, tình cảm trong thời gian làm việc tại Việt Nam, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.
Bà Caitlin Wiesen khẳng định sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa vào mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Việt Nam-UNDP giai đoạn 2022-2026. Các lĩnh vực trọng tâm của Chương trình bao gồm chuyển đổi kinh tế, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, không để các nhóm dễ bị tổn thương rơi vào tình trạng nghèo sau đại dịch Covid-19; giảm nghèo đa chiều; ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và bảo đảm bền vững môi trường, thông qua giải quyết các mối liên kết giữa nghèo đói-môi trường và khí hậu-sức khỏe, thiết kế và triển khai các giải pháp phát triển carbon thấp, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường; thúc đẩy dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường sự tham gia của người dân, bao gồm của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.
Cũng vào chiều 26/8/2022, Bà Caitlin Wiesen đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo công bố, chia sẻ lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại TP. Đà Nẵng lộ trình 2022-2045.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, TP. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng lộ trình phát triển và thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn. Trước những thách thức lớn hiện hữu toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn của nhiều quốc gia để hướng đến phát triển bền vững. TP. Đà Nẵng là đô thị trẻ, năng động, có nhiều cơ hội để tiên phong cho lộ trình phát triển của các đô thị Việt Nam. Việc theo đuổi kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Thành phố quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
“Có nhiều lý do để việc chuyển đổi và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho TP. Đà Nẵng, để nhằm chấm dứt tình trạng khối lượng chất thải liên tục tăng nhưng không có phương án xử lý hiệu quả và không khai thác được giá trị kinh tế từ chất thải; hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường gây ra; mang lại những lợi ích trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu; khai thác được nền tảng công nghệ cao hiện có của thành phố; giúp cho đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của các mục tiêu phát triển bền vững…” Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chia sẻ trong Hội thảo.
Được biết, Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn 2045 được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 2022 – 2025 là giai đoạn khởi động lộ trình với các hoạt động trọng tâm là tuyên truyền, thử nghiệm một số mô hình kinh tế tuần hoàn đơn giản.
Giai đoạn 2025 – 2030, địa phương sẽ triển khai các dự án thí điểm trong các lĩnh vực ưu tiên (7 lĩnh vực ưu tiên) để thấy mức độ ảnh hưởng, lan tỏa khi áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Từ sau năm 2030, Đà Nẵng xác định kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả được nhân rộng, lan tỏa. Đến năm 2045, Đà Nẵng đặt mục tiêu cơ bản đạt được các tiêu chí của thành phố tuần hoàn.
The Cuong